Hàng chục năm qua, 20 hộ giáo viên phải ở trong những căn nhà tạm  bợ.

Từ những năm 1989 đến 1992, các giáo viên Trường PTCS cấp I-II Nam Dong (sau đổi thành Trường Tiểu học A Nam Dong; và hiện nay là Trường Tiểu học Lê Hồng Phong), tại thôn 6, xã Nam Dong, huyện Cư Jút (Đắk Nông) được cấp đất thổ cư để làm nhà ở. Nhưng đến nay, sau hơn 30 năm, những hộ giáo viên này chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ), khiến cuộc sống của các hộ lâm vào tình cảnh khó khăn kéo dài, nhất là về nhà ở và phát triển kinh tế.

Qua điều tra cho thấy, nguyên nhân sau xa dẫn đến tình trạng này là bởi, từ năm 2001, khi cấp Giấy CNQSDĐ cho Trường Tiểu học A Nam Dong, UBND tỉnh Đắk Lắk (năm 2004, khi tái lập tỉnh Đắk Nông, huyện Cư Jút thuộc địa giới hành chính của tỉnh Đắk Nông) đã cấp chồng lấn lên toàn bộ hơn 3.000 m2 đất ở của 20 hộ gia đình giáo viên. Tuy nhiên, khi phát hiện sai sót trên, các cấp chính quyền từ xã Nam Dong, đến huyện Cư Jút cũng như tỉnh Đắk Nông không quyết liệt trong việc khắc phục hậu quả, dẫn tới cuộc sống của các hộ lâm vào cảnh vô cùng khó khăn, và xảy ra khiếu kiện kéo dài. Tính từ thời điểm năm 2001 đến nay, vụ việc đã 22 năm mà chưa giải quyết dứt điển (!).

Trao đổi với chúng tôi, những nhà giáo già đã về hưu và sắp nghỉ hưu như cô Nguyễn Thị Thu Hà, Lê Thị Bốn và Hồ Thị Hòa bức xúc: Thời điểm năm 1989 đến 1992, khi vừa tốt nghiệp ra trường, về nhận công tác tại Trường PTCS cấp I-II Nam Dong chúng tôi đều là những cô giáo trẻ mới lập gia đình lên được nhà trường, UBND xã Nam Dong tạo điều kiện cấp đất để làm nhà ở. Nói là cấp đất, thực ra chỉ là phần đất hoang, cỏ dại, cây cối um tùm liền kề phía sau và bên hông khu đất nhà trường. Nên các giáo viên phải tự khai hoang, rồi dựng nhà tạm tranh tre nhằm có chỗ ở, bám trụ để đến trường dạy chữ cho con trẻ. Sau này, có điều kiện hơn chúng tôi thay nhà tranh tre bằng nhà ván gỗ, lợp ngói.

Theo đơn xin cấp đất thổ cư của các cô Hà, Bốn và Hòa được lập vào năm 1991, có xác nhận của thầy Nguyễn Xuân Vinh, Hiệu trưởng Trường PTCS cấp I-II Nam Dong; và đồng chí Phan Văn Thìn, Chủ tịch UBND xã Nam Dong, thì mỗi hộ được cấp 1.000m2 để làm nhà ở. Sau đó, từ 1991 đến 1995, giáo viên về nhận công tác tại Trường PTCS cấp I-II Nam Dong nhiều lên, số cán bộ, giáo viên có gia đình cũng tăng lên. Để có chỗ ở ổn định, các cô Hà, Bốn và Hòa san sẻ diện tích đất thổ cư của mình được cấp cho 17 hộ cán bộ, giáo viên nữa. Để đến nay, trong diện tích 3.000m2 (diện tích thực tế có thể hơn 3.000m2) đã được chia bình quân cho 20 hộ giáo viên làm nhà ở ổn định, với diện tích bình quân khoảng 150 - 200m2/hộ.

Đại diện 20 hộ giáo viên phản ánh vụ việc với Phóng viên Báo chí.

Như vậy có thể thấy, đất của 20 hộ giáo viên ở thôn 6, xã Nam Dong có nguồn gốc được cấp làm nhà ở và sử dụng ổn định từ trước ngày 15-10-1993. Theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 (sửa đổi, bổ sung năm 2018) thì 20 hộ giáo viên đủ điều kiện được cấp Giấy CNQSDĐ mà không phải nộp tiền sử dụng đất. Cũng theo phản ánh của các cô Hà, Bốn và Hòa thì những giáo viên cùng trang lứa với các cô, về nhận công tác và được cấp đất ở tại những xã khác trong huyện Cư Jút thì từ lâu đã được cấp Giấy CNQSDĐ.

Đối với 20 hộ giáo viên ở thôn 6, xã Nam Dong mãi đến năm 2017 khi Nam Dong đang tăng tốc về đích xã nông thôn mới, các đoàn kiểm tra của huyện, tỉnh soát xét về tiêu chí nhà ở - vì nhà của 15/20 hộ bị sập xệ, tạm bợ, thì mới phát hiện cả 20 hộ đều chưa được cấp Giấy CNQSDĐ, và toàn bộ hơn 3.000m2đất các hộ đang sử dụng đã được cấp vào Giấy CNQSDĐ của Trường Tiểu học A Nam Dong, ngày 28-9-2001, tại Tờ bản đồ số 8, số thửa 210, với tổng diện tích 13.325m2.

Sau khi phát hiện việc đất ở của mình bị cấp chồng lấn, 20 hộ kiến nghị các cơ quan chức năng từ xã Nam Dong đến tỉnh Đắk Nông giải quyết việc cấp Giấy CNQSDĐ cho từng hộ, nhưng đều bị từ chối. Kiến nghị gửi lên huyện Cư Jút thì được chuyển lại xã Nam Dong; kiến nghị gửi lên tỉnh Đắk Nông cũng được chuyển lại xã Nam Dong (!). Nguyện vọng chính đáng của 20 hộ giáo viên đã không được giải quyết.

Căn nhà của thầy Trương Công Quý (đã về hưu) không được phép sửa chữa vì chưa được cấp Giấy CNQSDĐ.

Không có Giấy CNQSDĐ, từ thời điểm xã Nam Dong về đích nông thôn mới, 20 hộ giáo viên không được sửa chữa, cải tạo nhà ở, mặc dù nhà bị dột nát, xiêu vẹo có thể sụp đổ bất cứ lúc nào(!). Ngày 23-11-2022, đại diện các hộ giáo viên khởi kiện ra Tòa án nhân dân huyện Cư Jút, yêu cầu hủy một phần diện tích đất trong Giấy CNQSDĐ cấp cho Trường Tiểu học A Nam Dong (nay là Trường Tiểu học Lê Hồng Phong), công nhận quyền sử dụng đất của các hộ theo quy định của Luật Đất đai.

Và để giải quyết vụ tranh chấp này theo đúng quy định của Pháp luật, ngày 7-12-2022, Tòa án nhân dân huyện Cư Jút có Công văn số: 127/2022/CV-TA, gửi UBND xã Nam Dong với nội dung: “Tòa án nhân dân huyện Cư Jút đề nghị UBND xã Nam Dong hướng dẫn cho các đương sự thực hiện thủ tục hòa giải việc tranh chấp đất đai tại cơ sở theo đúng trình tự, thủ tục quy định tại Điều 88 của Nghị định 43/2014/NĐ-CP, ngày 15-5-2014 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2013”.

Căn nhà sập xệ của cô giáo Tôn Nữ Thu Bảo, đã nghỉ hưu đang mắc bệnh hiểm nghèo.

Thế nhưng, tại Thông báo số 04/TB-UBND, ngày 11-1-2023, của UBND xã Nam Dong: “Về việc trả lời khiếu nại của bà Lê Thị Bốn, thôn 6 xã Nam Dong”, Chủ tịch UBND xã Nam Dong đã từ chối việc tổ chức hòa giải, khiến vụ việc giải quyết tranh chấp đất đai giữa 20 hộ giáo viên với Trường Tiểu học Lê Hồng Phong đã không được giải quyết theo đúng quy định của Luật Đất đai. Bức xúc trước việc UBND, mà trực tiếp là Chủ tịch xã Nam Dong không tổ chức hòa giải theo quy định, ngày 6-2-2023, đại diện 20 hộ đã khởi kiện hành vi của Chủ tịch UBND xã Nam Dong ra Tòa án nhân dân huyện Cư Jút(!).

Ngày 17-7-2023, lý giải với chúng tôi về việc không tổ chức hòa giải, đồng chí Trương Văn Tú, Chủ tịch UBND xã Nam Dong cho rằng: “Các hộ giáo viê không tranh chấp với UBND xã, nên xã không tổ chức hòa giải!”. Với cách giải thích này của người đứng đầu UBND xã Nam Dong, không chỉ thể hiện sự tắc trách, mà còn mơ hồ về Pháp luật trong quản lý đất đai.

Về vụ việc này, Luật sư Đặng Tiến, Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Đặng Gia (Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk) cho rằng: “Với nguồn gốc, thực tế sử dụng đất của 20 hộ giáo viên trú thôn 6, xã Nam Dong, thì đất ở của các hộ đủ điều kiện được cấp Giấy CNQSDĐ, mà không phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 100 Luật Đất đai năm 2013 (sửa đổi, bổ sung năm 2018). Việc Chủ tịch UBND xã Nam Dong không tổ chức hòa giải vụ tranh chấp quyền sử dụng đất của 20 hộ giáo viên với Trường Tiểu học Lê Hồng Phong theo yêu cầu của Tòa án nhân dân huyện Cư Jút là vi phạm Điều 88 của Nghị định 43/2014/NĐ-CP, ngày 15-5-2014 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2013, và làm phát sinh thêm vụ khiếu kiện hành chính khác. Với cách làm như UBND xã Nam Dong, khiến vụ việc phức tạp, kéo dài và khó giải quyết dứt điểm!”.

Từ điều tra trên, chúng tôi nhận thấy, những thầy cô giáo trong vụ việc này đều có hoàn cảnh khó khăn, họ gắn bó với vùng đất Nam Dong từ tuổi thanh xuân, nay nhiều người tuổi già, bệnh tật, có người mắc bệnh hiểm nghèo, nuôi con, cháu trong hoàn cảnh đơn thân. Tài sản lớn nhất của gia đình các nhà giáo chỉ là thửa đất trên dưới 150m2, do chính họ bỏ công khai phá, dựng nhà ở. Và đáng nói, đất của các hộ đủ điều kiện để cấp Giấy CNQSDĐ, vậy mà, mấy chục năm không làm được cái quyền tối thiểu ấy, chỉ vì sai sót của chính cơ quan, của cán bộ chính quyền, và cán bộ làm thủ tục cấp Giấy CNQSDĐ(!). Chúng tôi cho rằng  vụ tranh chấp quyền sử dụng đất của 20 hộ giáo viên với Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, tại thôn 6, xã Nam Dong, huyện Cư Jút (Đắk Nông) cần phải được UBND xã Nam Dong và Tòa án nhân dân các cấp giải quyết theo đúng trình tự pháp luật, để sớm cấp Giấy CNQSDĐ cho dân, không thể để quyền lợi hợp pháp của hằng chục hộ bị xâm phạm, đời sống cơ cực kéo dài thêm./.

Bài và ảnh: Kiều Bình Định