Tòa kết luận đúng…
Như thông tin đã nêu, do không đồng tình Quyết định số 4434/QĐ-UBND ngày 20-12-2016 của Chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ về việc áp dụng các biện pháp hành chính để chấm dứt hoạt động lò gạch đất sét nung liên tục kiểu đứng của Doanh nghiệp Xây dựng Thành Đạt (có địa chỉ tại thị trấn Tứ Kỳ, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương), ông Tiêu Văn Đạt là chủ Doanh nghiệp Xây dựng Thành Đạt (DN Thành Đạt) đã khởi kiện ông Nguyễn Ngọc Sẫm - Chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ tới TAND cấp cao tại Hà Nội, đồng thời yêu cầu hủy một phần Quyết định số 4434/QĐ-UBND.
Tại phiên tòa xét xử công khai ngày 18-4-2018, TAND cấp cao tại Hà Nội kết luận: UBND tỉnh Hải Dương ban hành Quyết định 661/QĐ-UBND ngày 15-3-2011, cho phép các cơ sở sản xuất gạch bằng lò liên tục kiểu đứng hoạt động đến hết ngày 31-12-2015 và UBND huyện Tứ Kỳ ban hành Quyết định 4434 là không đúng chỉ đạo của tại Quyết định 1469/QĐ-TTg ngày 22-8-2014 của Thủ tướng Chính phủ và Hướng dẫn 969/BXD-TTr của Bộ Xây dựng. Việc UBND huyện Tứ Kỳ giao cho UBND xã Đông Kỳ thông báo công khai và tổ chức cưỡng chế đối với các lò gạch của DN Thành Đạt là sai.
Theo Quyết định 1469/QĐ-TTg của Chính phủ quy định đối với lò gạch liên tục kiểu đứng ở khu vực đồng bằng sẽ có lộ trình chấm dứt vào năm 2018. Thế nhưng UBND huyện Tứ Kỳ lại ban hành quyết định chấm dứt hoạt động lò gạch của DN Thành Đạt trước thời hạn 2 năm. Việc ban hành quyết định của UBND huyện Tứ Kỳ đã khiến cho hoạt động của DN Thành Đạt dở dang, chịu nhiều tổn thất nặng nề (500 vạn viên gạch mộc của Doanh nghiệp đáng ra phải được đốt trước đó thì nay phải nằm phơi nắng mưa), rất nhiều người dân lao động địa phương mất việc làm.
Trao đổi với PV, ông Phạm Huy Sơn - Chủ tịch UBND xã Đồng Kỳ, huyện Tứ Kỳ cho rằng: “Theo tôi là cho đốt cho xong, vì không ảnh hưởng gì về tình hình địa phương cả. Tiếp xúc cử tri, nhân dân xã có yêu cầu tiếp tục cho đốt gạch. Việc sản xuất này sẽ giải quyết được công ăn việc làm cho một bộ phận nhân dân trong xã”.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND xã Đồng Kỳ cũng khẳng định: “Ông Tiêu Văn Đạt không vi phạm gì về các quy định của xã, vì đã được cấp thẩm quyền cho đốt. Chỉ có điều là trong mùa mưa bão, các nguyên liệu, vật tư tập kết cao quá, nhưng việc này chỉ vi phạm quy định của địa phương thôi chứ không vi phạm pháp luật. Doanh nghiệp của ông Đạt cũng thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính…”.

Lãnh đạo huyện… “cứng nhắc”?
Sau kết luận của TAND cấp cao tại Hà Nội, ngày 12-6-2018, ông Tiêu Văn Đạt - chủ DN Thành Đạt đã gửi thông báo đến UBND huyện Tứ Kỳ về việc tiếp tục hoạt động sản xuất gạch thủ công theo bản án của Tòa tuyên. Tuy nhiên, ngày 13-6-2018, UBND huyện Tứ Kỳ lại phát đi Thông báo số 90/TB-UBND nêu rõ: “Việc xét xử của TAND cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm kháng cáo của ông Tiêu Văn Đạt khởi kiện Chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ là không thỏa đáng, đó là quan điểm của TAND cấp cao tại Hà Nội…”.
“Ông Tiêu Văn Đạt nếu tiếp tục tái hoạt động sản xuất gạch thủ công tại địa bàn xã Đông Kỳ, huyện Tứ Kỳ là trái quy định; vi phạm về Luật Đất đai, Luật Đê điều…” - Thông báo nêu rõ.
Để tìm hiểu rõ hơn về vụ việc, ngày 19-10-2018, PV Báo CCB Việt Nam có buổi làm việc với ông Nguyễn Ngọc Sẫm - Chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ. Trả lời PV, ông Nguyễn Ngọc Sẫm một lần nữa khẳng định: “Quan điểm của chúng tôi giải quyết công việc của ông Đạt theo pháp luật, theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Hiện tại Bản án TAND cấp cao có hiệu lực, bản thân huyện khẳng định là mình phải thượng tôn pháp luật. Tuy nhiên, trong bản án đó thì Cục Thi hành án có ra văn bản và VKSND tỉnh Hải Dương cũng kiểm tra lại, theo dõi thi hành bản án. Điều này hoàn toàn đúng theo quy định pháp luật. Dù vậy, việc gì phải thi hành lại phải thực hiện đúng theo quy định”.
“Trong bản án không nói ông Đạt được đốt gạch, và trong bản án cũng không tính toán gì đến việc bồi thường đối với ông Đạt và hiện tại chúng tôi cũng đang có văn bản đề nghị xem xét thủ tục giám đốc thẩm với bản án của tòa cấp cao” - ông Nguyễn Ngọc Sẫm cho biết thêm.
Ngoài ra, ông Sẫm cũng cho rằng: “Hoạt động của anh Đạt có rất nhiều vi phạm đã xử lý. Ông Đạt không thực hiện nghĩa vụ tài chính. Ông này thuê đất sản xuất nông nghiệp nhưng thực tế là sản xuất gạch, không có giấy phép xây dựng, giấy phép về đê điều, giấy phép khai thác đất. Việc dừng lò gạch là theo cái chung của tỉnh, là yêu cầu phải dừng sản xuất gạch vì liên quan rất nhiều vấn đề: đất đai bị mất, sạt lở, môi trường, khai thác khoáng sản. Theo lộ trình của Thủ tướng là chuyển sang làm gạch không nung. Đây là vấn đề chung theo chỉ đạo của Thủ tướng và UBND tỉnh Hải Dương”.
Nếu như theo lời ông Sẫm nói, thì Quyết định số 282/QĐ-UB của UBND huyện Tứ Kỳ kí ngày 17-3-2006 về việc phê duyệt quy hoạch sản xuất gạch thủ công tại xã Đông Kỳ, huyện Tứ Kỳ cũng như cho phép DN Thành Đạt được xây dựng 2 cặp lò gạch nung (kiểu mới trục đứng do Sở Khoa học và Công nghệ chuyển giao kỹ thuật), trên lô đất có diện tích 126.000m2 và được phép khai thác đất làm gạch tại khu vực bãi ven sông Thái Bình thuộc xã Đông Kỳ theo hợp đồng ký kết giữa UBND xã Đông Kỳ và DN Thành Đạt là không có giá trị hay sao? Và như vậy, những lời của vị Chủ tịch UBND xã Đông Kỳ cho PV biết ở trên cũng hoàn toàn sai hay sao?
Rất mong sự vào cuộc của các cấp có thẩm quyền, đặc biệt là những chỉ đạo cụ thể, mang tính thượng tôn pháp luật của UBND tỉnh Hải Dương về vụ việc này để tránh việc khiếu kiện kéo dài, gây nhiều tốn kém cho doanh nghiệp cũng như ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân.
Bài và ảnh: Doanh Chính