Gia đình CCB Trịnh Văn Bản - ảnh do gia đình cung cấp.

Mùa hè năm 1970, anh thanh niên Trịnh Văn Bản, quê Hoàng Xuyên, Hoằng Hóa, Thanh Hóa nhập ngũ, theo tiếng gọi của miền Nam - nơi lửa chiến tranh đêm ngày rừng rực cháy. Ngày lên đường, cùng với tình cảm gia đình, làng xóm…, hành trang anh mang theo còn có mối tình với “cô hàng xóm” là Trịnh Thị Thưởng (tên thường gọi là Hương). Những năm ở chiến trường Trường Sơn, những cánh thư của anh vẫn vượt qua đạn bom, sông suối… bay về với người yêu.

Mặc dù xa nhau, trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, nhưng qua những cánh thư, cả hai vẫn luôn tin tưởng, hẹn nhau đến ngày đất nước thống nhất sẽ nên duyên vợ chồng. Tình yêu trong sáng và đầy lạc quan của hai người đã được đền đáp xứng đáng. Tháng 10-1978, anh chị tổ chức lễ cưới. Được sống gần nhau ít ngày, chàng trai Trịnh Văn Bản lại chia tay người vợ trẻ, tiếp tục lên đường trong đội hình Binh đoàn 12 (Binh đoàn Trường Sơn) đi khắp mọi miền Tổ quốc, tham gia xây dựng các công trình trọng điểm chiến lược phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Năm 2009, trên cương vị Giám đốc Xí nghiệp 492 thuộc Binh đoàn 12, ông Bản về hưu với quân hàm Thượng tá. Trước đó, năm 1997, bà Trịnh Thị Thưởng, cán bộ thư viện tỉnh Thanh Hoá nghỉ hưu. Sau khi ông Bản nghỉ hưu, cả nhà chuyển ra sinh sống tại khu tập thể Trung đoàn 17 (Binh đoàn Trường Sơn), ở xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì (Hà Nội), nơi ông đã công tác và gắn bó suốt gần 40 năm qua. Ông bà sinh được ba người con; các con của ông bà đều thành đạt. Gia đình ông Bản, bà Thưởng sống rất hạnh phúc, được mọi người trong khu dân cư yêu mến, tôn trọng.

Xin trân trọng gửi tới bạn đọc Báo CCB Việt Nam một bức thư trong số hàng trăm bức thư người lính Trường Sơn - Trịnh Văn Bản đã gửi cho người yêu, sau này là vợ của ông. Những bức thư đó hiện vẫn được bà lưu giữ cẩn thận và được xem là tài sản tinh thần vô giá của gia đình, giúp ông bà nuôi dạy con cái trưởng thành.

Bức thư này được Trung sĩ Trịnh Văn Bản - Tiểu đội trưởng thuộc Trung đoàn 575, Sư đoàn 470, Bộ Tư lệnh Trường Sơn, viết ngày 2-9-1974, tại một điểm dừng chân khi đang cùng đơn vị hành quân tham gia chiến dịch trên chiến trường miền Trung, gửi cho người yêu Trịnh Thị Thưởng, khi đó đang là sinh viên Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật tỉnh Thanh Hóa.

“Tây Nguyên, ngày 2-9-1974.

Hương em!

Từ ngày anh bước chân đi

Riêng tư, anh chẳng có gì mang theo

Chỉ riêng trong trái tim nghèo

Với em anh đã mang nhiều nhớ thương.

Hương em! Năm tháng xa nhau, người Bắc, kẻ Nam, ôi biết bao những nỗi niềm nhớ thương mà ngôn ngữ con người cũng bất lực, không thể diễn tả nổi tình cảm bao la, chín đỏ trong lòng.

Nhớ lại phút chia tay ấy, với lời lẽ chân thành mộc mạc, em đã gói kín trong câu thơ đến nay anh vẫn giữ:

Anh đi giữ trọn nước non

Tuổi xuân em đợi, lòng son em chờ.

Rồi cứ theo tuần, theo tháng, sóng của lòng anh vẫn dạt dào với bến hẹn năm xưa, đáng tiếc rằng đích cuối cùng của dân tộc chưa đạt được cho nên thuyền ấy vẫn chưa xuôi về bến hẹn. Song anh vẫn tin tưởng mãnh liệt rằng, với ngọn lửa lòng hai đứa mình đã hẹn, dẫu không còn ánh sáng, song hơi ấm vẫn sống vĩnh cửu trong lòng anh. Qua thư gia đình, anh được biết, em vẫn vào nhà chơi những khi chủ nhật, cảm ơn em và mong rằng ở cương vị nào, tình cảm của em với gia đình đừng phai nhạt. Ở những miền xa xôi trên Tổ quốc, nhưng tình hình hậu phương đối với anh không có gì xa lạ, anh cảm thông sâu sắc với những người phụ nữ như em, chính vì vậy không có gì trách móc… “Nếu em có bước sang giai đoạn khác của đời chăng nữa”.

Đã tròn 50 tuần trăng lai khứ, ở môi trường này, song anh vẫn trẻ với tháng ngày, có điểm thêm đôi nét dạn dày gió sương, tuổi đời bắt buộc đã bén những suy tư, nhìn đôi bướm vờn, lại nhớ đêm trăng, đã thi gan thức với chị Hằng..., dùng cả ngọn bút lòng vẽ nên bao viễn cảnh rồi ngân nga câu thơ của thi sĩ Lưu Trùng Dương:

Những chiến sĩ má hóp, trán nhăn

Đánh giặc 10 năm chưa ngày cưới vợ…

Lời thơ thật trong sáng mang đầy hào khí cách mạng phải không em, thế rồi anh phấn chấn cả lên, dù có lỡ hẹn tình năm trước, ngày mai được cả nước, đời chưa hết giặc là anh chưa về, anh lại phù họa với ông ta rằng:

Vết nhăn trên trán sâu dày

Quãng đời trên trán thấy đầy đặn hơn

Với thể lực hiện tại, với yêu cầu của tuổi trẻ, anh vẫn còn tiếp tục hành quân, hẹn em tới đích cuối cùng của dân tộc, anh rất mong được biết tin em và gia đình, anh chúc em sớm có những ngày hái quả mà chắc em vẫn rạo rực mong chờ…

Anh Trịnh Văn Bản”.

                                                                                                La Quang Mão