CCB Trần Dực tên thật là Đỗ Tuấn Anh, sinh năm 1928 trong một gia đình có truyền thống nho giáo tại xã Hoài Thượng, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Tham gia cách mạng từ tháng 11-1944, khi còn là học sinh cứu quốc trường Bưởi, Hà Nội. Nhập ngũ tháng 2-1947, chỉ 6 tháng sau, ông được kết nạp vào Đảng. Hơn 40 năm trong quân ngũ ở các cương vị và chiến trường khác nhau như: Phó ban Tuyên huấn Phòng Chính trị Liên khu Việt Bắc (1950), Chính ủy Trường Quân chính Quân khu Đông Bắc (1956), Tham mưu trưởng Pháo binh Mặt trận Tây Nguyên (1972)... Đến cuối năm 1989, ông Dực nghỉ hưu với cấp bậc Đại tá, Phó tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân.

Tuy bị nhiễm chất độc da cam, sức khỏe bị ảnh hưởng rất nhiều, nhưng từ khi về hưu sống ở khu tập thể quân đội Mai Dịch, ông rất tích cực tham gia công tác địa phương: Làm Chủ tịch Hội CCB phường, ủy viên BCH Hội CCB quận Cầu Giấy; rồi làm Bí thư chi bộ 2 khóa. Mọi việc được giao, ông đều tận tụy, miệt mài để hoàn thành tốt.  

Từ khi tôi làm Chủ tịch Hội CCB phường, mỗi lần cùng trò chuyện, ông thường hỏi tôi về tình hình của Hội CCB. Rồi, bằng đôi mắt tinh anh, ông nhìn thẳng vào tôi căn dặn:

- “Ông” Thiệu này, cái chính vẫn là tư tưởng, phải vững vàng, kiên định. CCB là thế! Phải chú trọng đoàn kết nội bộ, tập hợp được đông đảo cán bộ, hội viên xung quanh mình thì công việc mới hoàn thành; không giữ được đoàn kết là hỏng bét.

Tôi chợt nhận ra tư tưởng, đạo đức Chủ tịch  Hồ  Chí  Minh đang ở đây rồi!  Nó được thấm sâu trong tâm hồn, tình cảm của vị lính già ở tuổi 90. Dù bây giờ chỉ là hội viên CCB tuổi cao sức yếu, nhưng không có buổi sinh hoạt, học tập nào ông Dực không đến trước 10-15 phút và đặc biệt không bao giờ lỗi hẹn với đồng chí, bạn bè.

Đang say sưa nói về việc biên dịch tài liệu bằng tiếng Trung Quốc cho Ban Biên giới Chính phủ, ông Dực chợt chỉ vào ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên giá sách và nói với tôi: “CCB chúng ta phải noi gương Anh Cả!”. Được nghiên cứu nhiều về nho giáo và được công tác, tiếp xúc nhiều với Đại tướng, ông Dực được ảnh hưởng nhiều từ đạo đức, phong cách của Đại tướng. Ông rất tự hào về điều đó, tự hào và hài lòng về quá trình phục vụ cách mạng cũng như xây dựng cuộc sống gia đình của mình. Cả hai vợ chồng ông vừa được tặng Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng, con trai ông hiện là Thứ trưởng Bộ Công thương, con gái là Phó giáo sư - Tiến sĩ, giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội.

Tiễn tôi ra đến sân, ông nắm chặt tay tôi và căn dặn thêm:

-  “Ông” nhớ lúc nào, hoàn cảnh nào cũng phải làm chủ được mình. Đừng để trong lòng mình bứt rứt như một số người “Đáng lẽ mình phải lên Tướng, lẽ ra mình phải làm ông nọ, ông kia”. Phải biết mình được thế là đủ!

Tôi lặng người cảm động trước những lời tâm huyết đó. Tấm gương về phát huy bản chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ là đây; bài học để CCB góp phần xây dựng và bảo vệ Đảng, bảo vệ thành quả cách mạng và giáo dục truyền thống cũng là đây. Rồi tôi tự nhủ trong lòng, sẽ cố gắng truyền được tâm huyết, trách nhiệm của CCB Trần Dực và thế hệ đi trước tới các hội viên trong Hội CCB phường mình.

Nguyễn Đức Thiệu