Phun thuốc khử khuẩn đường phố ở thủ đô Tehran.

Khi đại dịch Covid-19 đang tấn công ồ ạt tất cả các quốc gia trên thế giới, Iran cũng không ngoại lệ. Thế nhưng, lại có một sức ép khác đang triệt hạ nỗ lực chống dịch của Tehran, đó là những lệnh cấm vận đơn phương của Mỹ. Hai gọng kìm này đang siết chặt lấy Iran, bất chấp những lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế.

Ngay từ những ngày đầu tháng 3, Tổng thống Iran - Hassan Rouhani cáo buộc việc Mỹ duy trì lệnh trừng phạt đã ảnh hưởng đến công tác chống dịch Covid-19 của nước này, đồng thời khiến kinh tế Iran thiệt trực tiếp tới 200 tỷ USD chỉ trong chưa đầy 2 năm. Đó là những ngày dịch chưa bùng phát mạnh ở quốc gia Hồi giáo này. Dịch càng hoành hành, Washington càng bị Tehran chỉ trích và rồi mọi lời chỉ trích, thậm chí đe dọa của Tehran cũng chỉ như “đá ném ao bèo”. Điều gì đến cũng phải đến, Bộ Y tế Iran ngày 4-4 thông báo nước này đã ghi nhận 55.743 ca mắc Covid-19, trong đó có 3.452 trường hợp tử vong. Một con số quá lớn.

Không phải tới giờ Iran mới bị cấm vận. Những lệnh cấm vận kinh tế trong nhiều năm qua từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền và đơn phương phá bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran đã đẩy quan hệ giữa Iran với Mỹ và các nước phương Tây gần như về vạch xuất phát. Mọi nỗ lực nhằm tìm một giải pháp hòa bình lâu dài trong quan hệ với quốc gia Hồi giáo này coi như vô vọng bởi Mỹ vẫn “một mình một đường”. Thế nhưng, đó là chuyện ngoại giao, chính trị. Chuyện chống Covid-19 lại là chuyện nhân đạo và với cách lây nhiễm của SARS-CoV-2, virus gây ra Covid-19, thì các quốc gia lân cận cũng không thể thoát dịch khi dịch vẫn hoành hành ở Iran. Đã nói tới nhân đạo thì phải nói tới các hiệp ước, các nghị định thư liên quan đến vấn đề này. Câu chữ của các hiệp ước này rất dài nhưng tựu chung, dù trong chiến tranh hay thiên tai, việc cứu người là trên hết.

Iran đang thực sự khó khăn vì các lệnh cấm vận triệt tiêu các nỗ lực hợp tác quốc tế cũng như tìm kiếm trang, thiết bị y tế chống dịch. Đại sứ Iran tại Bỉ, ông Gholam Hossein Dehqani, ngày 4-4 đã kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) chống lại các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Tehran trong thời gian xảy ra dịch bệnh. Đại sứ Iran cho rằng: "Các lệnh trừng phạt đơn phương và bất hợp pháp mà Mỹ áp đặt với Iran ảnh hưởng tới khả năng của Tehran trong ứng phó hiệu quả với virus, do không có sự hỗ trợ quốc tế". Ông Dehqani thúc giục EU chống lại các lệnh trừng phạt "vô nhân đạo" của Mỹ. Trước đó, Đại sứ Iran tại Văn phòng Liên Hợp quốc (LHQ) ở Geneva cho rằng các lệnh trừng phạt "tàn ác và bất hợp pháp" của Mỹ chống Iran gây ra nhiều khó khăn cho người dân Iran trong việc tiếp cận thuốc men, cũng như các thiết bị và dịch vụ y tế.

Không phải các nước khác không thấy khó khăn của Iran. Cuối tháng 3 vừa qua, các đại diện thường trực tại LHQ của Nga, Trung Quốc, Syria, Cuba, Triều Tiên, Iran, Nicaragua và Venezuela đã gửi thư kêu gọi Tổng thư ký LHQ - Antonio Guterres dỡ bỏ lệnh trừng phạt đơn phương của Mỹ đối với một số quốc gia trong bối cảnh đại dịch toàn cầu. Phó tổng thư ký phụ trách các vấn đề nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp của LHQ và Chủ tịch Đại hội đồng LHQ đều đã kêu gọi Mỹ nới lỏng lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, một nghị quyết của Đại hội đồng LHQ do Nga soạn thảo kêu gọi đoàn kết và giảm nhẹ trừng phạt đã bị Mỹ, EU, Anh, Ukraine và Gruzia phủ quyết ngày 2-4 vừa qua.

Mỹ, nền kinh tế số một thế giới và có sự hợp tác, hỗ trợ rộng khắp vậy mà giờ hiện trở thành ổ dịch lớn nhất toàn cầu. Có lẽ Washington nên tranh thủ để đàm phán, gỡ bỏ cấm vận Iran. Biết đâu, đây vừa là cơ hội gỡ hai gọng kìm cho Iran, vừa giải quyết được hồ sơ hạt nhân của nước này.

Ngọc Hưng