
Vượt chặng đường hơn 13.000km bằng máy bay Bô-ing 777-200 ER của Hàng không Việt Nam và máy bay Airbus 320 của Hãng hàng không Pháp qua một số nước Đông Nam Á, Trung Á, Nam và Tây Âu, qua Bắc Đại Tây Dương, đoàn đến sân bay Ra-bát, thủ đô của Ma-rốc. Tại đây, đoàn đã được Lãnh đạo Cao ủy Những người kháng chiến và Cựu thành viên Quân giải phóng Vương quốc Ma-rốc thân tình đón tiếp tại phòng VIP và đưa đoàn về khách sạn Golden Tulip (Hoa Tu-lip vàng) với đội vệ sĩ cùng đoàn xe sang trọng có xe cảnh sát giao thông dẫn đường.
Ma-rốc là một nước Bắc Phi nằm sát bên bờ Bắc Đại Tây Dương và Địa Trung Hải, liền kề với An-giê-ri và Tây Xa-ha-ra với diện tích trên 458.000km2, dân số trên 34 triệu người, chủ yếu theo đạo Hồi (98%. Đặt chân tới đây, mọi người trong đoàn đều có chung cảm nhận thật ngỡ ngàng với cơ sở hạ tầng rất tốt, đường sá rộng rãi, nhẵn mịn, sạch sẽ; khí hậu ôn hòa, nóng buổi trưa nhưng mát buổi chiều với những làn gió hơi se lạnh; ban ngày kéo dài, tới 19 giờ 30 phút vẫn còn mặt trời; phương tiện giao thông chủ yếu là ô tô con, xe buýt sang trọng, hệ thống tàu điện bánh sắt hiện đại; rất ít xe máy và xe đạp, hầu như không thấy người đi lại trên hè phố. Đặc biệt, thủ đô Ra-bát hầu như một màu trắng và rất hiếm cây xanh cao vượt các tòa nhà. Người Ma-rốc rất thân thiện và mến khách.
Vương quốc Ma-rốc hình thành vào thế kỷ XI với nền thương mại rất phát triển, tài nguyên chủ yếu là phốt-phát với trữ lượng lớn nhất thế giới (54,5 tỷ tấn), ngoài ra có sắt, măng-gan, chì, thiếc, muối… GDP đạt 90,47 tỷ USD (năm 2008); trao đổi thương mại 31,8 tỷ USD; tăng trưởng bình quân 5,3%; thu nhập đầu người 1.700 USD/năm... Cũng có hoàn cảnh lịch sử như nước ta, Ma-rốc là thuộc địa của Pháp. Trước cuộc đấu tranh đòi độc lập của nhân dân Ma-rốc, Pháp phải công nhận độc lập của Ma-rốc (ngày 7-4-1955). Ngày 14-8-1957, Vua Mô-ha-mét V lập Vương quốc Ma-rốc. Khi Vua Mô-ha-mét V qua đời, con trai là Hát-xan II lên thay. Sau khi Vua Hát-xan II mất, con trai là Xi-đi Mô-ha-mét VI lên ngôi ngày 30-7-1999. Ngày này được lấy làm ngày Quốc khánh của Ma-rốc.
Ma-rốc và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 27-3-1961. Tháng 3-2006, hai nước mở Đại sứ quán và cử Đại sứ thường trú tại thủ đô mỗi nước. Từ năm 2001 đến nay, hai nước đã cử nhiều đoàn đại biểu cấp cao (thủ tướng, cấp bộ và cơ quan ngang bộ) sang thăm và ký nhiều hiệp định về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học, kỹ thuật thương mại và Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao, công vụ và hộ chiếu đặc biệt…
Hội CCB Việt Nam và Cao ủy Ma-rốc đã có quan hệ với nhau bằng việc ký Thỏa thuận hữu nghị và hợp tác lần 1 (7-12-2006), lần 2 (3-8-2010). Hội CCB Việt Nam đã đón hai đoàn đại biểu Cao ủy Ma-rốc sang thăm và làm việc (8-2010 và 9-2011) và lần này Cao ủy Ma-rốc mời Đoàn đại biểu T.Ư Hội CCB Việt Nam sang thăm Ma-rốc và trao đổi kinh nghiệm, thúc đẩy những thỏa thuận hữu nghị, hợp tác mà hai bên đã ký.
Chương trình hoạt động dày đặc, ngay ngày đầu tiên, Đoàn đại biểu Hội CCB Việt Nam và Đoàn đại biểu Cao ủy Ma-rốc đã tiến hành hội đàm về việc tiếp tục thúc đẩy Thỏa thuận hữu nghị, hợp tác giữa hai Hội ký ngày 3-8-2010 tại Thủ đô Hà Nội. Hai Hội thống nhất cùng cụ thể hóa Thỏa thuận để quảng bá các giá trị văn hóa yêu nước, ý nghĩa sâu sắc và những bài học về di sản lịch sử chung cho thành viên, hội viên và các thế hệ mai sau với những nội dung thiết thực, cụ thể về: Trao đổi thông tin, tài liệu lịch sử liên quan đến cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do của mỗi nước; kết hợp tổ chức hội thảo khoa học về những nội dung liên quan đến các phong trào đấu tranh bảo vệ nền độc lập dân tộc của hai nước trong các chuyến thăm và làm việc; phối hợp trao đổi tin, bài viết về hồi ức của các CCB Việt Nam, cựu thành viên kháng chiến và Quân giải phóng Ma-rốc để tuyên truyền trên phương tiện thông tin của mỗi bên; tham dự Lễ kỷ niệm ngày Quốc khánh của mỗi nước khi Đại sứ quán tổ chức mời; trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo tồn di sản lịch sử, vật thể và phi vật thể, liên quan đến quá khứ của hai dân tộc.
Đoàn đã dự Hội thảo khoa học về Việt Nam và Ma-rốc do bạn tổ chức với sự góp mặt của 50 nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử, giảng viên các trường đại học ở Thủ đô Ra-bát. Dự hội thảo còn có Đại sứ Việt Nam tại Ma-rốc Cao Xuân Thấn và Giáo sư thiên văn Hứa Chong Chung (người Việt). Cùng với các tham luận của các nhà khoa học, giảng viên đại học Ma-rốc, đồng chí Chủ tịch Hội Trần Hanh có bài tham luận tóm tắt lịch sử Việt Nam, tổ chức và hoạt động của Hội. Đồng chí Đại sứ có bài tham luận về sự phát triển kinh tế Việt Nam trong thời kỳ hội nhập; Giáo sư Chung có bài tham luận về lịch sử phát triển của Việt Nam qua các thời kỳ, đất nước, con người, phong tục, tập quán và danh thắng Việt Nam. Các bài tham luận của Việt Nam được các bạn đánh giá cao và hoan nghênh nhiệt liệt.
Đoàn cũng được bạn tổ chức đến chào xã giao Bộ trưởng Nhà nước Ma-rốc, thăm Hội Những người kháng chiến và Cựu thành viên Quân giải phóng Thủ đô Ra-bát, các tỉnh Ca-xa-blan-ca, Ma-ra-kết và Phê. Tại những nơi này, đoàn được sự đón tiếp thật thân tình, nồng ấm của các nhà lãnh đạo và thành viên Quân giải phóng Ma-rốc, những người tham gia kháng chiến, trong đó có nhiều người đã từng tham gia đội quân viễn chinh Pháp xâm lược Việt Nam phản chiến trở về tham gia kháng chiến giành độc lập cho Ma-rốc. Điều hết sức xúc động là nhiều người tuổi đã cao, trong đó có người 101 tuổi, đến rất sớm, chờ đợi được gặp và trò chuyện với đoàn về những kỷ niệm tốt đẹp, khó quên và biết ơn đối với bộ đội, nhân dân Việt Nam đã đối xử nhân đạo, khoan dung với họ trong thời gian tham gia quân đội viễn chinh Pháp ở Việt Nam.
Đoàn cũng được bạn dành thời gian tổ chức đi tham quan một số di tích lịch sử, danh lam, thắng cảnh tại một số địa phương.
Trong thời gian ở Ma-rốc, đồng chí Đại sứ mời đoàn dự Lễ thượng cờ các quốc gia ASEAN tại Trụ sở Đại sứ quán Việt Nam tại thủ đô Ra-bát. Cùng dự buổi lễ trang trọng này còn có bà con Việt kiều đang sinh sống, làm ăn tại Ma-rốc. Đáng chú ý có ba người Việt Nam quê ở Thái Bình được Nhà vua Mô-ha-mét VI chọn sang làm việc trong hoàng cung (cắm hoa, chăm sóc cây cảnh và nấu ăn). Đoàn cũng đến thăm một gia đình hàng binh Ma-rốc, vợ là người Việt có 9 người con. Tất cả đều nói được tiếng Việt, đang làm ăn khá phát đạt tại thủ đô Ra-bát và có nhiều đóng góp, giúp đỡ cho Đại sứ quán Việt Nam trong những ngày mới thành lập năm 2006. Người Việt Nam mình là thế! Những tấm lòng thơm thảo, dù ở bất kỳ phương trời nào, vẫn luôn hướng về quê hương, về xứ sở. Ma-rốc và Việt Nam không xa đâu, dù ở hai châu lục khác nhau.
Ngày 6-9-2012, đoàn đã kết thúc thành công tốt đẹp chuyến thăm và làm việc tại Ma-rốc, để lại nhiều ấn tượng sâu sắc đối với Cao ủy Những người kháng chiến và Cựu thành viên Quân giải phóng Vương quốc Ma-rốc, với những cựu binh Ma-rốc tham gia đội quân viễn chinh Pháp, với bà con Việt kiều, với bạn bè quốc tế… góp phần tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân và Hội CCB hai nước Việt Nam - Ma-rốc.
Lê Văn Hợp