Ra mắt mô hình CCB tự quản về an ninh trật tự.

Đồng Tiến là bản vùng sâu, vùng xa ở phía tây bắc xã Lạng Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An. Nằm bên dòng sông Lam, cách trung tâm xã gần 5km đường bộ, phía đông giáp với bản Chôm Lôm; phía tây giáp bản Tam Liên, xã Tam Quang (Tương Dương); phía nam giáp sông Lam liền kề với đường quốc lộ 7A, phía bắc giáp với bản Xốp Cốc, xã Yên Thắng (Tương Dương). Bản có 249 hộ với dân số gần 1.100 người, chủ yếu là người dân tộc Thái Thanh, một số hộ người Kinh, người Thái, huyện Tương Dương đến đây an cư lạc nghiệp. Diện tích tự nhiên của bản là 1.250ha. Trong số 650ha đất sản xuất, có 600ha đất màu bãi, 50ha diện tích cấy lúa nước.

Địa bàn bản Đồng Tiến thuận lợi trong việc trao đổi, giao thương, lưu thông hàng hóa. Trước đây chủ yếu sống nhờ vào sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp đánh bắt trên sông, du canh và chăn nuôi trâu bò truyền thống tự cung, tư cấp. Ngày nay, đã chấm dứt tình trạng phát rừng làm nương rẫy, buôn bán gỗ, săn bắt hái lượm. Thay vào đó người dân bám vào ruộng vườn, đồi núi, khe suối phát triển gia trại, theo kết cấu mô hình VAC và trồng keo nguyên liệu. Một số làm nghề kinh doanh dịch vụ, buôn bán nhỏ lẻ… đường làng, lối xóm sạch sẽ. Nông thôn mới đã làm thay đổi diện mạo của bản Đồng Tiến, đời sống nhân dân khấm khá.

Bản Đồng Tiến rộng, địa hình đồi núi, khe suối xen kẽ phức tạp, giao thông đi lại tương đối thuận tiện. Đó là điều kiện tốt để phát triển kinh tế nhưng cũng tiềm ẩn những phức tạp về vấn đề bảo đản an ninh trật tự (ANTT) và các tệ nạn xã hội. Nhất là trong thời gian gần đây đãxuất hiện một số người lạ bán hàng rong vào tận các ngõ hẻm. Họ biểu hiện thái độ, hành vi, lời nói xấc xược; lợi dụng việc chỉ có người già trẻ nhỏ ở nhà, dụ dỗ mua, bán hàng hóa, thực phẩm kém chất lượng, giá cao… mang tính lừa đảo.

Việc thành lập mô hình tự quản về an ninh trật tự do Hội CCBđảm nhiệm  đối với bản Đồng Tiến là cần thiết. Trên cơ sở củng cố, kiện toàn tăng cường phối hợp Tổ tự quản về an ninh trật tự làng bản trước đây, Chi hội CCB bản Đồng Tiến và Ban Chấp hành Hội CCB xã Lạng Khê đề nghị lãnh đạo chính quyền và được chấp thuận, ủng hộ. Chủ tịch UBND xã ra quyết định thành lập Tổ tự quản an ninh trật tự CCB với 3 thành viên. Tổ có nhiệm vụ thường xuyên tuần tra canh gác, kịp thời phát hiện, phối hợp giải quyết, xử lý khi có tình huống mất an ninh trật tự trong bản xảy ra.

Tổ cũng được giao nhiệm vụ phối hợp với lực lượng Công an xã, Ban công tác mặt trận và các đoàn thể bản Đồng Tiến tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bảo vệ an nỉnh trật tự, an toàn giao thông đường thủy, đường bộ và cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn của làng bản; tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn hoạt động của các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, xây dựng địa bàn trong sạch, an toàn; thường xuyên học tập nâng cao trình độ, kỹ năng hoạt động về công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ANTT, ATGT… trên địa bàn xã; thực hiện tốt nền nếp, chế độ báo cáo, thông tin, thông báo, phản ánh tình hình theo quy định; xây dựng tổ tự quản vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thật sự là lực lượng tin cậy của Chi ủy, Chi bộ, Ban quản lý và nhân dân bản Đồng Tiến.

Về trang bị, Tổ tự quản CCB tham gia giữ gìn an ninh trật tự bản Đồng Tiến được trang bị một số dụng cụ hỗ trợ cần thiết, để xử lý khi có tình huống xảy ra. Tổ  làm việc theo Quy chế phối hợp giữa UBND - Công an và Hội CCB xã, được thông qua tại Lễ ra mắt.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Lộc Văn Việt - Phó bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Lạng Khê cho biết: “Hội CCB xã Lạng Khê và Chi hội CCB thôn, bản trong xã là những lực lương nòng cốt, thực hiện nhiệm vụ xây dựng, bảo về Đảng, chính quyền, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ nhân dân. Nhất là công tác giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Điều đó rất có ý nghĩa với xã Lạng Khê, một xã vốn có nhiều thành phần dân tộc, tôn giáo khác nhau… Hội CCB là lực lượng tham mưu cho Đảng ủy, chính quyền cơ sở; là lực lượng phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể có hiệu quả cao từ trước tới nay, lực lương tin cậy của Đảng, chính quyền và nhân dân địa phương…”.

Mô hình “Tổ tự quản CCB tham gia giữ gìn an ninh trật tự” góp phần tạo sự chuyển biến tích cực về chấp hành pháp luật của cán bộ, hội viên CCB và quần chúng nhân dân trong việc giữ gìn an ninh trật tự, an toàn giao thông ở địa phương. Mô hình đang được Hội CCB xã Lạng Khê, huyện Con Cuông nhân rộng và phát huy. Để mô hình hoạt động hiệu quả, trước hết cần sự vào cuộc chủ động của các cấp Hội. Từ việc tham mưu cho lãnh đạo, lựa chọn nhân sự, giao nhiệm vụ, động viên, tạo điều kiện cho các tổ viên hoạt động... Mô hình cũng rất cần có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và sự phối hợp, giúp đỡ của Công an cũng như các đoàn thể ở địa phương.  

Bài và ảnh: Sao Băng