Tình trạng một số không ít doanh nghiệp trốn, chây ì và nợ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế (BHXH, BHYT) trong thời gian qua ở nhiều địa phương nước ta đã gây nên những hệ lụy lớn cho xã hội…
Tại hội thảo khoa học “Vấn đề thu, nợ BHXH, BHYT-thực tiễn Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế”, được Chính phủ, MTTQ Việt Nam tổ chức ngày 15-10 vừa qua cho thấy, cả nước vẫn còn khoảng 34 triệu người lao động chưa đóng BHXH, khoảng 27 triệu người (gần 30% tổng dân số) chưa tham gia BHYT. Đại diện cơ quan BHXH Việt Nam cho biết, tình trạng trốn đóng, chây ì và nợ tiền BHXH của các doanh nghiệp trên cả nước ta đang rất báo động. Hiện nay ở nước ta có trên 300.000 doanh nghiệp đang hoạt động nhưng mới chỉ có 150.000 doanh nghiệp đăng ký tham gia BHXH; 16 triệu người lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc nhưng mới chỉ có gần 11 triệu lao động tham gia BHXH bắt buộc; còn khoảng 5 triệu lao động chưa được tham gia BHXH, BHYT, mất những quyền an sinh cơ bản của mình. Nếu Chính phủ không có những biện pháp quyết liệt của các cơ quan chức năng để xử lý dứt điểm tình trạng này thì mục tiêu đến năm 2020 khó đạt được trên 50% lực lượng lao động tham gia BHXH như đã đặt ra. Theo báo cáo của BHXH các tỉnh, thành phố trong cả nước, tính đến hết tháng 8-2014, đã có hơn 47.000 doanh nghiệp với gần 674.000 lao động tham gia BHXH còn nợ tiền BHXH, BHYT với số tiền 11.562 tỷ đồng (bằng 6,49% kế hoạch thu), tập trung tại các đô thị, vùng công nghiệp chính như TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, TP Hà Nội... Các doanh nghiệp này thường dùng mọi lý do để chây ì, trốn đóng BHXH, BHYT cho người lao động, hoặc nếu có thì cũng chỉ đóng cho một số người thuộc đội ngũ cán bộ khung; lợi dụng nhu cầu cấp bách làm việc kiếm tiền nuôi gia đình của người lao động để không ký hợp đồng lao động, trốn đóng BHXH, BHYT; vô hiệu hóa tổ chức Công đoàn tại doanh nghiệp mình. Trong số các doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT, có hơn 8.000 doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, giải thể, trong đó có khoảng 7.000 doanh nghiệp trong nước cũng như doanh nghiệp FDI với số lao động hơn 30.000 người không còn liên lạc với cơ quan BHXH.
Tình trạng nợ BHXH, BHYT đã gây nên những khó khăn rất lớn cho ngành BHXH; chủ sử dụng lao động bỏ rơi người lao động, không thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ với người lao động, không hợp tác với ngành BHXH để giải quyết quyền lợi cho người lao động, ngành BHXH không có quyền xử phạt nhưng lại phải thu nợ BHXH của các doanh nghiệp không còn tồn tại trên thực tế nên không có cơ sở pháp luật để giải quyết các chế độ an sinh xã hội cho người lao động. Hậu quả của tình trạng nợ, không đóng BHXH của các doanh nghiệp là người lao động tại các đơn vị này không có cơ hội nhận được lương hưu, tiền hỗ trợ khi ốm đau, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống; tăng tỷ lệ nghèo đói cho xã hội; là nguyên nhân của nhiều cuộc đình công, gây phức tạp cho nền kinh tế-xã hội đất nước.
Đã có nhiều biện pháp như khởi kiện các doanh nghiệp trốn, nợ BHXH, đề xuất xử lý hình sự các chủ doanh nghiệp này nhưng hiệu quả cũng chưa cao khi mà từ năm 2010-2013 đã khởi kiện gần 4.000 vụ nhưng tổng số tiền thu được chỉ là 736 tỷ đồng trong tổng số 1.788 tỷ đồng phải thu; rất nhiều doanh nghiệp dạng này đã “tự dưng mất tích” để lại gánh nặng cho xã hội, gánh nặng cho cuộc sống của người lao động.
Để xử lý triệt để tình trạng trốn, nợ tiền BHXH, bảo vệ quyền lợi của người lao động xem ra còn rất nhiều việc cần làm, bên cạnh các biện pháp hành chính và pháp lý như đã thực hiện trong thời gian qua, thực hiện nghiêm các chế tài buộc các chủ doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các quy định của luật pháp về BHXH, BHYT; rất cần các biện pháp tuyên truyền sâu rộng trong người lao động về pháp luật BHXH, BHYT; củng cố hoạt động hiệu quả của các tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp; rà soát lại các quy định và tính khả thi; huy động sự vào cuộc của các đoàn thể xã hội để giảm bớt tối đa tình trạng nợ BHXH, BHYT của các doanh nghiệp, bảo vệ tốt quyền lợi cho người lao động, giữ vững ổn định xã hội nước ta.
Thanh Huyền