Mỗi lần như vậy, hình ảnh thân yêu của người chồng lại hiện về trong ký ức bà, làm cho câu chuyện trở nên bùi ngùi, xúc động: “Tôi với ông ấy xây dựng gia đình sớm (lúc ấy tôi mới 18 tuổi) nên trong đoàn quân trai trẻ của xóm Đoài Thịnh ngày đó lên đường đánh giặc, chỉ có ông Bình là đã có vợ. Ngày ông nhập ngũ (27-2-1964) các con còn bé, chưa biết mặt bố. Ông là con trai một, xung phong tình nguyện vào bộ đội với gần hai chục anh em trong xã Thạch Trung. Tiễn chân ông ấy lên đường, cũng là lúc miền Bắc bị giặc Mỹ ném bom đánh phá, mẹ con tôi cùng làng xóm phải sống trong hầm chữ A, đợi lúc ngớt bom đạn là tranh thủ ra đồng cày cấy. Thế rồi 4 năm sau đó, mẹ con tôi nhận được tin sét đánh ông Bình đã hi sinh trong chiến dịch Mậu Thân 1968. Tôi rụng rời cả chân tay, cố không tin vào sự thật, cầu mong có ai nhầm tên, lẫn tuổi để bố nó trở về cùng tôi nuôi dạy con cái… Kể đến đó, bà Lý lấy tay quệt dòng nước mắt rơi trên đôi gò má nhăn nheo, giọng lại đứt quãng. Cho đến năm 1973, khi chính quyền địa phương đến nhà tổ chức lễ báo tử liệt sĩ Phan Văn Bình thì tôi tiêu tan cả hy vọng. Rứa là ông ấy hi sinh thật rồi. Nhìn ba đứa con thơ dại với cảnh bố chồng già cả, tôi tưởng mình không vượt qua nổi. Cùng thời gian đó, bên ngoại của tôi nhận được giấy báo tử của đứa em trai Đặng Đình Đậu cũng hi sinh… Nỗi đau chồng lên nỗi đau.

Nhưng rồi được sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền địa phương và nguồn động viên từ bà con lối xóm, bà Lý vượt lên nỗi đau mất mát, sống xứng đáng với sự hi sinh của chồng. Nhớ chồng, thương con bà lao vào công việc đồng áng, không quản ngại sớm khuya, mưa nắng. Bà nhận thêm ruộng, làm thêm công, nuôi thêm nhiều lợn, gà để có thu nhập, mong cho các con đủ ăn, đủ mặc đến trường. Học hết phổ thông, các con vào đại học, mọi thứ lại đổ lên đầu mẹ. Thương mẹ, đã nhiều lần cô con gái lớn Phan Thị Ninh muốn bỏ học để ở nhà lo phụ giúp mẹ nuôi em. Nhìn thấy cảnh con dâu lam lũ, vất vả, bố chồng lựa lời khuyên con tìm chỗ nương tựa nhưng bà Lý không đi bước nữa, cố giữ vẹn lời nguyền với chồng là “nuôi các con ăn học cho bằng anh, bằng em…”. Bù đắp lại tình cảm yêu quý, sự chịu thương chịu khó của mẹ, cả ba chị em Ninh, Thanh, Cảnh đều là những người con ngoan và đạt danh hiệu học sinh giỏi của nhà trường. Thời bao cấp, cả nước khó khăn về kinh tế, cả hai chị em cùng vào Đại học y khoa Hà Nội, để giảm bớt gánh nặng nhọc nhằn cho mẹ, có nhiều hôm hai chị em chia nhau một suất cơm ở trường.

Vừa nuôi dạy con cái ăn học, trưởng thành, bà Lý vừa hăng hái tham gia công tác đoàn thể phụ nữ, tổ liên gia, Hội Người cao tuổi… Gia đình nào trong xóm vợ chồng lục đục là bà có mặt để hòa giải, hộ dân nào còn khó khăn có bà Lý đi đầu vận động quyên góp giúp đỡ. Bà con láng giềng hết mực cảm phục bà, ngợi khen người vợ liệt sĩ chung thủy, đảm đang.

Nhưng phần thưởng lớn nhất mà bà Lý rất đỗi tự hào, đó là cả ba người con đều tốt nghiệp đại học và đang phục vụ trong ngành y tế tỉnh Hà Tĩnh. Cô gái đầu Phan Thị Ninh, tốt nghiệp Đại học y khoa Hà Nội năm 1984, Thầy thuốc Nhân dân, hiện là Giám đốc Sở Y tế, Tỉnh ủy viên, đại biểu HĐND tỉnh Hà Tĩnh; em gái Phan Thị Thanh và em trai Phan Văn Cảnh đang công tác tại Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh. Ngoài ra, bà còn có ba đứa cháu cũng đang học đại học.

Được tận mắt chứng kiến sự phấn đấu trưởng thành của con cháu, bà Lý càng thương nhớ người chồng đã hi sinh. Bà đặt bàn tay gầy guộc lên cạnh tấm bằng Tổ quốc ghi công liệt sĩ Phan Văn Bình mà như muốn nhắn nhủ với hồn thiêng của ông ấy rằng: “Dưới suối vàng xin ông yên nghỉ, tôi đã dắt các con đi qua mùa dông bão…”.

Bài và ảnh: Anh Thi, Đức Đạo