(Trận không chiến chiều ngày 14-5-1967)

Theo tin tình báo chiến lược, ngày 14-5-1967, không quân và hải quân Mỹ sẽ sử dụng đội hình lớn máy bay vào đánh phá Hà Nội. Cảnh giác trước mưu đồ đánh phá của địch, vào lúc 14 giờ 30 phút đến 15 giờ, ra đa dẫn đường của Không quân ta đã bắt được 3 tốp máy bay Mỹ bay vào khu vực Mai Châu, Suối Rút - Hòa Bình,. Nhận định máy bay địch sẽ đánh vào khu vực sân bay Hòa Lạc và phía tây Hà Nội, Bộ Tư lệnh Không quân lập tức quyết định cho MiG-17 thuộc Trung đoàn 923 từ các sân bay Gia Lâm, Hòa Lạc cất cánh lên khu vực Hòa Bình - Suối Rút, chặn đánh tốp cường kích của địch từ vòng ngoài, buộc chúng phải vứt bom ngoài mục tiêu.

Lúc 15 giờ 5 phút, biên đội thứ nhất gồm các phi công: Võ Văn Mẫn, Hà Đình Bôn, Nguyễn Thế Hôn, Lê Hải được lệnh xuất kích bay về phía Hòa Bình. Đến 15 giờ 15 phút, MiG phát hiện mục tiêu ở độ cao 3.500m. Đó là tốp F-4 của không đoàn 366 từ Đà Nẵng ra yểm hộ cho máy bay F-105 vào đánh phá mục tiêu ở khu vực Hà Đông. Thời gian này, phi công của ta được thông tin máy bay F-4 bay yểm hộ đã cải tiến có mang theo súng 20mm M61 để không chiến với MiG.

Khi phát hiện biên đội 4 chiếc MiG đang bám theo đội hình F-105, số máy bay F-4 yểm hộ bèn tách thành hai tốp; một tốp bay cao trên mây, một tốp bay gần đỉnh mây. Hai chiếc F-4 vòng vào không chiến với 2 chiếc MiG bay trước đội hình. Lập tức, số 1 Võ Văn Mẫn được lệnh bỏ thùng dầu phụ, tăng lực vào công kích tốp F-105; nhưng tốp máy bay này kịp thời phát hiện MiG tấn công, đã chủ động tăng lực tháo chạy. Ngay lúc đó, 8 chiếc F-4 từ phía Suối Rút lao vào quần nhau kịch liệt với 2 chiếc MiG-17. Cùng lúc, 2 chiếc MiG của Hà Đình Bôn và Lê Hải quần nhau với tốp hơn 10 chiếc F-4 ở độ cao thấp hơn.

Như vậy, 4 chiếc MiG-17 quần nhau với hơn 20 chiếc F-4 ở dưới đáy mây, bên dưới lại là núi cao, nên các phi công MiG không thực hiện được chiến thuật ghìm đối phương xuống độ cao thấp để phát huy được ưu thế của MiG-17 như phương án và ý đồ chiến thuật đã được chuẩn bị.

Đại tá, Anh hùng LLVTND Lê Hải, khi đó bay số 4 trong biên đội kể lại: “…Bốn chiếc MiG phải đánh quần với hơn 20 chiếc F-4C trên vùng trời đầy mây, dưới là núi, không thể giảm độ cao để kéo địch xuống thấp như ý đồ chiến thuật của MiG-17, buộc phải tiến hành không chiến ở độ cao này đã làm mất đi ưu thế tính năng của MiG-17 ở độ cao thấp; đồng thời phải đối phó với các F-4C của không quân Mỹ ở hai tầng độ cao, khiến cho các máy bay MiG lâm vào thế khó khăn…”.

Trong khi đang bám theo số 1 Võ Văn Mẫn để yểm hộ, Hà Đình Bôn nghe số 1 hô “Cháy rồi!”. Ngay sau đó, Hà Đình Bôn phát hiện 1 chiếc F-4 bám sát phía sau máy bay số 1, phóng tên lửa trúng máy bay của số 1, anh bèn hô “Số 1 nhảy dù!”. Nhưng Võ Văn Mẫn không kịp nhảy dù, anh đã hy sinh sau khi bắn rơi 1 chiếc F-4. Lúc này, số 3 Nguyễn Thế Hôn và số 4 Lê Hải cũng đang quần nhau với hơn 10 chiếc F-4C. Số 3 Nguyễn Thế Hôn đã bám sát đội hình máy bay địch, bắn rơi 1 chiếc F-4. Nhưng liền sau đó, máy bay của  Nguyễn Thế Hôn bị trúng tên lửa của 1 chiếc F-4, và anh đã anh dũng hy sinh.

Biên đội 4 chiếc MiG tiến công đội hình hơn 20 máy bay địch, bắn rơi 2 chiếc F-4, nhưng 2 MiG của hai phi công vừa bắn rơi 2 chiếc F-4 cũng đã bị trúng tên lửa và hai phi công đã hy sinh anh dũng. Thấy hai chiếc còn lại phải đối đầu với địch trong thế bất lợi, hoàn toàn chênh lệch về tương quan lực lượng, Sở chỉ huy lệnh cho số 2 Hà Đình Bôn và số 4 Lê Hải nhanh chóng thoát ly, trờ về căn cứ.

Phi công MiG-17 số 4 Lê Hải, nhớ lại: “Lúc đó, tôi vừa cơ động tránh tên lửa, vừa cố đưa máy bay về hướng có khoảng trống không bị mây che để lao xuống thoát li về sân bay. Tôi bay về hạ cánh ở sân bay Gia Lâm; khi máy bay lăn đến cuối đường băng, cũng là lúc hết dầu, máy bay tự tắt máy. Số 2 Hà Đình Bôn về hạ cánh ở sân bay Hòa Lạc…”.

Thượng úy Võ Văn Mẫn sinh năm 1939, tại Ba Tri, Bến Tre, nhập ngũ năm 1959. Sau khóa học lái MiG ở Trung Quốc về nước năm 1964, Võ Văn Mẫn đã xuất kích chiến đấu 79 lần, bắn rơi 5 máy bay Mỹ. Thượng úy liệt sĩ Võ Văn Mẫn được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND năm 2000.

Trung úy Nguyễn Thế Hôn, sinh năm 1941 tại xã Hồng Quang, huyện Ứng Hòa, Hà Nội; nhập ngũ năm 1959. Sau khi học lái máy bay MiG ở Trung Quốc về năm 1964, Nguyễn Thế Hôn thuộc biên chế Đại đội 1, Trung đoàn 923. Trong chiến đấu, Nguyễn Thế Hôn đã bắn rơi 3 máy bay Mỹ. Trung úy, liệt sĩ Nguyễn Thế Hôn được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND năm 2011.

Sĩ Hưng