Phát biểu tại Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND do Đảng, Nhà nước trao tặng cho 4 cựu TNXP trong chiến dịch Điện Biên Phủ tổ chức ngày 16-10-2014, Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam - Nguyễn Anh Liên xúc động nói: Trong niềm vinh dự tự hào hôm nay, vẫn còn đó những day dứt bởi còn nhiều trường hợp tồn đọng các cựu TNXP chưa được hưởng đãi ngộ xứng đáng.
Đất nước có được ngày hôm nay, trong đó công đóng góp của lực lượng TNXP là vô cùng to lớn. Những khó khăn gian khổ, hi sinh, mất mát của TNXP rất nhiều nhưng chưa được hưởng sự đãi ngộ xứng đáng. Theo báo cáo của Hội Cựu TNXP, sau gần 60 năm thực hiện chính sách người có công, đại bộ phận số TNXP hi sinh, bị thương đã được xác nhận và giải quyết chế độ ưu đãi; gần 5.000 TNXP hi sinh được xác nhận là liệt sĩ; khoảng 34.000 người bị thương được xác nhận là đối tượng được hưởng chính sách như thương binh; hơn 2.300 người hoạt động ở địa bàn Mỹ rải đi-ô-xin và 1.600 con đẻ của TNXP hưởng chế độ bị nhiễm chất độc hóa học. Đó cũng là cố gắng phát huy vai trò nhân chứng lịch sử của Hội Cựu TNXP. Những kiến nghị, đề đạt trong 10 năm kể từ khi Hội ra đời, lực lượng TNXP đã được thêm 18 địa phương, đơn vị, tập thể, 38 cán bộ, chiến sĩ TNXP được Nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND, gần 300 đồng chí hi sinh anh dũng tiếp tục được công nhận là liệt sĩ…
Tuy nhiên, hiện vẫn còn khoảng 8.800 TNXP bị thương và gần 700 trường hợp TNXP hi sinh trong khi làm nhiệm vụ chưa được xác nhận và giải quyết chính sách. Nguyên nhân tồn đọng chính sách đối với cựu TNXP thì nhiều nhưng chủ yếu do đặc thù của lịch sử. Đại bộ phận TNXP không lưu giữ và cũng không thể lưu giữ được một giấy tờ xác nhận nào của các cơ quan chủ quản mà nay cơ quan chức năng gọi là hồ sơ gốc. Cũng do quan niệm của một số cán bộ các cơ quan làm chính sách cho rằng chỉ có bị thương, chết trên chiến trường do bom, đạn mới gọi là hi sinh, mới được công nhận là thương binh, liệt sĩ.
Phát biểu tại Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND của 4 cựu TNXP, đồng chí Nguyễn Thị Doan - Ủy viên T.Ư Đảng, Phó chủ tịch nước đã khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn luôn quan tâm đến người có công nói chung, lực lượng TNXP nói riêng và các cơ quan, ban ngành chức năng đang làm mọi việc có thể để giải quyết những vướng mắc trong chế độ ưu đãi cho các cựu TNXP.
Thực hiện Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg quy định về chế độ đối với thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến, Bộ LĐTBXH đã phối hợp Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính ban hành Thông tư liên tịch số 08 hướng dẫn thực hiện chế độ trợ cấp đối với TNXP đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến. Theo đó, TNXP tập trung tham gia kháng chiến hoàn thành nhiệm vụ trở về địa phương được hưởng chế độ trợ cấp một lần; trường hợp sống cô đơn, không nơi nương tựa thì được hưởng trợ cấp hằng tháng. Quy định này cũng thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước đối với đặc thù đa phần là nữ của lực lượng TNXP. Còn riêng với cựu TNXP tập trung, chỉ cần không còn khả năng lao động và sống cô đơn, không nơi nương tựa là được áp dụng chế độ đãi ngộ này. Và trong đợt tổng rà soát chế độ ưu đãi với người có công hiện đang được triển khai, lực lượng TNXP cũng nằm trong 7 đối tượng rà soát.
Tuy nhiên cũng cần phải nói rằng, việc xem xét xác nhận những trường hợp tồn đọng qua các thời kỳ cách mạng là vô cùng khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự tham gia của nhiều cấp, nhiều ngành cũng như nhiều đơn vị, cá nhân. Vì vậy, cũng phải cần thời gian xác minh, kết luận để hạn chế sai sót, tránh gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Bài và ảnh: Mai Anh