Theo kế hoạch, Dự án Trường tiểu học Văn Khê B sẽ được hoàn thành, bàn giao vào ngày15-9 tới đây, nhưng với tiến độ này, Dự án khó có thể hoàn thành.

Theo thiết kế, hạng mục sân trường, vườn hoa chỉ bơm hút nước, nạo vét hữu cơ và sau đó đổ cát san nền vào, nhưng đơn vị thi công lại nạo vét sâu hơn 1m đất rồi dùng phế thải xây dựng để bù lấp, gây bức xúc dư luận.

"Tư vấn thiết kế  cắm sào để... khảo sát"

Dự án Xây dựng Trường tiểu học Văn Khê B, xã Văn Khê, huyện Mê Linh, TP.Hà Nội do Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng huyện Mê Linh (Ban QLDA) làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư trên 38 tỷ đồng; gồm các hạng mục tường bao, trường học, công trình phụ trợ, sân chơi, vườn hoa. Nhà thầu thi công xây dựng là Liên danh Công ty CP Đầu tư xây dựng & Thương mại cơ điện Minh Long, Công ty TNHH Mạnh Quân. Đơn vị tư vấn giám sát là Liên danh Công ty Kiến trúc & Xây dựng Avityco, Công ty TNHH Coto.

Theo thiết kế, phần san nền cho hạng mục sân chơi, vườn hoa của dự án Trường tiểu học Văn Khê B có khoảng 4.066m2 phải san lấp mặt bằng. Trong đó, khối lượng đắp cát công trình cho hạng mục này là 8.817,85m3. Điều đáng nói, sau khi bóc tách hữu cơ, nạo vét lớp bùn đáy ao, thay vì dùng cát để san lấp mặt bằng, đơn vị thi công lại chôn lấp một khối lượng lớn đất phế thải xây dựng, sau đó phủ một lớp đất thịt màu vàng phía trên.

Ông Nguyễn Minh Hiếu - Hiệu trưởng Trường tiểu học Văn Khê B cho biết: Theo khảo sát ban đầu của đơn vị tư vấn thiết kế, lớp bùn đáy ao chỉ sâu khoảng 50-60cm. Tuy nhiên, khi tiến hành nạo vét, nhà thầu đã vét sâu xuống từ 120-140cm mới hết bùn. Theo phương án thi công, nhà thầu phải dùng cát công trình để san lấp, nhưng ở đây họ đã dùng rác thải xây dựng. “Tôi nghe đơn vị thi công nói, khối lượng nạo vét bùn lớn hơn so với đã khảo sát trước đó mà Phòng Tài chính huyện không duyệt cho khối lượng phát sinh, nên họ không có kinh phí để đổ cát” - ông Hiếu nói.

Hạng mục sân chơi, vườn hoa của Trường tiểu học Văn Khê B đang khẩn trương được hoàn thiện.

Ông Hiếu còn cho biết thêm tại khu vực san lấp, sau này sẽ còn xây dựng thêm phòng đa năng cho học sinh học thể dục.

Giải thích về việc “thay lõi” vật liệu san lấp, ông Nguyễn Tiến Bình - cán bộ Ban QLDA cho biết: Trong quá trình kiểm tra, do diện tích ao lớn nên đơn vị tư vấn thiết kế đã cắm sào để khảo sát. Việc cắm sào khiến cho quy trình đánh giá lượng bùn dưới ao không được chính xác. “Ngoài đơn vị khảo sát, lỗi cũng thuộc về đơn vị thi công đã không cho kiểm tra lại hiện trạng trước khi tiến hành nạo vét, khiến khối lượng bùn bị tăng lên khá nhiều” - ông Bình nói thêm.

Xã hội hóa để hợp thức  việc… “thay lõi”?

Theo ông Bình, khi bóc tách hữu cơ, phát sinh khối lượng bùn lớn hơn nhiều so với thiết kế ban đầu, Ban QLDA đã chủ trì phối hợp với đơn vị tư vấn giám sát và đơn vị thi công lập biên bản hiện trường. Ngày 17-4-2020, Ban QLDA Đầu tư Xây dựng báo cáo UBND huyện Mê Linh về chủ trương điều chỉnh thiết kế bản vẽ thi công, dự toán Dự án Trường tiểu học Văn Khê B. Trong quá trình làm việc với Phòng Quản lý đô thị, Tài chính kế hoạch, UBND xã Văn Khê về nội dung điều chỉnh, do đây là hợp đồng trọn gói và vị trí san lấp này là sân chơi, kết hợp vườn hoa, không chịu lực của công trình nào bên trên, cho nên không điều chỉnh thiết kế bản vẽ thi công và dự toán công trình.

Ngày 20-6-2020, Ban QLDA đã làm việc với đơn vị tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế, đơn vị thi công và đi đến thống nhất cho phép đơn vị thi công đắp bù lại khối lượng đất không có trong thiết kế tại nơi đã bóc tách hữu cơ bằng loại đất san lấp thích hợp.

Cùng ngày, đơn vị thi công Liên danh Công ty CP Đầu tư xây dựng & Thương mại cơ điện Minh Long, Công ty TNHH Mạnh Quân có Văn bản số 10-2020 về việc xã hội hóa phần khối lượng san lấp phát sinh trong quá trình thi công công trình. Phía đơn vị thi công khẳng định sẽ đắp bù đất đến cao độ bóc theo thiết kế, nhưng theo xác nhận của ông Hiệu trưởng Trường tiểu học Văn Khê B, thay vì vật liệu đất, đơn vị thi công cho đổ rác thải xây dựng xuống đáy ao.

Trong khi đó, ông Nguyễn Tiến Bình - cán bộ Phòng phát triển dự án thuộc Ban QLDA, cũng là người được giao giám sát chất lượng công trình tại dự án này lại cho rằng: Chưa thể khẳng định đơn vị thi công đã san lấp bằng rác thải xây dựng. “Nếu cần thiết sẽ cho đơn vị khoan thăm dò độc lập vào để xác định có bao nhiêu phần trăm là cát đen, bao nhiêu phần trăm là đất khác” - ông Bình nói thêm.

Thiết nghĩ, để làm rõ những khúc mắc trên, UBND huyện Mê Linh cần sớm thành lập đoàn kiểm tra, làm rõ việc “thay lõi” tại hạng mục sân chơi, vườn hoa ở Dự án Trường tiểu học Văn Khê B như dư luận phản ánh. Có như vậy mọi việc mới được minh bạch, xác định có làm đúng theo thiết kế phê duyệt hay không; đồng thời qua thanh kiểm tra mới xác định được đơn vị, cá nhân nào phải chịu trách nhiệm để xảy ra việc “thay lõi” vật liệu như nêu trên!

Bài và ảnh: Doanh Chính