Một nơi kỷ niệm, khắp nơi tìm về

Giấy mời ghi 9 giờ khai mạc, nhưng mới 7 giờ, sân trụ sở UBND xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội đã bắt đầu nhộn nhịp. Hàng chục, rồi hàng trăm CCB trang phục quần vải chéo, áo blu-dông màu cỏ úa, quân hàm, quân hiệu như thời tại ngũ, trên ngực rực rỡ dải lụa in chữ vàng tươi “Sư đoàn 471 anh hùng”. Đại tá Nguyễn Thuận Quảng, nguyên Phó sư đoàn trưởng - Tham mưu trưởng; các đồng chí Đại tá Đỗ Thiết Kế, Trung tá Mai Xuân Ngọ... dù tuổi đã cao nhưng vẫn tràn đầy sức sống cùng các CCB tay bắt mặt mừng.

Tôi hỏi anh Đào Văn Quang, Trưởng ban liên lạc (BLL) CCB Sư đoàn 471 khu vực Gia Lâm - Long Biên: “Nhập ngũ ngày 22-11, sao năm nay lại kỷ niệm trước hơn 1 tháng. Khu vực Hà Nội mà sao có cả CCB ở Tây Nguyên?”. Anh Quang trả lời: “Đã thành lệ. Một nơi tổ chức kỷ niệm, BLL ở các nơi cùng về dự. Tuổi thanh xuân hiến dâng cho Tổ quốc, rời quân ngũ gặp muôn vàn khó khăn. Đất nước đổi mới, có cơm no, áo ấm, tìm về thời thanh xuân ở Trường Sơn ấy. Bởi vậy, việc kỷ niệm phải sắp xếp sao cho không trùng nhau để các nơi về dự được. Nhiều năm rồi, cuộc gặp mặt nào cũng đông vui”.

Hôm nay, anh Đinh Quang Đá từ Tây Nguyên ra. Anh Quý, anh Chí cùng các đồng ngũ từ vùng Đông Bắc sang. Chị Hà dẫn đầu 4 đại biểu của TP Hồ Chí Minh. Anh Cường, anh Dũng đưa 40 người từ Nam Định về… Rồi CCB ở Hải Phòng, Thái Bình, Phú Thọ, Bắc Giang… tới. Đặc biệt, 47 chị ở Ninh Bình (vào sư đoàn năm ấy làm nhiệm vụ trồng rừng ở vùng Tây Nam Tổ quốc) do chị Tính, chị Hương dẫn đầu cũng đã có mặt đông đủ… Một tốp đội mũ tai bèo, lưng đeo lá ngụy trang từ cổng tiến vào, như trập trùng trên dải Trường Sơn. Đó là đội văn nghệ thuộc BLL CCB Sư đoàn 471 TP Hải Phòng… Còn anh Đức “rám”, rám má bẩm sinh, ở Bắc Giang xuống đang mô phỏng hình ảnh phi xe máy: “Đời chúng ta, đâu có giặc là ta cứ đi/ Hoà bình rồi, tìm đồng đội là ta cứ đi”. Đức “rám” được mệnh danh là “Cánh chim báo tin vui”. Từ năm 1993 anh đã đi khắp đất nước chắp nối đồng đội để thành lập BLL…

CCB Phạm Thành Long, nguyên cán bộ chính trị Sư đoàn 471 cho biết: BLL CCB Sư đoàn 471 khu vực Long Biên-Gia Lâm đã góp phần khích lệ BLL Sư đoàn duy trì hoạt động trong toàn quốc suốt 18 năm qua, nghiên cứu, biên soạn, tóm tắt lịch sử, lập danh sách, phát bằng chứng nhận và kỷ niệm chương “Sư đoàn 471 anh hùng” cho hơn 6.000 CCB..

Ký ức hào hùng, hiện tại thành đạt

Tháng 11-1977, hơn 600 thanh niên thuộc huyện Gia Lâm (nay tách thành quận Long Biên và huyện Gia Lâm) vượt gần 2.000 km vào bảo vệ biên giới Tây Nam. 35 năm đã qua mà sao như mới hôm nào.

Tiếng loa báo đến giờ tập trung. Mấy đồng đội khẩn trương giúp một cựu binh cụt bàn tay phải, cài bông hồng lên ngực áo. Hỏi ra, người thương binh ấy là anh Trường, quê Yên Hà (Gia Lâm) bị vướng mìn địch khi đang làm hàng rào biên giới ở Đắc Lắc tháng 3-1978. Sau lễ dâng hương đài liệt sĩ Ninh Hiệp, hơn 600 CCB cùng hát vang Bài ca Trường Sơn. Âm vang “Nhớ từng cung đường thấm máu đào đồng đội/ Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh hành trình huyền thoại/ Đã viết nên bao trang sử anh hùng…” bay bay trên những mũ cối, dép râu, lá ngụy trang, mũ tai bèo. Có giọt lệ lăn trên những khuôn mặt từng trải…

Anh Đinh Quốc Dân phụ trách chương trình văn nghệ khoe: “Có 4 cháu là hạt nhân xung kích của Ninh Hiệp tham gia. Còn lại mấy chục “ông, bà” đều là chiến sĩ tuyên văn 471 ở Trường Sơn năm xưa đấy”. Trung tá Đào Hữu Thi “đánh” liền hai bài nổi tiếng: “Huyền thoại Trường Sơn” và “Tình em gửi trọn con đường”. Giọng ông khoẻ và vang, như có âm hưởng của gió rừng. Một CCB giọng oang oang giữa hơn chục người xúm quanh. Hoá ra là anh Bản ở Giao Thuỷ , Nam Định, với 2 ha đầm nuôi ngao, hằng năm thu lãi từ 70 đến 80 triệu đồng. Anh Bản đang phổ biến cho các “chiến hữu” về kỹ thuật phòng bệnh cho ngao giống. Ở một góc sân, anh Đáng ở Xuân Trường, Nam Định, cầm viên gạch non vẽ sơ đồ máy tuốt lúa, làm dẫn chứng để giúp đồng ngũ hiểu cách tăng công suất một số loại máy nông nghiệp mà cơ sở của anh đang sản xuất, đáp ứng nhu cầu của vùng lúa quê hương. Trên hành lang tầng 2, anh Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Xí nghiệp giấy “Hợp Tiến”; anh Doãn Dũng, chủ nhà hàng Lã Vọng nổi tiếng TP Nam Định cùng một số anh em đang trao đổi kinh nghiệm về quản lý SXKD…

Chị Nguyễn Minh Hà, Giám đốc Công ty TNHH du lịch và dịch vụ Hàng Hải - Hải Phòng, đi tới đâu cũng tìm đồng đội cũ để thăm hỏi, động viên, chia sẻ. Ông Quý ở Hải Phòng “đi lên từ đầm sình lầy”, chủ doanh nghiệp thuỷ sản, nuôi dưỡng, tạo việc làm, giúp hàng chục trẻ em cơ nhỡ nên người… Năm 2011, BLL Sư đoàn 471 TP Hải Phòng tổ chức gặp mặt. Đoàn Nho Quan ra dự có chị Huyên đang bị ung thư. Ngay trong buổi gặp mặt ấy, đồng đội đã quyên góp 30 triệu đồng giúp chị chữa bệnh… Chứng kiến điều này, Đại tá Nguyễn Văn Lạn, nguyên Sư đoàn trưởng đầu tiên của Sư đoàn 471 rưng rưng cảm động: Gặp nhau đây các CCB Sư đoàn 471 đã thỏa long mong ước. Tình đồng đội CCB tiếp thêm ý chí, nghị lực để chúng ta sống vui, sống khỏe, sống có ích cho đời”.

Bài và ảnh: Phạm Xưởng