Trong lúc Covid-19 hoành hành, luôn có những nhà lãnh đạo, những người dân hết mình giúp mọi người vượt qua khó khăn, hoạn nạn. Thế nhưng, Covid-19 cũng là thời cơ để những kẻ tham nhũng tận dụng vơ vét cho đầy túi. Đã có nhiều lãnh đạo phải đi tù vì tham nhũng ấy nhưng Covid-19 thì còn có vắc-xin chứ tham nhũng thì xem ra chưa có thuốc đặc trị.

Mới đây nhất, ngày 28-7, Tòa án xét xử tham nhũng Jakarta (Indonesia) đã tuyên án 11 năm tù giam và buộc nộp phạt 500 triệu rupiah (33.500 USD) đối với cựu Bộ trưởng Xã hội Juliari Peter Batubara với tội danh nhận hối lộ. Ngoài ra, ông Juliari cũng được yêu cầu nộp lại 14,5 tỷ rupiah để khắc phục hậu quả. Nếu không nộp khoản tiền phạt này trong vòng 1 tháng, bị cáo sẽ bị tịch thu tài sản để đem ra bán đấu giá. Nếu tài sản bán đấu giá không đủ để bồi thường, bị cáo sẽ bị kết án thêm 2 năm tù giam. Tòa án cũng cấm bị cáo tham gia ứng cử trong vòng 4 năm sau khi ra tù.

Vì sao nên nỗi? Cáo trạng viết ông Juliari đã nhận “lại quả” 32,4 tỷ rupiah từ 2 công ty cung ứng hàng cứu trợ dành cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Cụ thể, ông Juliari bị cáo buộc đã ra lệnh cho cấp dưới thu 10.000 rupiah trên mỗi gói hỗ trợ lương thực của người dân.

Ông Batubara là thành viên thứ hai trong nội các của Tổng thống Joko Widodo vướng vòng lao lý vì tham nhũng. Mới giữa tháng 7, cựu Bộ trưởng Biển và Nghề cá Indonesia - Edhy Prabowo cũng bị Tòa án chống tham nhũng Jakarta kết án 5 năm tù giam và buộc phải nộp phạt 400 triệu rupiah (27.624 USD) với tội danh nhận hối lộ. Ngoài mức án nói trên, ông Edhy còn bị buộc phải bồi thường 9,6 tỷ rupiah và 77.000 USD. Theo cáo trạng, chính trị gia thuộc đảng Phong trào Indonesia Vĩ đại (Gerindra) bị buộc tội đã nhận hối lộ 77.000 USD và 24,62 tỷ rupiah để cấp phép nuôi tôm hùm và giấy phép xuất khẩu tôm hùm giống.

Indonesia nổi tiếng với nhiều vụ tham nhũng lớn bị đưa ra ánh sáng. Án phạt cho các hành vi tham nhũng của các quan chức cũng rất cao. Thế nhưng, kể cả khi đất nước khó khăn vì đại dịch Covid-19, virus tham nhũng cũng có rất nhiều biến thể mà nhà tù chưa phải là liều thuốc đặc trị ở quốc gia vạn đảo này.

Nam Long