Bộ LĐTBXH cần có những giải pháp đồng bộ để giữ người lao động ở lại với hệ thống BHXH.

Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần theo Nghị quyết số 93/2015/QH13 của Quốc hội vừa được Bộ LĐTBXH phản ánh: Trong giai đoạn 2016-2021, hơn 4,25 triệu lao động tham gia BHXH và hơn 4,05 triệu người rút một lần (tương đương tỷ lệ 1,048 người tham gia mới, thì có 1 người rời khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội). Bình quân mỗi năm gần 700.000 người rút BHXH một lần với số lượng năm sau cao hơn năm trước, tốc độ tăng trung bình 11%. Tình trạng này sẽ khiến Việt Nam không thể thực hiện được mục tiêu BHXH toàn dân và gây ảnh hưởng đến chính sách an sinh xã hội.

Người lao động hưởng BHXH một lần tập trung chủ yếu ở đối tượng đóng BHXH ở khu vực ngoài nhà nước, với gần 2,9 triệu người, chiếm 90,74% tổng số người hưởng BHXH một lần. Theo thống kê, nhóm từ 20 đến 40 tuổi chiếm 77,5% tổng số người rút, trong khi sau độ tuổi 40 chiếm 22,5%.

Lý giải việc ngày càng nhiều người chọn rời bỏ hệ thống an sinh, Bộ LĐTBXH cho rằng, lao động làm việc trong khu công nghiệp có thu nhập thấp, khả năng tích lũy không nhiều. Khi mất việc làm, họ đối mặt với nhu cầu chi tiêu trang trải cuộc sống trước mắt, nên nghĩ ngay tới BHXH một lần. Khi “nước xa không cứu được lửa gần”, người lao động túng thiếu đến nỗi đi vay lãi suất cao, hoặc cầm cố, "bán lúa non" sổ BHXH chỉ bằng 50-60% giá trị thực lĩnh, vậy thì phương án nhận BHXH một lần là phương án tất yếu.

Ngoài ra, một số quy định hiện hành về trợ cấp thất nghiệp chưa bảo đảm quyền thụ hưởng của người lao động khi chẳng may mất việc làm; thiếu sự liên kết, hỗ trợ người lao động từ chính sách bảo hiểm thất nghiệp như: Khống chế thời gian hưởng bảo hiểm thất nghiệp tối đa ở mức 12 tháng; đối với các doanh nghiệp giải thể nhưng còn nợ BHXH, người lao động rất khó khăn để hưởng trợ cấp thất nghiệp, mặc dù rõ ràng họ đang không có việc làm; không được hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động sẽ không được mua BHYT theo quy định, được hỗ trợ tư vấn giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề...

Bên cạnh đó, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn, đặc biệt trong giai đoạn 2020-2021 khi nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi địch bệnh Covid-19. Nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng lớn ngừng hoạt động hoặc sản xuất, kinh doanh cầm chừng dẫn đến tình trạng lao động thiếu việc làm, không có việc, mất việc làm gia tăng; số lao động mất việc làm không có cơ hội tái tham gia thị trường lao động là nguyên nhân làm gia tăng số người hưởng một lần. Chưa kể đến, nhiều lao động do sức khỏe yếu, mất khả năng lao động hoặc tìm được hướng đi mới, tự mình làm chủ, khởi nghiệp để phát triển kinh tế gia đình.

Trong bối cảnh dân số đang già hóa nhanh, dự báo tỷ trọng dân số từ 60 tuổi trở lên đạt 23,3 triệu người (chiếm 20,9% dân số) vào năm 2040, tình trạng rút một lần BHXH gia tăng sẽ khiến độ bao phủ an sinh ngày càng thu hẹp. Tương lai, ngân sách nhà nước phải chi trợ cấp xã hội nhiều hơn cho người già không hưu trí. Vì vậy, để tăng tính hấp dẫn của BHXH đối với người lao động, Bộ LĐTBXH đang đề xuất sửa đổi Luật BHXH năm 2014 theo hướng giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, tiến tới còn 10 năm, nhằm tạo điều kiện cho người lao động tham gia muộn, có thời gian tham gia BHXH ngắn, được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH.

Với người lao động, cần phổ biến, tuyên truyền về chính sách nhân văn của Nhà nước trong việc yêu cầu các doanh nghiệp bắt buộc tham gia đóng BHXH, BHYT, BHTN để giúp người lao động có đời sống ổn định khi hết tuổi lao động.  Đồng thời, việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần sau 1 năm nghỉ việc sẽ ảnh hưởng đến việc tích lũy quá trình đóng góp cần thiết để đủ điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng, giảm cơ hội được hưởng lương hưu khi về già. Không được hưởng lương hưu đồng nghĩa không được hưởng bảo hiểm y tế do quỹ BHXH, điều này sẽ gây thêm khó khăn về kinh tế cho bản thân và gia đình.

Không ai có thể trách hay ngăn cản người lao động rút BHXH một lần, nhất là trong lúc mất việc, thiếu việc, đời sống khó khăn,... Thế nhưng, trên thực tế, việc người lao động rút BHXH một lần chỉ có “lợi trước mắt”, giải quyết đời sống mang tính thời điểm, nhưng lại có “hại lâu dài”, nhất là khi người lao động hết tuổi lao động, nghỉ hưu, không còn khả năng lao động. Chính vì vậy, để giải quyết việc rút BHXH một lần, cần sớm có những giải pháp đồng bộ để giữ chân người lao động ở lại với hệ thống BHXH.

Hồ Thanh Hương