Những người ủng hộ Chính phủ của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro tuần hành tại thủ đô Caracas ngày 23/1/2019.
Cuộc khủng hoảng chính trị đang xảy ra ở Venezuela có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân sâu xa gây ra bất ổn đã có từ lâu, đặc biệt là do khủng hoảng kinh tế-xã hội, đời sống người dân khó khăn dẫn tới những mâu thuẫn ở chính trường, đẩy phe Quốc hội và Chính phủ sang hai phía đối lập.
Ngược dòng lịch sử mới thấy từ trước năm 1990, Venezuela là một trong những cường quốc kinh tế tại Mỹ Latinh, có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới và là thành viên lớn thứ năm của OPEC tính về sản lượng dầu mỏ. Doanh thu từ xuất khẩu dầu chiếm hơn 50% GDP của cả nước và chiếm khoảng 95% tổng kim ngạch xuất khẩu, thu hút một lực lượng lao động lớn trên khắp thế giới.
Nhưng kể từ những năm 2000, khi đất nước thi hành chính sách kinh tế tập trung bao cấp, lập tức lạm phát tăng lên đến chóng mặt - năm 2008 là: 30,9% - cao nhất trên toàn khu vực châu Mỹ.
Tổng thống Hugo Chavez lúc bấy giờ đã tập trung vào việc thực hiện các “cải cách xã hội chủ nghĩa” ở trong nước, xem nhiệm vụ này là một phần của kế hoạch xã hội được gọi là “Cách mạng Bolivar” - Đồng thời ông cho xây dựng một bản Hiến pháp mới, thực hiện quốc hữu hóa một số ngành công nghiệp then chốt, tăng chi tiêu của Chính phủ cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và giáo dục, với mục tiêu nghe rất nhân văn là nhằm làm giảm tỷ lệ đói nghèo! Nhưng trong thực tế kết quả lại không được như mục tiêu đề ra.
Chống tự do trong kinh doanh, năm 2002 Chính phủ đề ra các chương trình trợ giá, như duy trì giá xăng ở mức dưới 0,1 USD/gallon (tương đương hơn 500 VND/lít), chính sách này đã triệt phá khoảng một nửa các tập đoàn dầu lửa khổng lồ PDVSA, do phải sa thải hầu hết các chuyên gia và hơn 20.000 nhân viên do bất đồng chính kiến. Các doanh nghiệp tư nhân không dám tăng mức đầu tư, còn nguồn tài nguyên của đất nước thì ngày một cạn kiệt, khiến nền kinh tế càng thêm khó khăn, tốc độ tăng trưởng trì trệ, lạm phát tiếp tục tăng cao; tham nhũng hoành hành, Chính phủ bắt buộc phải đề ra một loạt những chính sách thắt lưng buộc bụng...
Đồng thời, Chính phủ còn áp đặt việc kiểm soát tiền tệ để ngăn chặn tiền vốn không bị chuyển ra nước ngoài, đã làm suy giảm trong sản xuất, xuất khẩu dầu và phá giá đồng tiền trong nước nghiêm trọng, dẫn đến thiếu hụt nghiêm trọng hàng hóa, kể cả hàng hoá thiết yếu trong sinh hoạt của người dân, như thực phẩm, nước sạch, sản phẩm gia dụng, phụ tùng, dụng cụ và vật tư y tế... làm nhiều nhà sản xuất hoặc là cắt giảm sản lượng hoặc phải đóng cửa. Từ khi nhậm chức năm 2013, Tổng thống Venezuela - Nicolas Maduro đã 24 lần nâng lương tối thiểu để đối phó lạm phát. Sau lần nâng lương hồi tháng 8, với mức tăng hơn 3.000% lên 1.800 bolivar, lương tối thiểu ở đây (1.800 bolivar) cũng chỉ tương đương gần 20USD một tháng. Dù vậy, các doanh nghiệp thậm chí vẫn không đủ tiền trả lương cho nhân viên
Vậy là, kể từ khi thực hiện "Cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa" do Tổng thống Hugo Chávez khởi xướng đến năm 2014, Venezuela chính thức lâm vào suy thoái kinh tế, năm 2016, tỷ lệ lạm phát lên tới 800%; năm 2017 gần 2.000%...
Như vậy, có thể thấy, sau sự kiện các nước XHCN ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, trong khi các nước XHCN còn lại như Trung Quốc, Việt Nam, Lào... đã kịp thời cải cách, đổi mới, mở cửa theo nền kinh tế thị trường, thì ngược lại Venezuela lại bài trừ “kinh tế thị trường”, theo đuổi đường lối kinh tế bao cấp, chủ quan, duy ý chí...
Đó là chưa nói, chính sách ngoại giao “cứng nhắc” của Venezuela đối với các nước, nhất là những nước trong khu vực, dẫn đến cấm vận càng làm cho nền kinh tế khủng khoảng trầm trọng hơn.
Giữa tứ bề “thù trong, giặc ngoài” như thế thì việc những lực lượng đối lập do nước ngoài giật dây nổi dậy cũng là điều dễ hiểu. Có thể nói tình hình chính trị - xã hội ở Venezuela chưa bao giờ rối loạn như hiện nay và không ai khác, chính người dân Venezuela là đối tượng phải gánh chịu hậu quả nặng nề đó.
Tuy nhiên hành động tiếm quyền của phe đối lập ở Venezuela do ông Guaido đứng đầu là đi ngược và vi phạm các cơ sở và nguyên tắc của luật pháp quốc tế.
Bộ trưởng Quốc phòng Venezuela Vladimir Padrino trong một tuyên bố gần đây, đã nói rằng: Tổng thống Nicolas Maduro vẫn là Tổng thống hợp pháp của Venezuela và phe đối lập đang tiến hành một cuộc đảo chính.
Ông Vladimir Padrino, nói: “Tôi cảnh báo người dân Venezuela rằng, đang diễn ra một cuộc đảo chính chống lại thể chế, chống lại nền dân chủ, chống lại Hiến pháp và Tổng thống Maduro - Tổng thống hợp hiến của Venezuela. Việc một cá nhân tự tuyên bố là Tổng thống của Venezuela là vấn đề hết sức nguy hiểm, đe dọa luật pháp, đe dọa hòa bình của tất cả người dân Venezuela. Điều chúng tôi muốn nói là, hành động này là sự lầm lạc”.
Bài học rút ra từ khủng hoảng chính trị ở Venezuela là không thể xây dựng Chủ nghĩa xã hội bằng duy ý chí chủ quan của một người hoặc một nhóm người, mà phải xuất phát từ thực tiễn, trên cơ sở tôn trọng quy luật khách quan.
Hoàng Nguyễn