Thống kê từ Sở GTVT cho hay, năm 2013, toàn TP đã triển khai 16 công trình giao thông trọng điểm và 12 công trình từ năm 2012 chuyển qua. Trong đó vốn ODA là 6 và vốn ngân sách cũng là 6 công trình. Tổng vốn 17.000 tỷ đồng mà thành phố dành cho vốn xây dựng cơ bản thì vốn dành cho giao thông chỉ chiếm khoảng 40%. Vì thế vốn cho các công trình giao thông trọng điểm cả ODA và ngoài ngân sách mà TP đang cần là khoảng 14.000 tỷ đồng. Tuy vậy, bằng các giải pháp và kế hoạch hợp lý, lựa chọn những dự án giao thông cấp bách mang tính trọng điểm đã được ưu tiên làm trước và cho tới thời điểm hiện nay nhiều công trình đã hoàn thành và vượt kế hoạch đề ra. Trước hết là xa lộ Hà Nội đã được nâng cấp mở rộng 12 làn xe, cầu Rạch Chiếc mở rộng nằm trên xa lộ, đường vành đai phía Đông từ Cầu Phú Mỹ (quận 7) đến cầu Rạch Chiếc (xa lộ Hà Nội quận 9). Đến các công trình trọng điểm nút giao thông quốc lộ 1A tới tỉnh lộ 10B và tỉnh lộ 10 vừa được đưa vào khai thác. Tại khu vực nội thành là việc khánh thành cầu Sài Gòn 2 nối quận 2 và quận Bình Thạnh sau 18 tháng thi công vượt kế hoạch 3 tháng với chiều dài 1.450m rộng 23,5m có 6 làn xe với tổng kinh phí 1.500 tỷ đồng. Tiếp đến là việc hoàn thành 4 cây cầu vượt bằng thép tại các giao lộ, vòng xoay thường hay bị ùn tắc thường xuyên cũng đã hoàn thành đưa vào sử dụng là: cầu vượt Lăng Cha Cả, cầu vượt Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình), cầu vượt Nguyễn Tri Phương (quận 10) và cầu vượt vòng xoay Cây gõ (quận 6 và quận 11). Đặc biệt là tuyến đường vành đai ngoài Tân Sơn Nhất-Bình Lợi (từ nút giao thông Nguyễn Thái Sơn) đến cầu Bình Triệu đã hoàn thành 5km với 12 làn xe đã đưa vào sử dụng. Đoạn còn lại nối cầu Bình Lợi tới quốc lộ 13 cũng đã triển khai được 30% công trình.
Cắt băng khánh thành giai đoạn 1 công trình ,Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân cho biết: Đây được coi là một trong những tuyến đường huyết mạch sau khi đã hoàn thành toàn tuyến sẽ tạo nên kết nối trọng tâm với các đô thị vệ tinh xung quanh cũng như các tỉnh liền kề là Đồng Nai, Bình Dương và 1 số tỉnh miền Đông Nam Bộ.
Phải thừa nhận rằng việc hoàn thành và sớm đưa vào sử dụng các công trình trọng điểm giao thông tại TP đã thực sự phát huy hiệu quả KTXH. Điều mà người dân quan tâm và phấn khởi nhất là giảm thiểu các vụ ùn tắc giao thông nhât là vào các giờ cao điểm. Nhận xét từ Ban An toàn giao thông TP cho thấy: Các công trình trọng điểm về giao thông từ sau ngày 30-4 khi đưa vào sử dụng đến nay thì các vụ ùn tắc kéo dài trên 3 phút ở các vòng xoay, giao lộ đã giảm gần như tuyệt đối, nhất là khi các cầu vượt bằng thép được đưa vào sử dụng như ở ngã tư Thủ Đức, ngã tư Hàng Xanh, cầu vượt Lăng Cha Cả, Hoàng Hoa Thám, cây Gõ… Hiện Sở GTVT đang triển khai xây mới 4 cây cầu huyết mạch nối các quận trung tâm là cầu Cầu Kiệu, Cầu Bông, Cầu Hậu Giang và cầu Lê Văn Sỹ. TP đã và đang triển khai kế hoạch phối hợp với Bộ GTVT để di dời Cảng Ba Son, Cảng Sài Gòn để từng bước tạo lập bộ mặt đô thị cho TP đẹp hơn, thông thoáng hơn…
Theo kế hoạch, năm 2014, TP sẽ triển khai 42 dự án đầu tư hạ tầng theo hình thức BOT; BTO; BT với tổng vốn khoảng 147.355 tỷ đồng và 5 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) là 13.000 tỷ đồng. mặc khác thành phố đang phối hợp với Bộ GTVT đẩy nhanh các ự án phát triển vận tải hành khách công cộng có khối lượng lớn. Hệ thống đường sắt đô thị, tàu điện ngầm, xe buýt có sức chở lớn… Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín cho biết: TP phấn đấu đến 2020 sẽ hoàn tất các tuyến vành đai 2, 3, 4 và các trục hướng tâm, xuyên tâm quan trọng để giải quyết tốt việc lưu thông trong toàn TP nhằm thúc đẩy phát triển KTXH TP lên tầm cao mới.
Quang Ngọc