Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản diễn ra ngày 14/2, Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Nguyễn Mạnh Hà cho biết, Quỹ tiết kiệm nhà ở là kênh huy động tài chính dài hạn cho phát triển nhà ở, đồng thời có tác dụng nâng cao ý thức tiết kiệm của người dân.
Bộ Xây dựng đề xuất hình thành song song 2 mô hình tiết kiệm nhà ở tại Việt Nam
Theo mô hình I, Quỹ tiết kiệm nhà ở chuyên phục vụ cho người có thu nhập thấp vay mua, thuê mua nhà ở xã hội hoặc cho doanh nghiệp vay đầu tư xây dựng nhà ở thu nhập thấp, nhà ở công nhân và đầu tư phát triển nhà ở xã hội.
Nguồn vốn hình thành Quỹ phát triển và tiết kiệm nhà ở được huy động bao gồm từ nguồn vốn hiện có của Quỹ phát triển nhà ở, tối thiểu bằng 10% tiền sử dụng đất thu được từ các dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án khu đô thị mới; ngân sách địa phương hỗ trợ hàng năm; tiền huy động từ các nguồn hợp pháp khác; nguồn đóng tiết kiệm và trả nợ của các đối tượng có nhu cầu tham gia đóng vào Quỹ; nguồn vốn từ ngân sách trung ương cấp một lần ban đầu cho Quỹ; 30% lợi nhuận thu được từ phát hành xổ số kiến thiết hoặc phát hành xổ số nhà ở; nguồn vốn từ việc phát hành trái phiếu nhà ở bắt buộc đối với các đối tượng tham gia một số hoạt động liên quan đến bất động sản.
Hình thức tham gia Quỹ là tự nguyện, không bắt buộc, Nhà nước khuyến khích mọi đối tượng trong xã hội tham gia Quỹ.
Cũng theo đề án, các đối tượng là hộ gia đình, cá nhân tham gia quỹ thì tiền đóng góp hàng tháng không tính theo tỷ lệ tiền lương mà tính theo nhu cầu của khoản vay dự kiến.
Quỹ sẽ cho các đối tượng tham gia chương trình tiết kiệm nhà ở vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội khi đã đóng tiền vào Quỹ tối thiểu bằng khoảng 30% giá trị của nhà ở cần mua, thuê mua và đã tham gia đóng quỹ tối thiểu từ 5 năm trở lên, mức đóng chia đều cho hàng tháng.
Việc cho vay được tính trên nguyên tắc, ai gửi tiết kiệm nhiều hoặc thời gian đóng dài hơn thì được ưu tiên vay trước. Lãi suất huy động bằng khoảng 1/2 lãi suất vay thương mại. Người vay phải trả đều hàng tháng trong thời hạn tối thiểu là 15 năm, tính từ ngày được vay thêm để mua nhà ở xã hội.
Nếu đối với đối tượng vay là doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở thu nhập thấp, theo đề án, Quỹ sẽ thực hiện cho vay đối với các doanh nghiệp có dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; số tiền cho vay tối đa bằng 70% tổng vốn đầu tư xây lắp và tiền thiết bị của dự án nhà ở xã hội đó với lãi suất cho vay từ Quỹ bằng lãi suất cho vay trung hạn của ngân hàng thương mại trừ (-) lãi suất không kỳ hạn cộng (+) 1%.
Theo mô hình II, Quỹ tiết kiệm nhà ở áp dụng cho người có thu nhập trung bình vay để mua nhà ở thương mại. Quỹ sẽ do Ngân hàng thương mại hoặc Ngân hàng chuyên về tiết kiệm nhà ở quản lý, vận hành theo quy định của Nhà nước. Đối tượng tham gia đóng Quỹ là người có thu nhập trung bình có nhu cầu mua nhà ở, tham gia tự nguyện, không bắt buộc.
Nguồn vốn huy động cho Quỹ là chỉ từ những người tham gia đóng Quỹ, không được huy động từ nguồn khác.
Cũng như mô hình I, số tiền đóng góp hàng tháng của các đối tượng tham gia quỹ không tính theo tỷ lệ tiền lương mà tính theo nhu cầu của khoản vay dự kiến. Sau khi tham gia đóng Quỹ được khoảng 50% giá trị nhà ở cần mua, người tham gia đóng Quỹ sẽ được vay thêm 50% giá trị của nhà ở còn lại.
Chỉ có các đối tượng tham gia Quỹ mới được phép vay từ Quỹ. Số tiền góp, thời gian góp và thời gian trả nợ theo thỏa thuận khi ký hợp đồng tiết kiệm.
Lãi suất cho vay theo nguyên tắc thỏa thuận, ổn định và bằng lãi tiền gửi cộng thêm một khoản phí (thông thường từ 1,5% đến 1,7%).
Nhà nước cũng sẽ hỗ trợ để khuyến khích người tham gia bằng các giải pháp như: hỗ trợ bù thêm lãi suất, thưởng trực tiếp cho người tham gia tiết kiệm, ban hành khung pháp lý cho hoạt động của Quỹ...
Theo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, hiện hầu hết ở các nước trên thế giới đều thực hiện nhiều hình thức huy động tài chính khác nhau để hỗ trợ người dân, đặc biệt là người có thu nhập thấp tại các đô thị để họ cải thiện nhà ở.
Trong đó, hình thức tiết kiệm để mua nhà ở được coi là một trong những hình thức hỗ trợ có hiệu quả và được áp dụng rộng rãi, đặc biệt trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển kinh tế-xã hội đất nước, khi mà nguồn lực tài chính để phát triển nhà ở từ các kênh huy động khác còn hạn chế.
A Hoàng