Đã nhiều năm qua, danh tiếng của Công ty TNHH MTV Bao bì 277 Hà Nội và Tổng giám đốc Lê Hồng Quang (ảnh) đã vang xa, không chỉ họ đều là những CCB, thương binh đã từng trải qua một thời trận mạc mà còn vì “con thuyền” ấy đang băng băng rẽ sóng về đích trên “đại dương” thương trường mênh mông luôn dậy sóng của ngày hôm nay.
Vừa qua, chúng tôi đã có dịp đến thăm khu sản xuất của Công ty bao bì 277 Hà Nội tại Khu công nghiệp Cổ Bi (Gia Lâm, Hà Nội). Mưa xuân như giăng màn không che nổi không khí sản xuất tấp nập nơi đây. Tiếng máy chạy rì rào, những chuyến xe vào ra trả hàng, lấy hàng tấp nập tại phân xưởng bao bì xuất khẩu I, phân xưởng bao bì vải không dệt, phân xưởng may, phân xưởng bao bì nội địa 1 và 2… Làm việc với chúng tôi, anh Lê Hồng Quang, thương binh 2/4, Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc Công ty; anh Mai Hồng Điệp, Phó bí thư Đảng ủy, Trưởng phòng Tổ chức, Chủ tịch Hội CCB Công ty Bao bì 277 Hà Nội cho biết, Công ty Bao bì 277 vốn là Xí nghiệp thương binh Ba Đình được TP Hà Nội thành lập sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước với nhiệm vụ tiếp nhận các thương bệnh binh Thủ đô để đào tạo nghề, sắp xếp việc làm… Biết bao thăng trầm, biết bao cố gắng và phấn đấu, nhưng trên thực tế, hào quang của những chiến công không che nổi thực tế trong nhiều năm liền, khu sản xuất chật hẹp, tài sản của công ty chỉ hơn trăm triệu đồng, mấy chục chiếc máy đều cũ, lạc hậu để sản xuất dây chun và chỉ khâu, sản phẩm có chất lượng kém, tiêu thụ khó khăn, thiếu việc làm, công nhân phải nghỉ việc dài ngày, đời sống anh em ngày càng khó khăn…
Bước chuyển mình quyết định với Công ty 277 được tính từ năm 1990, khi Ban giám đốc công ty mạnh dạn chuyển hướng từ mặt hàng dây chun, chỉ khâu sang sản xuất bao bì-mặt hàng đầy tiềm năng khi xã hội phát triển. Cái nhìn ấy được bắt đầu từ tân Tổng giám đốc Lê Hồng Quang sau nhiều ngày lăn lộn đi tìm hiểu thị trường. Anh Quang nhớ lại, những tháng ngày ấy vất vả lắm, các anh trong Ban giám đốc chạy ngược chạy xuôi tín chấp vay nợ để có vốn mua dây chuyền sản xuất hiện đại từ Nhật Bản và Đài Loan, cử cán bộ ra nước ngoài học tập, cải tạo nhà xưởng từ hai phân xưởng dây chun và chỉ khâu thành 4 xí nghiệp bao bì các tông, bao bì nhựa, bao bì xuất khẩu và may. Được TP quan tâm, các anh chuyển khu sản xuất sang Khu công nghiệp Cổ Bi với diện tích rộng hơn 60.000m2. Công việc thật vất vả, khi hầu hết các anh đều là thương binh các loại, nhất là Tổng giám đốc Lê Hồng Quang với một chiếc chân phải còn lại. Bắt nhịp được cùng thị trường, nhìn những đoàn xe đến lấy hết hàng chuyển đi các nơi tiêu thụ mà Giám đốc Lê Hồng Quang và các anh em trong công ty mừng rơi nước mắt; chỉ sau hai năm, các anh đã trả hết nợ và bắt đầu tích lũy. Tín nhiệm, TP giao cho các anh tiếp quản Xí nghiệp may 875 của thương binh huyện Gia Lâm đang trên đà giải thể. Không dừng ở kết quả đạt được, công ty tiếp tục nhập và đưa vào sử dụng dây chuyền làm bao bì cao cấp màng phức hợp, hiện đại, công suất 20 triệu m2/năm, cùng với đó là sáng tạo nhiều loại mẫu mã mới, bắt mắt; áp dụng tiêu chuẩn ISO, từ đó các sản phẩm mang nhãn hiệu “Hapack 27-7 Hanoi” chất lượng cao, giá rẻ đã chinh phục và thâm nhập vào thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản… “Đời không chỉ có hoa hồng”, bài học “ba công” (ba công te nơ hàng xuất sang Đức bị trả lại từ thời kỳ đầu tham gia xuất khẩu do lỗi vệ sinh công nghiệp kiểm tra ngẫu nhiên) đã giúp các anh luôn chú trọng đảm bảo tuyệt đối chất lượng không chỉ cho sản phẩm xuất khẩu mà cả các sản phẩm tiêu thụ nội địa. Đến thăm phân xưởng bao bì cao cấp và phân xưởng may, được sờ tận tay, được xem từng sản phẩm thật tinh tế tôi mới tin là thật. Anh Đỗ Văn Bắc, thương binh 2/4, tổ trưởng sản xuất phân xưởng bao bì cao cấp cho biết, trong sản xuất, các anh luôn nhắc nhau không lợi dụng danh nghĩa thương binh để làm ra sản phẩm hạng hai, “Không lấy mác thương binh để dán lên sản phẩm”. Từ đó đến nay các sản phẩm của công ty luôn đảm bảo tốt về chất lượng, được khách hàng tin tưởng, đánh giá cao. Chất lượng ấy đã tạo nên tiếng thơm, tạo nên sự phát triển vượt bậc của Công ty Bao bì 277 Hà Nội.
Những con số “biết nói” trong hơn 10 năm qua làm nhiều người ngỡ ngàng khi số lao động của công ty đã tăng lên 950 người, doanh thu tăng 859%, lợi nhuận tăng 939%, nộp ngân sách tăng 558%, đời sống cán bộ, công nhân viên không ngừng được cải thiện, từ thu nhập bình quân 800.000 đồng/người/tháng nay đã là 4,5 triệu đồng/người/tháng; tất cả đều được đóng BHXH, BHYT, các chế độ phúc lợi chung khác, đặc biệt, có 95% thương binh và cán bộ chủ chốt được cấp nhà ở, đất ở. Một sự đổi đời cho các CCB và gia đình. Nội bộ đoàn kết, không một lần xảy ra khiếu kiện. Hàng loạt cá nhân tiêu biểu xuất hiện, trong đó có nhiều hội viên CCB như các anh Lê Tiến Hòa, thương binh 3/4, Trưởng phòng bảo vệ; anh Đặng Chí Thành, thương binh 3/4, Trưởng phòng Hành chính quản trị; anh Tạ Xuân Long… và nhiều người khác, xứng danh với truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”. Các tổ chức như Đảng bộ, Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ và đặc biệt là Hội CCB công ty với 550 hội viên luôn là những đơn vị điển hình của huyện Gia Lâm cũng như của TP. “Con tàu” Công ty Bao bì 277 Hà Nội do “thuyền trưởng” Lê Hồng Quang cầm lái vững vàng lao đi giữa “đại dương” thương trường đầy sóng gió và bão tố. Không chỉ vậy, từ công sức lao động của mình, các cán bộ, công nhân viên Công ty đã quyên góp được hàng tỷ đồng ủng hộ đồng bào bị thiên tai, nạn nhân da cam, nuôi dưỡng Bà mẹ VNAH, con liệt sĩ, xây nhiều nhà tình nghĩa tại các tỉnh, TP Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Trị… Tập thể Công ty TNHH MTV bao bì 277 Hà Nội đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng quý giá, trong đó có danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới năm 1997. Vinh dự không kém là năm 2010-năm kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội, Tổng giám đốc Lê Hồng Quang là người duy nhất của Thủ đô được Đảng, Nhà nước phong danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Vậy là, tập thể Anh hùng, lãnh đạo cũng là Anh hùng, tất cả đều là những người thương binh đã trải qua một thời trận mạc. Một thời đổ máu giữ nước và một thời đổ mồ hôi lao động xây dựng đất nước đều đang có các anh. Không chỉ lo cho đơn vị mình, hiện Tổng giám đốc Lê Hồng Quang còn đảm đương chức danh Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội doanh nhân CCB Việt Nam, đang cùng làm, cùng lo chuyện xây dựng Hiệp hội lớn mạnh, giữ vững bản chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng đất nước ngày càng mạnh giàu. Những người lính cựu là vậy, anh hùng lắm, nghĩa tình lắm.
Những chuyến xe vẫn tấp nập vào ra ăn hàng. Tiếng máy chạy rì rào. Mưa xuân và gió lạnh nhưng ai cũng thấy ấm nghĩa, ấm tình.
LDC