
Trước sự đấu tranh mạnh mẽ của người dân, Công an huyện Văn Giang đã vào cuộc và đến ngày 11- 10- 2010 thì chính thức có Kết luận số 342/TB- CAVG.
Kết quả xác minh liệu có khách quan?
Theo kết quả xác minh của công an huyện Văn Giang, khoảng thời gian đầu năm 2004, ông Nguyễn Bách Thảo, sinh năm 1959, ở thôn Phúc Thọ, xã Nghĩa Trụ (vợ là Lê Thị Lan, cán bộ địa chính UBND xã Nghĩa Trụ) có nhờ các ông: Trịnh Văn Tiến, SN 1969; ông Quản Văn Khanh, SN 1961 và Lê Văn Hoa, SN 1961 cùng ở xã Nghĩa Trụ đứng tên cùng ông Thảo làm thủ tục hồ sơ chuyển nhượng đất sản xuất nông nghiệp với 38 hộ gia đình ở thôn Đại Tài để làm kinh tế theo mô hình trang trại. Qua thỏa thuận giữa hai bên: Các ông bà Nguyễn Văn Đắc, Nguyễn Thị Mọt, Nguyễn Thị Dị… đã đồng ý chuyển nhượng tổng số diện tích đất 36.821m2 đất sản xuất nông nghiệp ở khu đồng Cống Đá, thuộc cánh đồng thôn Đại Tài cho các ông Nguyễn Bách Thảo, Trịnh Văn Tiến, Quản Văn Khanh và Lê Văn Hoa với giá 7,5 triệu đồng/360m2 (bảy triệu năm trăm ngàn đồng một sào) trong thời hạn 10 năm (từ năm 2003 đến 2013). Sau khi nhận chuyển nhượng, ông Thảo, ông Tiến, ông Khanh và ông Hoa đã được UBND huyện Văn Giang cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng diện tích đất 36.821m2, thời hạn đến ngày 15-10-2013. Theo lời trình bày của ông Thảo: Vào thời điểm ban đầu khi làm thủ tục chuyển nhượng đất với 38 hộ gia đình, ông Thảo có nhờ các bạn là Vũ Anh Dũng, Lê Việt Hùng, Nguyễn Bích Huyền và cháu là Nguyễn Thị Kim Anh ở quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội đứng tên của ông Thảo để làm thủ tục nhận chuyển nhượng QSDĐ.
Một số hộ dân cho biết, những hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ này chỉ có chữ ký của người bán và người mua, không có sự xác nhận của chính quyền địa phương. Theo quy định thì những bản hợp đồng này không có giá trị pháp lý. Tại bản kết luận của Công an huyện Văn Giang thì những hợp đồng này phải là người có hộ khẩu thường trú tại xã Nghĩa Trụ mới được nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp để làm kinh tế theo mô hình trang trại nên ông Thảo đã nhờ các ông Trịnh Văn Tiến, Quản Văn Khanh và Lê Văn Hoa là những người có hộ khẩu thường trú tại xã Nghĩa Trụ đứng tên cùng ông Thảo để làm thủ tục nhận chuyển nhượng. Do đó trong quá trình làm hồ sơ đề nghị UBND huyện Văn Giang cấp giấy chứng nhận QSDĐ, ông Thảo đã làm lại, sửa chữa phần tên người nhận chuyển nhượng đất từ tên của các ông bà Vũ Anh Dũng, Lê Việt Hùng, Nguyễn Bích Huyền, Nguyễn Thị Kim Anh thành tên của các ông Quản Văn Khanh, Lê Văn Hoa trong các hồ sơ chuyển nhượng đất gia đình ông Nguyễn Văn Hoàn, Nguyễn Hữu Phòng, Đào Thị Hạnh …
Ngoài số diện tích đất 36.821m2 mà vợ chồng ông Thảo nhận chuyển nhượng của 38 hộ gia đình, vợ chồng ông Thảo còn nhận thuê thầu của UBND xã Nghĩa Trụ khoảng 9.417m2 đất công điền, thủy lợi giáp với diện tích đất nhận chuyển nhượng của 38 hộ gia đình. Từ đó đến nay, vợ chồng ông Thảo đã sử dụng diện tích đất 46.238m2 ở khu đồng Cống Đá thuộc cánh đồng thôn Đại Tài để làm kinh tế theo mô hình trang trại.
Các “đại gia” có qua mặt được chính quyền?
Theo như người dân trình bày, khi tiến hành các thủ tục ký kết hợp đồng, họ được những “đại gia” này tư vấn là chỉ ký hợp đồng đến năm 2013 như thời hạn trong giấy chứng nhận QSDĐ (sổ đỏ) là cũng hết hợp đồng và họ sẽ trả lại toàn bộ số ruộng như đã ký trong hợp đồng. Tuy nhiên những “đại gia” này cũng rất giỏi làm “ảo thuật”. Chẳng hạn như hợp đồng của hộ ông Tô Quang Hài, tại Mục 5: Các bên cam kết “…Thời gian chuyển nhượng hết năm 2013, bên nhận chuyển nhượng phải nộp thuế chuyển quyền và lệ phí trước bạ theo quy định”. Theo trình bày của một số hộ dân, họ đều khẳng định không ký vào bản hợp đồng với các ông đã có tên nêu trên. Đây là những bản hợp đồng “ma” mà những “đại gia” này đã nhờ người khác giả mạo chữ ký của họ, vậy nhưng họ vẫn xin được con dấu của chính quyền xã Nghĩa Trụ do ông Chủ tịch Lê Đức Dân; Trưởng phòng TN-MT huyện Văn Giang Nguyễn Hồng An và Chủ tịch UBND huyện Văn Giang Nguyễn Trí Phương ký một cách dễ dàng?
Sau khi đã nhờ được các ông Lê Văn Hoa, Quản Văn Khanh, Trịnh Văn Tiến “đứng tên” để mua ruộng của người dân, để nắm “đằng chuôi”, vợ chồng Thảo - Lan còn làm giấy cam kết với những người này. Ví dụ như giấy cam kết của ông Quản Văn Khanh là minh chứng…
Sự việc bắt đầu vỡ lở khi người dân biết được việc UBND tỉnh Hưng Yên ra thông báo về việc thu hồi đất tại xã Nghĩa Trụ, để thực hiện dự án đầu tư xây dựng Khu du lịch sinh thái Đại Tài do Công ty cổ phần dịch vụ thương mại Lê Hoàng làm chủ đầu tư.
Trong kết luận của Công an huyện Văn Giang nói rõ: “Công ty cổ phần dịch vụ và thương mại Lê Hoàng có vốn điều lệ là 1,9 tỷ đồng”, nhưng dự án xây dựng khu du lịch sinh thái nhà hàng ăn uống, khách sạn của doanh nghiệp này trên nền diện tích 46.428m2 , thời gia cho thuê 50 năm; xây dựng khách sạn “đạt tiêu chuẩn bốn sao”, kết hợp văn phòng cho thuê với tổng vốn đầu tư thực hiện dự án lên tới khoảng 152 tỷ 767 nghìn đồng?
Sau khi có kết luận của Công an huyện Văn Giang, 38 hộ dân mới “tá hỏa” ra là thời hạn hợp đồng không phải đến năm 2013 sẽ được trả lại ruộng, mà “người ta” đã lập dự án 50 năm, ở đó sẽ thành lập một khu du lịch hoành tráng trong tương lai không xa…(?!).
Mục đích của việc “gom” ruộng này là gì? Ai là người đứng đằng sau đạo diễn cho màn kịch này? Những ai được hưởng quyền lợi từ việc mua bán này? Hiểu hơn ai hết chính là những người dân và những nạn nhân ở trong vụ mua bán đất nông nghiệp…
Bài và ảnh: Quốc Hưng