1- Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và sau khi Quốc hội tiến hành bầu, phê chuẩn các chức danh lãnh đạo chủ chốt, hoạt động đối ngoại của Việt Nam tiếp tục đạt những thành công mới. Theo tinh thần “Đảm bảo lợi ích tối cao của quốc gia, dân tộc”, chúng ta tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác, nhất là các đối tác chiến lược và các nước lớn có vai trò quan trọng đối với phát triển và an ninh của đất nước, đưa khuôn khổ quan hệ đã xác lập vào thực chất. Việt Nam cũng tiếp tục duy trì trao đổi về vấn đề trên biển với Trung Quốc, kiên quyết đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ ỏ Biển Đông.

2- Ngày 26-11, đồng chí Fidel Castro Ruz từ trần. Là một nhà cách mạng vĩ đại, một trong những nhân vật kiệt xuất nhất của thế kỷ XX, Fidel Castro biểu tượng cho tinh thần độc lập dân tộc, suốt đời đấu tranh vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của con người. Lãnh đạo và nhân dân các nước trên thế giới đều bày tỏ sự tiếc thương trước mất mát to lớn của nhân dân Cuba. Riêng với Việt Nam, Fidel Castro là người đồng chí, người bạn lớn, luôn sát cánh trong cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước, với câu nói bất hủ: “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”.

3- Ngày 12-7-2016, Tòa trọng tài Thường trực (PCA) ra Phán quyết cuối cùng về vụ Philippines kiện Trung Quốc. PCA xác định, tuyên bố về “quyền lịch sử” của Trung Quốc và các đòi hỏi khác của Trung Quốc trong “đường 9 đoạn” là không phù hợp với Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) 1982; việc Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo trên 7 thực thể trong quần đảo Trường Sa vi phạm các quy định UNCLOS về bảo vệ và giữ gìn môi trường biển... Đa số các nước kêu gọi tôn trọng Phán quyết của PCA, xem đây là sự khích lệ đối với nỗ lực giải quyết các tranh chấp hàng hải bằng biện pháp hòa bình và thông qua các cơ chế trọng tài quốc tế.
4- Với việc một nhân vật không thuộc giới tinh hoa chính trị-nhà tỷ phú Donald Trump được bầu làm Tổng thống Mỹ, thế giới đã chứng kiến một mùa bầu cử mang đậm màu sắc của “xứ cờ hoa”, gây bất ngờ cho đến những giây phút cuối cùng. Lên làm ông chủ thứ 45 của Nhà Trắng để đưa nước Mỹ “vĩ đại trở lại” như đã hứa hẹn với cử tri Mỹ, ông Donald Trump sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề gai góc như sự chia rẽ của xã hội Mỹ, tệ xả súng, bạo lực sắc tộc, các vấn đề y tế, khí hậu, môi trường, người nhập cư… Ông cũng sẽ phải tìm mọi cách đảm bảo “sự lãnh đạo”, “can dự” hiệu quả của Mỹ trong các cuộc khủng hoảng, điểm nóng của thế giới mà Chính quyền Obama xử lý chưa thấu đáo.

5- Tình hình Trung Đông vẫn phức tạp, với những diễn biến mới như Nga, Mỹ chấm dứt đàm phán về vấn đề Syria; Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường can dự vào Syria và Iraq; Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ bị ám sát... Nga ngày càng quyết đoán, trong khi nước Mỹ dưới thời Obama tỏ ra lúng túng và vẫn duy trì “tiêu chuẩn kép” trong cách tiếp cận vấn đề. Washington đã làm mọi việc có thể để từ chối công nhận vai trò có tính xây dựng của Moscow trong giải quyết cuộc khủng hoảng Syria. Vấn đề là Mỹ không muốn hợp tác thực sự với Nga mà chỉ muốn Nga bị sa lầy, dùng “chiến tranh ủy nhiệm” nhằm “làm chảy máu” và hạ uy tín Nga. Do vậy, khu vực có vị trí địa chính trị quan trọng này-vốn là địa bàn giao thoa, tranh chấp của nhiều thế lực gần và xa, mãi chìm đắm trong chết chóc và tàn phá.

6- Trưng cầu dân ý lịch sử ngày 23-6, người dân Anh quyết định rời Liên minh châu Âu (EU). Nguyên nhân, EU đã không xử lý hiệu quả nhiều vấn đề như buôn lậu, di cư, nhập cư, khủng bố và nhất là mâu thuẫn quyền lợi dân tộc với quyền lợi chung của khối. Rời EU, nước Anh được cho là sẽ được hưởng nhiều lợi ích xã hội hơn do không còn phải chia sẻ gánh nặng người di cư và không phải đóng phí thành viên; có quyền quyết định mọi vấn đề mà không cần sự đồng ý của 27 nước khác... Tuy nhiên, kinh tế Anh có thể tụt dốc trong 5 năm tới; các thành viên Scotland và Wales có thể “bắt chước” tách khỏi Liên hiệp Vương quốc Anh. Sự kiện này giáng một đòn nặng đối với sự hội nhập châu Âu và có thể ảnh hưởng không nhỏ đến sự ổn định chính trị cũng như tiếng nói của EU.
7- Liên minh châu Âu vẫn chìm trong mối đe dọa khủng bố và khủng hoảng người di cư. Các vụ tấn công diễn ra ở Bỉ, Pháp, Đức… cho thấy khủng bố đã trở nên đa dạng hơn, khó lường hơn, khiến công việc của lực lượng an ninh trở nên khó khăn hơn. Điều nguy hiểm, châu Âu vẫn là “nguồn” sinh vô tận các phần tử cực đoan, một khi vấn đề người nhập cư chưa được giải quyết một cách thỏa đáng. Mặt khác, cuộc khủng hoảng người tị nạn đang làm chia rẽ EU. Hiệp ước Schengen-biểu tượng cho sự đoàn kết của khối đứng trước nguy cơ tan vỡ. Vấn đề càng trở nên phức tạp khi Thổ Nhĩ Kỳ đe dọa hủy thỏa thuận giải quyết khủng hoảng người di cư.

8- Quan hệ Nga-phương Tây “chạm đáy” do tác động của cuộc khủng hoảng Ukraine và vấn đề Syria. NATO tăng cường lực lượng đến các nước Baltic và Ba Lan; tiến hành hàng chục cuộc tập trận quy mô lớn ở biên giới phía Đông giáp Nga. Mỹ ngừng đàm phán với Nga trong giải quyết khủng hoảng Syria và cùng EU tiếp tục trừng phạt Nga. Đáp lại, Nga triển khai hệ thống tên lửa đạn đạo Iskander có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, đồng thời đình chỉ thỏa thuận hạt nhân với Mỹ. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là Mỹ, phương Tây vẫn không từ bỏ âm mưu hủy hoại nước Nga. Hậu quả, Nga chịu thiệt hại đáng kể về kinh tế, còn phương Tây bị ảnh hưởng nặng nề về an ninh, đặc biệt là nguy cơ khủng bố ở Trung Đông và ở ngay trong lòng châu Âu.
9- Ngày 9-9-2016, Triều Tiên tiến hành thử hạt nhân, là vụ thử lần 5 trong lịch sử. Triều Tiên cho rằng họ có quyền xây dựng quân đội, phát triển vũ khí mà trọng tâm là chương trình phát triển vũ khí hạt nhân để tự bảo vệ mình như một quốc gia độc lập, có chủ quyền. Trong khi đó, các nước lớn chỉ muốn loại bỏ sớm và triệt để chương trình hạt nhân của Triều Tiên, nhưng không sẵn sàng và hào phóng đáp ứng những gì mà Triều Tiên đòi hỏi. Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đã áp đặt các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt nhất đối với Bình Nhưỡng, đồng thời quyết định triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) để đối phó với Triều Tiên-bất chấp Nga và Trung Quốc cực lực phản đối.

10- Nữ Tổng thống Hàn Quốc- Park Geun-hye bị tạm đình chỉ chức vụ do cho phép bạn thân can thiệp vào các quyết định quốc gia. Bà Park còn bị cáo buộc lơ là trong vụ chìm phà ngày 16-4-2014 làm 304 người thiệt mạng. Tiến trình luận tội bà Park kéo dài 6 tháng trước khi Tòa Hiến pháp đưa ra quyết định chính thức, nên chính trường Hàn Quốc sẽ phải đối mặt với khoảng trống quyền lực do Đảng Saenuri cầm quyền bị mất uy tín, còn người dân mất niềm tin vào chính giới nước này. Các nước trên thế gới xem sự vụ này là vấn đề nội bộ của Hàn Quốc và cam kết tiếp tục duy trì quan hệ truyền thống với quốc gia này.
Nguyễn Đăng Song