Con cái ông Chất đều tham gia đánh Mỹ, có hai người con bị thương ở chiến trường. Anh Trần Hữu Bình học hết lớp 10 nhập ngũ, là bộ đội đặc công. Anh nói đi trả thù cho người em gái út của anh bị giặc Mỹ giết hại. Năm 1971, anh tham gia Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào và bị thương, hạng 2/4. Năm 1972, anh Bình xuất ngũ về địa phương, thi đậu vào Trường đại học Y Hà Nội với số điểm rất cao. Năm 1978, tốt nghiệp vào loại xuất sắc, anh được nhà trường giữ lại làm cán bộ giảng dạy bộ môn Tâm thần và làm việc tại Bệnh viện Bạch Mai. Năm 1984, anh tốt nghiệp Bác sĩ chuyên khoa cấp I chuyên ngành Tâm thần tại Trường đại học Y Hà Nội và được chọn đi thực tập sinh tại Viện hàn lâm Y học Matxcơva (Liên Xô). Năm 1994, anh tốt nghiệp xuất sắc Bác sĩ chuyên khoa cấp II chuyên ngành Tâm thần rồi tiếp đến bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ năm 2004. Năm 2007, anh đã công nhận hàm Phó giáo sư chuyên ngành Tâm thần và giữ chức Viện trưởng Viện sức khoẻ Tâm thần Việt Nam cho đến lúc nghỉ hưu
Về hưu, anh vẫn tiếp tục tham gia công tác khám bệnh tại phòng khám Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Anh tham gia đào tạo sau đại học, làm Chủ tịch Hội đồng chấm luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II; chủ trì những cuộc hội chẩn chuyên ngành, liên ngành về Tâm thần...
Cả nhà anh Bình có 6 người: vợ chồng, con cái dâu rể ai cũng là giảng viên đại học. Người bạn đời của anh là chị Nguyễn Thị Bích Hường, một Tiến sĩ kinh tế học. Con trai theo nghề y của cha nay là bác sĩ chuyên khoa cấp I, Tiến sĩ y khoa, đang công tác tại Trường đại học Y Hà Nội. Con gái anh theo nghiệp mẹ, nay là Tiến sĩ kinh tế, kế toán, kiểm toán đang dạy Trường đại học Thương mại, Hà Nội.
Anh trai anh Trần Hữu Bình là Giáo sư - Tiến sĩ Trần Nghi, sinh năm 1947. Khi không quân Mỹ ném bom na pan đốt cả xóm Nam cháy trụi, ông Chất phải sang phát rẫy ở bên rú Cây Cừa để nuôi các con ăn học. Mặc dù phải ăn khoai, sắn trừ bữa học nơi sơ tán trong rừng, nhưng năm 1966 anh Nghi vẫn là học sinh duy nhất của Trường cấp 3 Quảng Trạch có tất cả 10 môn học đều tổng kết điểm 5 (điểm tuyệt đối theo thang điểm Liên Xô), giải Nhất môn văn của tỉnh Quảng Bình, được nhận phần thưởng của Bác Hồ. Anh Nghi được xét tuyển vào Trường đại học Tổng hợp (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội), khoa Địa lý - Địa chất. Học xong anh được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy phụ trách môn Trầm tích học.
Năm 1982, Trần Nghi bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ tại Trường đại học Tổng hợp Bucarét (Bun-ga-ri). Về nước anh làm Chủ nhiệm khoa rồi Phó hiệu trưởng Trường đại học khoa học tự nhiên - Đại học quốc gia Hà Nội. Sau 30 năm gắn bó với ngành Địa chất và mái Trường đại học Quốc gia Hà Nội, năm 1996 anh được nhận học hàm Giáo sư. Trên con đường nghiên cứu khoa học, anh nghiên cứu công viên đá vôi Đồng Văn, di sản thiên nhiên thế giới Hạ Long, vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng... Đặc biệt anh là người chủ trì hồ sơ “Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng” của Quảng Bình. Con gái anh là Phó giáo sư - Tiến sĩ kinh tế. Hoàng Đăng Quang - cháu ngoại của ông Chất, hiện là Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình.
Ngày tảo mộ làng, đón tết Đinh Dậu vừa rồi, anh Trần Nghi dắt tay một người cháu vừa mới được phong Phó giáo sư, anh Trần Hữu Bình dắt tay một người cháu mới bảo vệ thành công luận văn Tiến sĩ, vào đình làng vinh quy bái tổ. Người dân làng Minh Lệ quê tôi rất tự hào gọi gia đình ông Trần Chất là “Gia đình Tiến sĩ”.
Hoàng Minh Đức