Câu chuyện về nhà thờ Hương Phương cũng như hết thảy biết bao tên đất, tên người... được thể hiện trong cuốn hồi ký, tôi chỉ nghe ông kể lại. Khi đó tôi thầm nghĩ, nếu là người trong cuộc, hay được đến thăm thú một vài nơi, găp một số nhân vật,... chắc chắn cuốn sách tôi viết sẽ hấp dẫn hơn và tôi mong có ngày được "thực mục sở thị" điều mình ấn tượng, tâm đắc. Thế rồi mãi tới cuối năm 2013 tôi mới đến được nhà thờ Hương Phương.
Tháng 11-2013, bão lũ lớn gây nhiều thiệt hại cho hai tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh. Theo truyền thống, cả nước lại hướng về miền Trung. Quyên góp được một ít tiền, gạo, sách vở, áo quần..., đoàn cán bộ, nhân viên Nhà xuất bản QĐND chúng tôi đưa vào trực tiếp ủng hộ đồng bào bị bão lụt ở huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) và huyện Quảng Trạch (Quảng Bình). Vào Quảng Trạch, chúng tôi được các đồng chí lãnh đạo huyện giới thiệu xuống xã Quảng Thạch, cách thị trấn Ba Đồn hơn hai chục cây số. Quảng Thạch nằm sâu trong vùng núi phía tây; có lẽ gần núi đá nên các cụ ta xưa đặt tên là Quảng Thạch? Dọc đường xuống huyện, cảnh tượng bão gió tàn phá làng xóm thật đau lòng, khó mà phân tâm vì một chuyện gì khác. Thế nhưng, như linh tính mách bảo, xe qua xã Quảng Phương, trong cảnh cây cối đổ nát, tôi bỗng nhìn thấy cạnh đường phía tay trái là nhà thờ Hương Phương, tuy không lớn lắm, nhưng rất cổ kính. Xe tới đầu xã Quảng Thạch, một bất ngờ nữa - đầu xe chúng tôi là chiếc cổng hoành tráng, bên trên có bốn chữ rất lớn "Chiến khu Trung Thuần ". Như vớ được vàng, như gặp cố nhân, sau khi tổ chức tặng quà ủng hộ bà con xong, quay ra, tôi cho xe dừng lại trước cổng vào chiến khu và nhà thờ, rồi bấm máy gọi điện cho bác Nguyên:
-Thưa bác..., cháu vừa vào chiến khu Trung Thuần, giờ đang ở gần nhà thờ Hương Phương...
- Chú vào đó mần chi? Bão Hải Yến sắp đổ bộ vô đó rồi, chú vô đó đón bão à? - bác Nguyên hỏi.
- Dạ, chúng cháu quyên góp được một ít tiền, ít gạo vào ủng hộ bà con...
- Quý hóa quá, cảm ơn các chú, các cô, nhưng xong việc thì về ngay, nhanh mới tránh được bão; tôi lo hai cơn bão liên tiếp đổ vào đó, không biết bà con mình có trụ nổi không?...
Đứng trước nhà thờ Hương Phương, câu chuyện ngày trước bác Nguyên kể hiện về trong tôi vô cùng sống động.
Bác Đồng Sĩ Nguyên tên khai sinh là Nguyễn Hữu Vũ, người xã Quảng Trung, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Thời hoạt động cách mạng trước tháng 8-1945, do yêu cầu giữ bí mật, bác phải đổi tên thành Nguyễn Văn Đồng, sau nữa là Đồng Sĩ Nguyên. Năm 1947, mới 24 tuổi, bác Nguyên đã là Bí thư huyện ủy Quảng Trạch, một huyện đi đầu của Quảng Bình về phong trào kháng chiến chống Pháp, xây dựng được làng kháng chiến Cảnh Dương và chiến khu Trung Thuần rất vững chắc. Nhưng vào thời điểm đó, trên đường vào chiến khu có nhà thờ Hương Phương ở xã Quảng Phương là nơi kẻ địch lôi kéo được một số phần tử phản động, cuồng tín, chuyên khủng bố đồng bào, bắt cóc sát hại cán bộ, du kích. Địch còn lợi dụng tháp chuông nhà thờ làm đài quan sát hoạt động của ta ở đây. Huyện đã ba lần cử cán bộ vào gặp cha cố thuyết phục, đề nghị dừng các hoạt động chống phá cách mạng, tập trung lo việc đạo, việc đời, nhưng vị linh mục này không những cự tuyệt mọi đề nghị của chính quyền mà còn chống phá mạnh hơn, cho hương dũng bắt ba cán bộ xã, bắn chết một cán bộ huyện... Tình thế đó buộc lãnh đạo huyện phải giải quyết nhanh vụ việc Hương Phương, mặc dù biết đây là vấn đề hết sức phức tạp, nếu giải quyết không khéo, kẻ địch sẽ lợi dụng tuyên truyền chia rẽ lương - giáo, kích động những phần tử cuồng tín chống phá cách mạng. Sau khi bàn thảo kỹ, Huyện ủy quyết định cho một trung đội bội đội huyện cùng với cán bộ tuyên truyền tiếp cận nhà thờ Hương Phương, dùng loa tay nói rõ chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta để bà con giáo dân hiểu, tránh bị địch lợi dụng.
Chủ trương, kế hoạch là vậy, nhưng thực tế không diễn ra như mong muốn. Khi bộ đội vừa tới đầu làng, mới phát loa nói được mấy tiếng thì chuông nhà thờ rung lên, hương dũng kéo theo một số người dân xông ra; bất chấp phải trái, bất kể là người thân quen, đám hương dũng xả đạn vào bộ đội. Buộc lòng anh em phải nổ súng cản địch, để rút. Cuộc đụng độ chỉ xảy ra trong khoảnh khắc, mỗi bên bị thương một vài người.
Sau khi sự việc đáng tiếc xảy ra, Huyện ủy đã kịp thời báo cáo Tỉnh ủy. Tiếp đó, theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, bác Nguyên đã ra Vinh (Nghệ An) trực tiếp báo cáo vụ việc với đồng chí Hoàng Quốc Việt - Bí thư Khu ủy Khu 4. Theo bác Nguyên kể lại, đồng chí Bí thư Khu ủy đón nghe câu chuyện rất bình tĩnh, rồi kết luận: Một vài nơi khác cũng xảy ra một số vụ việc tương tự. Sự kiện Hương Phương không lớn, không có gì trầm trọng, nhưng là bài học về xây dựng khối đoàn kết lương - giáo, về tuyên truyền đấu tranh với kẻ địch, cần kiểm điểm, rút kinh nghiệm...
Sự kiện nhà thờ Hương Phương ở Quảng Trạch trong ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp chỉ có vậy. Về sau, một vài cán bộ trong tỉnh không biết vì nguyên do nào đó đã tung tin là bác Nguyên bị tòa án binh xét xử, tuyên phạt tử hình. Nhưng khi được báo cáo vụ việc, Bác Hồ đã bí mật xóa án, đổi tên Nguyễn Văn Đồng thành Đồng Sĩ Nguyên, rồi để dẹp yên dư luận đã chuyển bác Nguyên sang công tác ở địa bàn khác. Cũng theo bác Nguyên, sự việc được người ta thêm "dấm ớt" rất mùi mẫm, nghe như thật, nên rất nhiều người đã hỏi bác về câu chuyên này; thậm chí gần đây, một tờ báo tết đã đăng lại câu chuyện với nhiều tình tiết rất ly kỳ, buộc bác Nguyên phải lên tiếng và tôi là "sứ giả" của bác tới làm việc với tòa soạn. Bác còn dặn tôi: "Nếu có điều kiện, qua thông tin đại chúng, chú giúp tôi làm rõ chuyện này, bởi lẽ không đơn thuần là chuyện của tôi. Ở đời nếu một ai trong chúng ta được Bác Hồ nâng đỡ, đặt tên thì có hạnh phúc nào bằng, nhưng chuyện của tôi không phải thế. Vấn đề hệ trọng, không chấp nhận được là người ta đã nói và viết những điều Bác Hồ không làm. Sự kiện Hương Phương không có gì trầm trọng, nếu sự kiện đó làm tổn hại đến chủ trương đoàn kết lương - giáo của Đảng, chắc hẳn Bác Hồ không bao che mà trái lại còn xử rất nặng, vì Bác của chúng ta thưởng phạt rất công minh...".
Vâng thưa bác Đồng Sĩ Nguyên, thưa bạn đọc, nhắc lại một giai thoại để nghĩ về sự thật lịch sử phải được tôn trọng, về Bác Hồ muôn vàn kính yêu của chúng ta thưởng phạt rất công minh cũng là điều không cũ.
D.T