Ông Ngô Văn Giá là Phó giáo sư, Tiến sĩ, nguyên Trưởng khoa Viết văn -Báo chí thuộc Trường đại học Văn hóa, đồng thời cũng là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Vừa rồi, Báo Văn Nghệ (bộ mới, ngày 3-7-2021) đăng bài thơ “Mùa thi đỏ lửa” của ông. Ngay lập tức, giới văn nghệ sĩ nảy ra một cuộc tranh luận cho rằng, ông Ngô Văn Giá đạo thơ của Trần Tiến. Xin trích một đoạn mở đầu bài thơ của Ngô Văn Giá: “Ở Quảng Trị cái gì cũng thiếu/ Chỉ có gió Lào cát trắng thừa thôi/ Ở Quảng Trị cái gì cũng héo/ Chỉ có phượng hồng và hoa giấy thắm tươi/ Ở Quảng Trị tất thảy đều hiền lắm, Chỉ có quốc lộ là hung dữ nhất thôi...”. Trước đó 20 năm, nhạc sĩ Trần Tiến viết ca khúc “Ngẫu hứng phố”, cũng mở đầu như sau: “Ở Hà Nội cái gì cũng rẻ/ Chỉ có đắt nhất bạn bè thôi/ Hà Nội cái gì cũng rẻ/ Chỉ có đắt nhất tình người thôi/ Hà Nội cái gì cũng buồn/ Buồn thương đến thế mùa thu ơi…”.

Nhưng gác lại chuyện ông Ngô Văn Giá có đạo văn hay không, ở bài “Mùa thi đỏ lửa” của ông, tôi giật mình khi đọc đến đoạn: “Ở Quảng Trị cái gì cũng ít/ Chỉ có mộ người chi chít mà thôi/ Qua cuộc chiến lính hai bên bỏ mạng/ Hương khói đêm đêm cháy đỏ mặt người...”. Tưởng nhìn nhầm, hay Báo Văn Nghệ in sai? Tôi đã phải kiểm tra, xác thực qua nhiều nguồn thì biết, ông Ngô Văn Giá đã viết như thế. Tôi lại cẩn thận giở cuốn Đại từ điển Tiếng Việt của Nguyễn Như Ý, do NXB Văn hóa - Thông tin phát hành năm 1999, tại trang 174, giải nghĩa từ “bỏ mạng” “là động từ: Mất mạng, bị chết (ý dè bỉu)”. Tra thêm nhiều từ điển uy tín khác, kể cả từ điển điện tử, đều chung một nghĩa là từ nói về cái chết một cách mỉa mai, khinh bỉ.

Như thế, thái độ của Ngô Văn Giá qua câu thơ “Qua cuộc chiến lính hai bên bỏ mạng” đã quá rõ ràng. Câu thơ lạnh lùng, tàn nhẫn, vô cảm, phản cảm cứ như thể Ngô Văn Giá là người ở hành tinh khác vậy. Đánh đồng sự hy sinh của các chiến sĩ Quân giải phóng miền Nam Việt Nam với cái chết của  quân xâm lược và tay sai, đã là một sự bất kính rợn người. Lại gọi sự hy sinh của Bộ đội Cụ Hồ bằng thái độ dè bỉu, mỉa mai là một sự xúc phạm lớn đến các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do và thống nhất nước nhà.

Nhà phê bình văn học Chu Giang, trên Tạp chí Văn nghệ T.P Hồ Chí Minh đã đăng bài viết “Thơ Văn Giá và cái giá của thơ”. Ông không đả động đến những câu thơ bất kính của Ngô Văn Giá, chỉ ý nhị nhắc về Quảng Trị qua câu chuyện của CCB Lê Bá Dương. Lê Bá Dương là chiến sĩ của Trung đoàn 27, một người lính đã trải qua 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972. Ngày 27-7-1987, trong một lần trở lại Quảng Trị thắp hương cho đồng đội, Lê Bá Dương đã ra chợ mua tất cả hoa ở một cửa hàng. Sau đó, anh thuê một chuyến đò chở đến những điểm mà đồng đội anh ngã xuống, rải hoa lên mặt sông. Khi xong việc, anh xin trả tiền đò, người chở đò là một bà mẹ, cụ sụp xuống lạy anh và nói: “Mi mằn rứa thì mệ sao dám lấy tiền”. Lê Bá Dương còn nổi tiếng với bài thơ “Lời người bên sông”: “Đò lên Thạch Hãn ơi... chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm”.

Khi chiến dịch bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 đầy bi tráng diễn ra thì Ngô Văn Giá mới 13 tuổi (Ngô Văn Giá sinh ngày 7-5-1959). Tức là, ông trưởng thành trong điều kiện nước nhà đã có độc lập, thống nhất; ông được học hành trong môi trường hòa bình, nhờ đó mà ông “được ăn học tử tế”, trở thành PGS, TS, Trưởng khoa - Viết văn - Báo chí. Theo dõi ông trả lời phỏng vấn báo chí, thấy ông nói nhiều về đạo lý làm người, về bản sắc văn hóa Việt Nam.

Tôi không hiểu là trong đạo lý làm người thì “Uống nước nhớ nguồn” có phải là một điều căn cốt hay không?

Tôi không hiểu, bản sắc văn hóa Việt Nam thì chủ nghĩa yêu nước giữ vị trí nào, có vai trò gì?

Bai thơ “Mùa thi đỏ lửa” có phải ông muốn người đọc phải liên hệ đến “mùa hè đỏ lửa” hay không? Bài ông viết vào tháng 7-2019, công bố trên Báo Văn Nghệ vào tháng 7-2021. Tháng 7 có ngày 27-7, là ngày gì, chắc ông Ngô Văn Giá biết!

Là một nhà giáo, đã rao giảng đạo đức cho bao thế hệ học trò (mà học trò toàn là nhà văn, nhà báo tương lai), ông Ngô Văn Giá nên lên tiếng về nhận thức, tình cảm của mình qua bài thơ “Mùa thi đỏ lửa”. Những ngày qua, trên một số diễn đàn, một số nhà văn, nhà báo vốn là học trò của ông, đã “đỡ đạn” cho ông. Nhưng tôi tin, nếu có lương tâm, ông Ngô Văn Giá không thể “im thin thít, lặn mất tăm” như thế!

Tôi còn buồn hơn vì sao Báo Văn Nghệ (bộ mới) lại đăng bài báo đó.

Thanh Hà