Nhiều nước ban hành các đạo luật để siết chặt kiểm soát mạng xã hội.

Kể từ khi ra đời, các mạng xã hội như Facebook, Instagram, Twitter… đã mang lại nhiều tiện ích trong cuộc sống, giúp mọi người chia sẻ và kết nối dễ dàng. Thế nhưng, những rắc rối mà mạng xã hội gây ra cũng không hề nhỏ, khiến ngày càng có nhiều quốc gia ban hành các đạo luật nhằm siết chặt việc quản lý hạn chế những tác động tiêu cực do mạng xã hội gây ra.

Ngày 4-4, Quốc hội Australia thông qua dự luật mới, trong đó sẽ phạt nặng những người điều hành các doanh nghiệp truyền thông xã hội nếu họ không gỡ bỏ kịp thời các nội dung cực đoan khỏi nền tảng. Theo đó, việc không gỡ bỏ nội dung về khủng bố, giết người, tra tấn, hiếp dâm và bắt cóc sẽ bị coi là hành vi bất hợp pháp và các nhà cung cấp dịch vụ sẽ phải chịu trách nhiệm. Các công ty như Facebook, Google (sở hữu YouTube) sẽ phạm tội hình sự nếu không gỡ bỏ các đoạn phim trong thời gian sớm nhất. Bên cạnh đó, các giám đốc điều hành có trụ sở tại Australia và ở nước ngoài có thể phải đối mặt với án tù 3 năm nếu bị kết tội và các công ty có thể bị phạt tới 10% doanh thu hằng năm. Luật này cũng quy định các công ty truyền thông mạng xã hội phải thông báo cho cảnh sát liên bang Australia bất cứ khi nào dịch vụ của họ được sử dụng để phát sóng trực tiếp bạo lực diễn ra tại quốc gia này.

Cùng với Australia, Singapore cũng ban hành một đạo luật đánh mạnh vào việc phát tán tin giả, cho phép các cơ quan quản lý yêu cầu những nhà cung cấp dịch vụ trên Internet như Facebook khóa những thông tin bị cho là tin giả. Những nhà cung cấp sẽ bị phạt nặng nếu nhưng không thực hiện yêu cầu của các cơ quan quản lý.

Với những quốc gia miễn nhiễm với Facebook và một số mạng xã hội khác như Trung Quốc hay Bangladesh, ngay từ đầu đã cấm sử dụng các nền tảng này thì dĩ nhiên không có cần phải có luật để điều chỉnh khi các mạng xã hội cung cấp thêm những dịch vụ mới. Thế nhưng, rất nhiều quốc gia đang phải đau đầu bởi hệ lụy xấu của mạng xã hội. Nếu để mạng xã hội phát triển theo tự nhiên, tự do truyền bá thông tin giả gây xáo trộn xã hội, can thiệp làm thay đổi chính trị, tiếp tay cho khủng bố…thì hậu quả lại khôn lường. Ví dụ, việc ban hành luật của Australia và Singapore được nhiều người ủng hộ nhưng cũng không ít người cho rằng đó là hành động bóp nghẹt tự do ngôn luận. Thế nhưng, Chính phủ hai quốc gia này vẫn làm bởi đó là điều thực sự cần thiết, bảo đảm cho một môi trường Internet lành mạnh.

Chẳng nói đâu xa, kết quả cuộc khảo sát do hãng NBC News và tờ Wall Street Journal cùng thực hiện, cho thấy 57% số người Mỹ được hỏi tin rằng các mạng xã hội gây chia rẽ đất nước nhiều hơn. Trong khi đó, 55% cho rằng các mạng này có thể lan truyền những thông tin giả nhiều hơn so với tin tức và thông tin từ các nguồn chính thống. Cũng có 61% số ý kiến cho rằng các mạng xã hội lan truyền các vụ tin đồn thất thiệt về những nhân vật và công ty nổi tiếng, so với 32% cho rằng các mạng này giúp củng cố hình ảnh của những người này.

Đó là ở Mỹ.  Còn ở Ấn Độ và Pakistan, nơi Facebook có hàng trăm triệu người dùng, ngày 1-4, Facebook thông báo đã xóa hàng trăm tài khoản và các trang thuộc ứng dụng này tại hai quốc gia đó, vì "hành vi cung cấp tin giả", trong đó có nhiều nội dung liên quan đến đảng đối lập của Ấn Độ và quân đội Pakistan. Từ tháng 4 đến 9-2018, báo cáo của Facebook cho biết đã xử lý 1,5 tỷ tài khoản giả mạo.

Như vậy, chính bản thân các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội như Facebook đã phải tự điều chỉnh, phát triển công nghệ để hạn chế các tài khoản giả, cung cấp thông tin giả, kích động bạo lực, hận thù. Việc các quốc gia ban hành các đạo luật để siết chặt kiểm soát các mạng xã hội là việc làm hết sức cần thiết.

Ngọc Hưng