Không thể lấy tiền của dân để chi cho những người muốn làm tiến sĩ. Thế nhưng, không ít người lại sẽ khẳng định là nên chi tiền ngân sách để đào tạo tiến sĩ vì muốn thành công trong cách mạng công nghiệp 4.0, thì không thể thiếu lực lượng này.
Trong số những người ủng hộ việc chi tiền ngân sách để đào tạo 9.000 tiến sĩ chắc chắn có Bộ trưởng Giáo dục-Đào tạo Phùng Xuân Nhạ. Đơn giản vì đây là chính sách do ông bảo trợ.
Chính sách chi 12.000 tỷ đồng để đào tạo tiến sĩ, cũng giống như bất kỳ chính sách nào khác, sẽ có những người ủng hộ và những người phản đối. Những người phản đối không phải vì phản đối mà xấu xa; những người ủng hộ cũng chẳng phải vì ủng hộ mà tốt đẹp hơn những người phản đối. Vấn đề là ngân sách không bao giờ có đủ tiền để chi tiêu cho mọi nhu cầu của xã hội. Mà nhu cầu của xã hội, của những người dân lại nhiều vô kể và khác nhau vô kể. Ưu tiên của người này chưa chắc đã là ưu tiên của người khác; ưu tiên của nhóm xã hội này chưa chắc đã là ưu tiên của nhóm xã hội khác.
Ví dụ, có những người sẽ cho rằng bỏ 12.000 tỷ đồng đó để đào tạo giáo viên thì sẽ hợp lý hơn. Có những người lại sẽ cho rằng nên dành 12.000 tỷ đồng đó để đầu tư cho giáo dục mầm non mới là đúng đắn. Có những người thậm chí còn cho rằng nên để 12.000 tỷ đồng để đầu tư cho các chương trình khởi nghiệp…
Thế thì, trong muôn vàn ý kiến khác nhau như vậy, ai đúng hơn ai? Quả thực, nói ai đúng hơn ai trong trường hợp này là điều không dễ. Trong một xã hội phi dân chủ, ý kiến của nhà độc tài là duy nhất đúng. Trong một xã hội dân chủ, không tồn tại một loại ý kiến duy nhất đúng như vậy. Trong một xã hội dân chủ, chỉ tồn tại một loại ý kiến được đa số ủng hộ mà thôi. Và ý kiến đó sẽ trở thành chính sách, pháp luật của đất nước.
Tuy nhiên, đa số không phải là một sự bảo đảm chống lại sai lầm và thiển cận. Chính vì vậy, tranh luận xã hội một cách tự do, công bằng để xác lập đa số là rất quan trọng ở đây. Ngoài ra, quan trọng nữa là phải xây dựng được mô hình thể chế để tranh luận và xác lập cho đúng các ưu tiên, đặc biệt là các ưu tiên của quốc gia. Và chi tiêu tiền ngân sách bao giờ cũng phải theo những ưu tiên này của quốc gia.
Thông thường, thể chế quan trọng nhất ở đây chính là Quốc hội. Và sử dụng những tranh luận ở Quốc hội để minh bạch hóa chính sách và xác lập đa số là cách mà tất cả các Quốc gia văn minh đều làm. Cuối cùng thì trong mọi mô hình dân chủ, bạn phải tuân theo ý chí của đa số thôi. Và ưu tiên của Quốc gia cũng được xác lập nhờ ý chí của đa số này. Vấn đề là Quốc hội phải bỏ thời gian để tranh luận kỹ về chính sách chi 12.000 tỷ đồng để đào tạo 9.000 tiến sĩ. Vì không tranh luận như vậy sẽ khó xác định được đó có phải thật sự là ưu tiên của Quốc gia không, có phải là cách phân bổ nguồn lực tài chính anh minh nhất không.
Cũng phải thấu hiểu sự phản ứng tiêu cực của xã hội đối với chính sách đào tạo 9000 tiến sĩ. Chất lượng các tiến sĩ hay chính xác hơn chất lượng rất thấp của các tiến sĩ được đào tạo trong thời gian qua đã làm tổn hại nghiêm trọng lòng tin của xã hội.
Hình ảnh công chúng của các tiến sĩ ngày này vì vậy là hết sức tiêu cực. “Xin giới thiệu anh A bạn tôi. Tuy là tiến sĩ, nhưng vẫn là một người khá thông minh” là sự hài hước khá phổ biến khi người ta giới thiệu các tiến sĩ ngày nay.
Với một hình ảnh công chúng như vậy, không biết các quan chức có nên nô nức đi làm tiến sĩ nữa không đây? Trong bất cứ trường hợp nào, lấy tiền từ số 12.000 tỷ đồng để các quan chức làm tiến sĩ sẽ là điều xã hội sẽ không bao giờ chấp nhận. Ngoài ra, làm quan và làm tiến sĩ là hai chuyện khác nhau.
Không thể cứ có bằng tiến sĩ là làm quan được. Càng không thể đã làm quan lại có đủ thời gian và tâm sức để làm tiến sĩ.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng