Trong ký ức tôi, những ngày còn thơ bé luôn hiện lên hình ảnh chú Bộ đội Biên phòng với vó ngựa biên cương trong những thước phim tài liệu. Có lẽ, tuổi thơ hiếu động nên hình ảnh “ngựa Biên phòng” luôn rạo rực trong tôi, như trong bài thơ “Vó ngựa biên phòng” nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn: “Chú bộ đội Biên phòng/ Rạp mình trên lưng ngựa/ Ngựa phi nhanh như bay/ Cả cánh rừng nổi gió”. Cánh rừng Việt Nam, cánh rừng biên giới của đất nước vùng nhiệt đới luôn xanh tươi bốn mùa, luôn ẩn giấu bao bí mật. Và tôi hình dung ra dáng hình biên giới Tổ quốc cũng trập trùng, rừng núi nhấp nhô như những cánh buồm bơi trong màn biển sương; lại trập trùng vút lên, căng như những mũi tên, sắc như lưỡi mác, ngăn chặn bước quân thù. Và tôi đã viết bài thơ “Tổ quốc” có đoạn: “Tôi nhìn lên bản đồ Tổ quốc/ Màu đỏ của đất lẫn vào xanh cây/ Biên giới Tổ quốc tôi hình cái nắm tay/ Khi xòa ra chảy thành những dòng sông/ Khi nắm lại thành chiến hào căm giận”.

Tiếng vó ngựa biên cương lại được chia sẻ trong hai câu thơ tha thiết ân tình của nhà thơ Hữu Thỉnh viết tặng những người lính Biên phòng: “Quanh năm không thấy màu con gái/ Vó ngựa nghe nhầm tiếng guốc em”.Từ tiếng vó ngựa biên thùy, tôi lại nghĩ về dấu chân người lính Biên phòng. Dấu chân ấy đã đi qua gần 2.000km đường biên và hơn 400 cột mốc biên giới viền quanh đất nước. Dấu chân bấm trên những vách đá tai mèo trơn trượt, in lên những ngả đường mòn, đường núi hiểm trở, bấm lún xuống cát trắng ven biển và trên những hòn đảo tiền tiêu. Dấu chân nứt nẻ, nhưng bền gan, bền chí và trong móng chân còn in đậm ngấn váng phù sa ruộng đồng. Đó như một dấu triện, dấu ấn in đậm xuống đất đai Tổ quốc, chứng tỏ sự bảo vệ trọn vẹn lãnh thổ, chủ quyền thiêng liêng đất nước.

Người lính Biên phòng với bộ quân phục màu xanh, đó là một màu xanh tin cậy, yêu thương, gần gụi biết bao với đồng bào, với các bản làng dân tộc. Họ không những là những cột mốc sống, tấm áo giáp biên cương để giữ gìn biên giới, mà họ còn mang đến màu xanh cuộc sống thắm tươi hy vọng. Đó là những người thầy giáo mang quân hàm xanh “cõng” con chữ về với các em trong thơ Nguyễn Hữu Quý: “Nhớ xa một miền thưa vắng/ Phiên chợ giật lùi vó ngựa gõ vào mây/ Tiếng trẻ Mông đọc bài đầu bản/ Tuổi binh Nhất ngượng ngập làm thầy”. Và tôi một lần lên với bản Rào Tre (dân tộc Chứt), miền núi Hương Khê (Hà Tĩnh), thật xúc động khi bắt gặp lớp học trò trong đêm của các thầy giáo Biên phòng bám bản: “Tối em thắp đèn học chữ/ Ngổn ngang như nẻo đường rừng/ Rào Tre không rào lòng được/ Biên phòng màu áo thật thương”.

Ôi, cái áo màu xanh giản dị, màu xanh cây rừng, màu xanh đậm đà, thủy chung không phai nhạt dù mưa nắng gió sương; màu xanh như tuổi trẻ thanh xuân giàu nhiệt huyết với vẻ đẹp lý tưởng trong sáng; màu xanh như tấm “hộ chiếu xanh” tin cậy tại đường biên, là dấu chỉ nhận ra vẻ đẹp của người lính Cụ Hồ. Màu xanh về đây để ươm mầm sinh sôi, nảy nở bao màu xanh sự sống. Đó là hình ảnh người lính Biên phòng giúp dân, hướng dẫn dân trồng cây làm ruộng bằng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới cho những cánh đồng ruộng bậc thang xanh mướt màu xanh của lúa, những triền đá, hốc đá xanh tươi màu xanh của ngô. Và những đêm hội xanh trong, xanh ngọt tiếng sáo Mèo, những câu hát lượn, những nếp nhà sàn mới dựng xanh lại, xanh đầy những mái ấm hạnh phúc lứa đôi. Người dân tộc miền núi có câu rất hay: “Rễ cây thì ngắn, rễ người thì dài”, rễ người chính là cái gốc rễ, ngọn nguồn của người lính Biên phòng đã bám chắc vào đất đai của biên giới Tổ quốc. Tình người của họ đã lan tỏa vào mạch nguồn truyền thống văn hóa dân tộc nơi đây...

Bước chân người lính Biên phòng luôn có mặt ở những nơi gian khó nhất, ở nơi đường biên thật ngặt nghèo, biên giới thật mỏng manh. Họ đã áp ngực mình, nhịp tim mình vào đất đai hồn thiêng sông núi Tổ quốc. Họ thật xa và thật gần. Họ xa gia đình vợ con người thân, xa làng xóm quê hương để đến với đường rừng quanh co, hiểm trở, sương phủ mù giăng... Theo dọc đường biên nối từ cột mốc này sang cột mốc khác, vượt băng mưa nguồn suối lũ trùng điệp, khi là nắng khô rang, khi là rét buôn buốt. Nhà thơ Trần Đăng Khoa từng khắc họa hình ảnh của những chiến sĩ Biên phòng là những “Đỉnh núi”: “Những mùa đi thăm thẳm/ Trong mông lung chiều tà/ Có bao chàng trai trẻ/ Cứ lặng thinh mà già”. Và chính họ lại rất gần, có một nhà thơ đã nói vui: “Người lính Biên phòng phát sóng gần”. Nghĩa là, phải gần, rất gần dân, để nói cho đồng bào nghe, để làm cho đồng bào thấy, kể cả việc khám chữa bệnh cho nhân dân và cả phán xử những xích mích trong cuộc sống thường ngày. Nghĩa là họ “đa năng” và “hết lòng”. Hai tiếng gọi “Bộ đội à, bộ đội Biên phòng ơi” sao mà thân thiết, đầm ấm biết bao...

Theo dấu chân người lính Biên phòng, tôi lại nhận ra dọc biên giới rất nhiều hoa mộc miên (hoa gạo) màu đỏ, cái màu hoa đỏ tháng 3, mùa giáp hạt sao mà gợi cho ta hình ảnh quê nhà da diết. Và màu lau trắng, bạt ngàn lau trắng trỗi dậy. Một màu trắng nao lòng ở miền cương vực thân thương Tổ quốc lại gợi nhớ về mùa lúa làm đồng trắng sữa. Xuân này biên giới trắng hoa mơ, hoa mận, cái màu trắng tinh khiết nổi lên giữa bạt ngàn màu xanh núi rừng. Đó cũng chính là sắc trắng tinh khiết, vẻ đẹp tinh khiết của người lính Biên phòng trong sắc áo xanh, trong sắc Xuân bất diệt.

Nguyễn Ngọc Phú