Mấy ngày qua, phim "Đất rừng phương Nam" (nguyên tác Đoàn Giỏi, Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng) ra rạp tạo nên một làn sóng dư luận. Người khen  nhiều, mà người chê cũng không ít. Xin không bàn tới lối diễn xuất, nội dung, gương mặt triển vọng của điện ảnh nước nhà… Điều mà tôi trăn trở là chiếc áo bà ba của Nam Bộ. Người ta phàn nàn khá nhiều về chiếc áo lai căng trong phim, vì nó hoàn toàn không giống với chiếc áo bà ba nguyên bản của bà con phương Nam ở đầu thế kỷ XX.

Thử tìm hiều nguồn gốc về chiếc áo bà ba. Theo học giả Trương Vĩnh Ký (Pétrus Ký), chiếc áo bà ba xuất hiện ở Nam Bộ vào nửa đầu thế kỷ XIX, từ áo của người dân đảo Penang (Malaysia). Áo được cách tân cho phù hợp với văn hóa người Việt. Còn theo nhà văn Sơn Nam trong cuốn "Nghi thức và lễ bái" của người Việt Nam, trang 24: “Áo bà ba được du nhập vào khoảng cuối thế kỷ 19, Bà-ba là người Hoa lai người Mã Lai ở Mã Lai (Malaysia) hoặc Singapore. Vải đen được nhập cảng khá tốt, người Nam Bộ thích mặc kiểu áo vải đen của người Bà-ba nên gọi là áo bà ba. Ngày nay, áo bà ba vẫn có thể gợi sự nghiêm túc nếu đừng loè loẹt, cần nhất là thái độ của người mặc”.

Riêng về tên gọi "bà ba", có nhiều thuyết cho rằng bắt nguồn từ từ ghép “Baba - Nyonya” cũng không phải dùng để chỉ người Bà Ba. Đây là từ dùng để gọi chung cho người Peranakan trong tiếng Malaysia (và cả tiếng Indonesia). “Baba” dùng để chỉ “đàn ông” còn "Nyonya" dùng để gọi “phụ nữ” ở đảo Penang thời Malaysia còn là thuộc địa của Anh quốc. Ở Malaysia, phụ nữ Peranakan có loại áo cánh khá giống với áo bà ba, gọi là kebaya. Ở Indonesia, người Peranakan cũng có loại áo gần giống với áo bà ba, gọi là kebaya encim (encim có nghĩa là “phụ nữ” trong tiếng Indonesia). Có lẽ, trong quá trình giao thương, giao lưu văn hóa với người Peranakan, chiếc áo bà ba đã có mặt tại Nam Bộ và theo thời gian được bà con ưa chuộng cho đến ngày hôm nay.

Về chất vải, do áo bà ba xưa đa phần dành cho tầng lớp nông dân, lao động nên vải may áo thường là các loại vải bình dân rẻ tiền như vải thô, vải ú hoặc các loại vải có tính co giãn, thấm hút mồ hôi tốt. Chỉ những người trong gia đình quyền quý mới dùng lụa hoặc những loại vải đắt tiền hơn.

Vì sao trên những chiếc áo bà ba từ xưa đến nay thường chỉ có 5 cúc áo? Câu chuyện kể rằng: Ngày xưa học trὸ toàn mặc áo bà ba, trên chiếc áo quy định 5 chiếc cúc là tượng trưng cho 5 đức tίnh của con người: Nhân, Nghῖa, Lễ, Trί, Tίn. Mỗi lần thầy giáo gọi, học trὸ lên bảng đầu cúi thấp khoanh tay trước ngực; khi trả lời không được, thầy giáo thường bắt trὸ vân vê 5 chiếc cúc áo và bắt nόi về у́ nghῖa của từng chiếc cúc một. Chiếc cúc áo trên cùng là chữ Nhân (người thiếu chữ Nhân sẽ trở thành kẻ độc ác). Chiếc thứ 2 là chữ Nghῖa (người thiếu chữ Nghῖa sẽ trở thành kẻ bội bạc). Cứ như vậy cho đến chiếc cuối cùng.

Cúc áo bà ba từ lúc ra đời cho đến thế kỷ XX vẫn làm bằng vỏ sò ốc, sừng, gỗ rồi đến kim loại (nút bóp), nhựa... Hoàn toàn không có kiểu cúc áo được thiết kế bằng vải như kiểu áo người Hoa. “Nút quan” - người Trung Quốc gọi là bàn khấu (盘扣), tức loại nút làm bằng những sợi dây thắt nút phức tạp, một yếu tố quan trọng trong trang phục xường xám (còn gọi là sườn xám).

Việc trong phim "Đất rừng phương Nam" (bối cảnh đầu thế kỷ XX) nhưng lại mặc chiếc áo bà ba kiểu "nút quan" là hoàn toàn sai, không phù hợp văn hóa Nam Bộ thời đó. Đồng ý rằng người Hoa có mặt ở Việt Nam từ thế kỷ XVII nhưng người Hoa có kiểu áo riêng, dễ nhận biết. Áo bà bà mộc mạc, dịu dàng nhưng vẫn toát lên vẻ lịch lãm, sang trọng. Áo không kén giới tính hay độ tuổi. Trải qua những thăng trầm, áo bà ba vẫn có chỗ đứng trong xã hội, góp một phần bé mọn vào kho tàng trang phục dân tộc của Việt Nam. Trong hai cuộc kháng chiến, nhiều nữ anh hùng khoác lên mình chiếc áo bà bà dung dị làm cho hào khí Việt Nam thêm phần rữc rỡ: Nguyễn Thị Định, Võ Thị Thắng, Út Tịch, Võ Thị Sáu, Nguyễn Thị Bình... Thậm chí cho đến ngày hôm nay, chiếc áo bà ba vẫn giữ nguyên giá trị, được nhiều phụ nữ Nam Bộ chọn mặc (hoàn toàn không có "nút quan", trừ những chiếc áo cách tân).

Làm phim lịch sử rất khó, đặc biệt là làm lại phiên bản mới. Vì vậy, cần phải tìm hiểu, có cố vấn văn hóa vùng miền để phù hợp với bối cảnh lịch sử. Đừng nghĩ làm phim thời xưa đơn giản, cứ vô tư thêm thắt theo ý mình, hoặc chiều theo thị hiếu số đông, có thể doanh thu tài chính sẽ đạt được như ý; nhưng có những cái mất khó đo đếm được. Chỉ với “cách tân” chiêc áo ba ba cũng đã vô tình góp phần đánh mất bản sắc văn hóa, khiến giới trẻ bị định hướng sai lệch; lâu dần bản sắc văn hóa nước nhà bị mai một, nhạt phai.

Nguyễn Hoàng Duy