Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 83 bốc dỡ đá xây dựng công trình trên đảo chìm Trường Sa, tháng 5-1988.

Vào đầu thập niên 1980, tàu chiến của Hải quân ta lúc này đều là loại nhỏ; chủ yếu hoạt động ven bờ, khả năng chịu sóng gió và cơ động tác chiến xa còn hạn chế. Để đưa tàu ra Trường Sa, cần có hồ neo đậu. Đá Lớn là một đảo nằm ở khu vực giữa thuộc cụm đảo Sinh Tồn. Chiều dài đảo khoảng hơn 15km, chiều ngang chỗ rộng nhất khoảng 3km. Ở đầu phía nam đảo có một hồ nước sâu, chiều dài hồ khoảng 5km, chiều ngang hồ khoảng 1,5km, chiều sâu hồ so với số 0 hải đồ khoảng 10m. Hồ kín có vành san hô bao quanh, chỗ mỏng nhất là 750m. Ở đầu nam đảo có nhà C1 mới xây dựng. Tư lệnh Hải quân Giáp Văn Cương quyết định mở luồng nối thông hồ với biển để đưa tàu ra Trường Sa vào hồ Đá Lớn neo đậu trực chiến.

Nhiệm vụ được giao là phá đá, đào con kênh đào trên nền đá san hô có chiều dài 750m, chiều rộng 45-50m, chiều sâu 5m so với mặt san hô để nối thông hồ với biển. Viện Kỹ thuật - Bộ Tư lệnh Công binh thiết kế do Tiến sĩ Lê Văn Trung làm Chủ nhiệm đồ án. Trung đoàn 83 đảm nhiệm thi công. Năm 1989 tiến hành thi công bước một để tiếp tục hoàn chỉnh thiết kế. Trung tá Trần Đình Dần - Trung đoàn phó Tham mưu trưởng trực tiếp chỉ huy. Lực lượng thi công của Tiểu đoàn 887 với quân số 35 người do Đại úy Hoàng Duy Lập - Tiểu đoàn trưởng làm khung trưởng.  Hai tàu HQ613 và HQ617 vận chuyển nhân lực, trang bị và thuốc nổ ra thi công. Đơn vị đã tích cực chủ động, khắc phục mọi khó khăn thi công, với hơn 200 tấn thuốc nổ sử dụng an toàn tuyệt đối. Trên cơ sở kết quả thi công đợt 1 năm 1989, hồ sơ thiết kế nổ phá đá mở luồng vào hồ Đá Lớn được bổ sung hoàn thiện. Năm 1990 Trung đoàn Công binh 83 được giao nhiệm vụ thi công. Khung xây dựng được thành lập, do tôi - Thiếu tá Hoàng Kiền - Phó Tham mưu trưởng Trung đoàn làm Khung trưởng chỉ huy thi công ngoài đảo.

Đầu tháng 3-1990, tàu HQ617 của Vùng 4 chở khung mở luồng Đá Lớn cùng 200 tấn thuốc nổ đầu tiên khởi hành từ Cam Ranh ra đảo Đá Lớn. Lúc này gió mùa Đông Bắc còn rất mạnh, tàu không thể neo ở cửa luồng hướng Đông Bắc đảo được mà phải đỗ ở hướng Tây Nam đảo nơi có nhà C1. Việc vận chuyển thuốc nổ vô cùng khó khăn, ban đầu dùng xuồng máy kéo xuồng chuyển tải, mỗi sĩ quan của Trung đoàn 83 phụ trách một xuồng. Có 6 chiếc máy đẩy hỏng dần rồi chết hết luôn. Chuyển sang phương án kéo tay, rải dây từ tàu ở hướng Tây Nam kéo xuồng vượt qua hồ lên hướng Đông Bắc đảo ngược gió, ngược sóng với chiều dài gần 4km, vô cùng khó khăn, tiến độ rất chậm.

Khi đó Tư lệnh Giáp Văn Cương lệnh cho 2 tàu LCU chở 2 xe tăng lội nước PT76 do Trung tá Lê Văn Duyết - Lữ đoàn phó Tham mưu trưởng của Lữ đoàn 955 - Vùng 4 Hải quân chỉ huy ra trực chiến ở đảo. Trung tá Lê Văn Duyết đánh xuồng máy đến gặp tôi, đề nghị nổ nhanh lên để cho tàu vào hồ nếu chậm, bão đến có nguy cơ chìm tàu. Khung đã họp cán bộ toàn đơn vị quyết định đưa quân đổ bộ lên đảo do nổ phá năm trước tạo ra ở hai bên bờ luồng để ăn nghỉ, thi công.

Thế rồi bất ngờ đêm 5-4, vào lúc 1 giờ sáng, một cơn dông nổi lên thật kinh hoàng. Sấm sét ầm ầm mưa trút xuống xối xả... những cơn sóng dữ chồm lên tràn qua 2 đảo làm sập 2 nhà bạt. Tôi bấm đèn pin chỉ huy bộ đội bám chắc vào các dây neo. Sau gần 1 giờ, cơn mưa dông tan; tập hợp hai bờ kiểm tra quân số điểm danh, gần 70 người có mặt đủ thật là mừng, mất một số đồ đạc. Toàn đội thức trắng đêm củng cố lại lán trại họp toàn đơn vị bàn biện pháp thi công tiếp. Lấy biểu quyết ở lại đảo hay lên tàu, 100% biểu quyết ở lại đảo. Tiếp tục thi công nổ phá theo phương án thiết kế, bảo đảm tiến độ nhanh hơn rất nhiều.

Cứ như thế lượng nổ có khối lượng tăng dần theo phương án đã lập. Khi luồng thông, 2 con tàu LCU vào hồ đêm 1-5, đến đêm 3-5, cơn bão số 1 nổi lên ở Trường Sa. Thật mừng cho gần 70 cán bộ, chiến sĩ khung xây dựng, 2 con tàu, 2 chiếc xe tăng cùng 2 kíp xe của Lữ đoàn Hải quân đánh bộ 126 đều an toàn, anh em chúng tôi nằm trên tàu mà mừng rơi nước mắt. Sau hơn 2 tháng thi công 1.400 tấn thuốc nổ được sử dụng. Lượng nổ lớn nhất là 110 tấn gây nổ an toàn. Thật vui mừng và tự hào!

Minh Nguyệt ghi theo lời kể của Thiều tướng Anh hùng LLVTND Hoàng Kiền