V. I. Lenin và N. K. Krupskaya năm 1922.

Trong sự nghiệp vĩ đại của mình, lãnh tụ vô sản thế giới V. I. Lenin có một người bạn đời, người đồng chí gần như song hành suốt chặng đường gian nan, vất vả với nhiều bất trắc hiểm nguy nhưng cũng rất tự hào và cao cả, đó là Nadezhda Konstantinovna Krupskaya.

N. K. Krupskaya sinh ngày 26-2-1869 tại Saint Petersburg (Nga), trong gia đình có cha là một sĩ quan Nga hoàng nhưng có tư tưởng tiến bộ. Do ảnh hưởng từ người cha, ngay từ nhỏ, Krupskaya đã hình thành tư tưởng tiến bộ về giải phóng nhân dân lao động khỏi sự áp bức, bất công. Sau khi tốt nghiệp Trường Trung học Sư phạm, Krupskaya trở thành giáo viên và bắt đầu tham gia hoạt động trong một nhóm Dân chủ xã hội ở Saint Petersburg.

Vào một buổi chiều mùa đông năm 1894, sau một buổi dạy học, cô giáo Krupskaya đến tham gia buổi tọa đàm của các nhà mác-xít thành phố Saint Petersburg. Tại đây, cô gặp một thanh niên có vầng trán cao, đôi mắt thông minh, hay cười, diễn thuyết rất hay, được mọi người gọi là “ông già” (bí danh của V. I. Lenin lúc đó). Sớm nhận thấy trí thông minh, tinh thần cách mạng, lý tưởng cộng sản của Krupskaya, Lenin rất mến mộ và khâm phục ý chí của cô. Từ đây, hai người đã nói chuyện, tranh luận, trao đổi với nhau nhiều vấn đề trong hoạt động cách mạng. Một năm sau, Krupskaya tham gia “Hội liên hiệp đấu tranh để giải phóng giai cấp công nhân” do Lenin sáng lập.

Tháng 12-1895, Lenin bị bắt giam cùng với một số đồng chí khác. Trong thời gian này, Krupskaya là người đã cung cấp cho Lenin thông tin về tình hình hoạt động của phong trào công nhân, những sách báo, tài liệu tra cứu; đồng thời là người truyền đạt các ý kiến chỉ của Lenin cho Hội và phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân. Mến mộ trước ý chí, lý tưởng cách mạng của  Krupskaya, Lenin đã dành cho cô những tình cảm đặc biệt. Và, tình yêu của Lenin - Krupskaya cũng hình thành, ngày càng lớn dần và bền chặt theo sự phát triển không ngừng của phong trào cách mạng ở Nga. Có thể nói, tình yêu của Lenin và Krupskaya được bắt nguồn và thắp sáng từ tình yêu cách mạng, từ lý tưởng cộng sản.

Năm 1897, Krupskaya bị bắt giam. Bằng ý chí, nghị lực và tinh thần cách mạng của mình, cô tuyệt đối không để lộ, lọt thông tin nào về các đồng chí trong Hội. Vì không có bằng chứng cụ thể, sau một năm bị giam giữ, cuối cùng chính quyền Nga hoàng phải trả tự do cho cô. Cũng trong thời gian này, để giảm sự ảnh hưởng của Lenin đối với phong trào công nhân ở Saint Petersburg, chính quyền Sa hoàng đã đày Người đến tận xứ Siberia lạnh giá, xa xôi. Nhưng tình yêu của hai người vẫn không ngừng lớn mạnh theo năm tháng. Vì vậy, sau khi được trả tự do, Krupskaya cũng đến Siberia để được hoạt động cách mạng và có điều kiện chăm sóc Lenin.

Ngày 22-7-1898, tại một ngôi làng nhỏ bên bờ sông Enisei, Siberia, V. I. Lenin và N. K. Krupskaya chính thức làm lễ kết hôn. Đây là một lễ cưới hết sức đặc biệt, “lễ cưới không có nhẫn cưới”, nhưng ở đó có một tình yêu cháy bỏng được thắp trong một tình yêu, lý tưởng cách mạng vĩ đại. Với lý tưởng của mình, với tình yêu của mình,  Krupskaya đã tình nguyện gắn bó đời mình với người mà cô yêu dấu, chung vai gánh vác với sự nghiệp cách mạng của Người.

Trong các giai đoạn Lenin hoạt động ở nước ngoài (1900-1905 và 1907-1917), Krupskaya là người cộng tác đắc lực với Lenin trong việc xuất bản các tờ báo “Tia lửa”, “Sự thật”, “Người vô sản”...; đồng thời  cũng chu toàn việc gia đình giúp Lenin yên tâm hoạt động cách mạng, chuẩn bị các điều kiện chín muồi cho sự nghiệp cách mạng của giai cấp vô sản. Lý tưởng cách mạng và tình yêu của Krupskaya dành cho Lenin là nguồn động viên rất lớn cho Người vượt qua những năm tháng khó khăn, vất vả, đối mặt với nhiều hiểm nguy trước sự truy lùng gắt gao trong thời gian hoạt động ở nước ngoài.

Năm 1917, Nadezhda Krupskaya tích cực giúp Lenin trong việc chuẩn bị và tiến hành cuộc Cách mạng Tháng Mười thành công. Sau đó, bà tham gia vào việc tổ chức phong trào thanh niên vô sản và là người đứng đầu Liên minh Công đoàn công nhân, thanh-thiếu niên xã hội chủ nghĩa. Sau Cách mạng Tháng Mười, Krupskaya được cử giữ chức Thứ trưởng Dân ủy giáo dục và giữ nhiều chức vụ quan trọng khác trong Đảng, Nhà nước Liên Xô. Trước những khó khăn, bộn bề của sự nghiệp cách mạng, tình yêu của Lenin và Krupskaya vẫn rực sáng, sưởi ấm cuộc đời của Người trong sự nghiệp cách mạng. Đặc biệt, trong thời kỳ Lenin bị ốm, Krupskaya luôn là người quan tâm, chăm sóc, động viên Người vượt qua những nỗi đau thể xác để tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp cách mạng.

Năm 1939, bà Krupskaya qua đời vì căn bệnh viêm ruột thừa cấp tính và được mai táng tại chân tường Điện Kremlin.  Nadezhda Konstantinovna Krupskaya đã hoàn thành sứ mệnh một nhà cách mạng xuất sắc, đồng thời làm tròn thiên chức cao cả là người vợ, người bạn chiến đấu, người đồng chí thủy chung của của V. I. Lenin.

Đăng Song