CCB Trần Đăng Hiệp đọc lời cảm ơn và làm Lễ bàn giao 3 cỗ xôi.

Sau 2 năm bị dịch Covid, lễ hội Rước xôi Làng Tây Mỗ (phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) được tổ chức trở lại. Điều đặc biệt, mỗi năm các tổ dân phố (TDP) luân phiên đăng cai tổ chức với lễ nghi truyền thống và nhiều hoạt động văn hóa độc đáo…

Bà Nguyễn Thị Hải - Tổ trưởng TDP Lò -  kiêm Phó ban lễ hội làng Tây Mỗ cho biết: Lễ hội đình Tây Mỗ còn được gọi là lễ hội Rước xôi. Cứ nhằm ngày 8 tháng Giêng hằng năm, dân làng dâng 3 cỗ xôi lên 2 vị Thành Hoàng làng là Thủy Hải Long Vương và Lã Làng Đêđể cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. Làng Tây Mỗ hiện có 6 TDP, luân phiên hằng năm làm lễ rước xôi. Năm nay phần rước xôi do TDP Lò đảm trách.

Chi hội CCB TDP Lò tham gia trong đoàn đưa rước kiệu xôi.

Từ trước Tết Nguyên đán,việc chọn gia đình đăng cai tổ chức thổi xôi dâng lên Thành Hoàng làng đã được lựa chọn kỹ càng. Quy trình bầu chọn đều thông qua Ban Công tác mặt trận, các đoàn thể TDP và nhân dân bình bầu, xét chọn. Tiêu chí để gia đình được đăng cai nấu xôi là các cụ đăng cai phải song toàn, con cháu đề huề, đầy đủ “nếp tẻ”, gương mẫu… Sau bình chọn, gia đình CCB Trần Đăng Hiệp (TDP Lò, phường Tây Mỗ) đáp ứng đầy đủ tiêu chí để tổ chức thổi xôi dâng lên Thành Hoàng làng. Bà Nguyễn Thị Mùi - vợCCB Trần Đăng Hiệp chia sẻ: Mỗi cỗ xôi nấu hết 30kg gạo nếp. Sau khi nấu xong, lượng xôi mỗi cỗ tương đương 45-50kg; trọng lượng cả bộ kiệu xôi nặng tới gần 100kg. Đến 8 giờngày 8 tháng Giêng âm lịch, gia đình cùng Ban Tổ chức và các đoàn thể, nhân dân TDP Lò làm lễ bàn giao 3 kiệu xôi cho Ban Tổ chức lễ hội đình làng Tây Mỗ đưa rước vào đình làng.

Để chuẩn bị cho lễ hội, từ những ngày đầu năm, trong làng đã rộn ràng không khí lễ hội, cờ treo phấp phới dọc đường chính dẫn tới sân đình.

Lễ hội được diễn ra từ ngày 6 đến hết ngày 8 tháng Giêng hằng năm. Dù ngày 8 mới là ngày chính hội, nhưng từ ngày 6, đông đảo bà con trong làng và du khách thập phương đã về dự lễ hội.

Điểm nét độc đáo của gia đình đăng cai tổ chức Lễ hội Rước xôi làng Tây Mỗ, là ngày mùng 6, gia đình làm cơm mời khách; ngày mùng 7, công tác bài trí cho kiệu xôi và khuôn viên tổ chức Lễ Rước xôi tại tư gia. Đến 23 giờ đêm ngày 7 tháng Giêng, công tác chuẩn bị nấu xôi được những người phụ nữ đảm đang của TDP Lò đảm trách đến 4 giờ sáng ngày 8 tháng Giêng mới hoàn thành 3 cỗ xôi.

Theo bà Nguyễn Thị Tường và Nguyễn Thị Hoa - người phụ trách thổi xôi cho biết: Từ hơn 1 tháng trước, gạo nếp được tuyển chọn kỹ càng. Gạo là loại nếp nhung - hạt to, tròn. Đây là một trong những loại gạo nếp dùng thổi xôi ngon nhất hiện nay. Gạo có mùi thơm, độ dẻo - rền, thường được sử dụng cho việc cúng tế vào dịp Lễ hội làng Tây Mỗ.

Nét mới của Lễ hội làng Tây Mỗ năm nay đã đưa thư pháp và triển lãm ảnh với chủ đề “Dạo quanh Tây Mỗ” vào phần hội thu hút nhiều du khách đến thưởng lãm… 

Ông Nguyễn Duy Phú - Bí thư chi bộ TDP Lò - kiêm Phó ban tổ chức lễ hội làng Tây Mỗ cho biết: Mỗi lần tổ chức nấu xôi, dân làng chuẩn bị 90kg gạo nếp ngon để nấu cho đủ 3 cỗ xôi dâng lên Thành Hoàng làng.

Điều đáng lưu ý, các thanh niên trong làng phải tổ chức lèn cỗ xôi làm sao cho hết 90kg gạo sau khi được nấu. Mỗi cỗ xôi mất tới 20 phút đơm lèn cho rền cỗ xôi. Việc xếp lá chuối lót trong cỗ xôi cũng phải được làm đúng cách, rất tỉ mỉ. Mặt sau của lá được xếp hướng ra bên ngoài.

Cũng theo Ban Tổ chức lễ hội, để thực hiện việc rước 3 kiệu xôi dâng lên Thành Hoàng làng, TDP đã lựa chọn các thanh niên trai trẻ, khỏe mạnh, chưa xây dựng gia đình...

Ngoài phần nghi lễ truyền thống, vài năm trở lại đây, phần hội của Lễ hội làng Tây Mỗ có những nét đổi mới. Đặc biệt, không còn có những trò chơi cua cá, đá gà… ăn tiền, thay vào đó lễ hội năm nay vẫn duy trì hình ảnh đẹp về hội thi cờ tướng, các trò chơi dân gian… và nét mới là đưa không gian thư pháp và triển lãm ảnh “Dạo quanh Tây Mỗ” vào phần hội, đã tạo thêm phần không khí vui tươi và gợi cho du khách và dân làng hiểu thêm về nét đẹp làng Tây Mỗ qua những bức ảnh của nhiếp ảnh gia người Pháp - Daniel Frydman chụp từ hơn 10 năm về trước…

Làng Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm) nằm ở ven đô, phía Tây Hà Nội. Trước đây, làng từng được coi là "vựa lúa" của Thủ đô. Vài năm trở lại đây, đô thị hóa phát triển đã lấy hết đất canh tác của dân làng Tây Mỗ.
May mắn thay, một nhiếp ảnh gia người Pháp đã ghi lại được những hình ảnh rất đỗi bình dị của làng quê Tây Mỗ và ông từng có nhận xét: “…Một ngôi làng chẳng sớm thì muộn sẽ bị biến mất và trở thành một khu đô thị của Hà Nội… So với thời điểm cách đây gần 10 năm khi tôi về chụp những bức ảnh này, đô thị đã tiến gần hơn ngôi làng, bủa vây hệt như con trăn siết nghẹt con mồi trước khi nuốt chửng nó….”.
Đúng như nhận xét của nhiếp ảnh gia người Pháp, làng Tây Mỗ đã hết đất canh tác nông nghiệp, đô thị đã hình thành! Nhưng với người dân nơi đây, họ vẫn không thể quên những cánh đồng lúa - nơi đã từng sản sinh ra những hạt gạo ngon nổi tiếng một thời và cũng là nơi nuôi sống họ, nuôi con cái họ ăn học, trưởng thành… Vì vậy, với họ có lẽ hạt gạo chính là "hạt ngọc", thứ bình dị nhất nhưng cũng quý giá nhất. Với ý nghĩa đó, ngày nay và chắc chắn mãi mãi về sau người làng Tây Mỗ vẫn duy trì lễ hội truyền thống thờ phụng hạt gạo, sản phẩm do chính bàn tay họ từng làm ra, đồng thời, qua những lễ hội hằng năm để họ không thể quên đi những gì mà một thời họ từng gắn bó với mảnh đất quê hương này...

Bài và ảnh: Tư Hoành