Hai bàn tay trắng, không một đồng vốn, nhưng nhờ vào chính sách của chính quyền địa phương, đối với CCB tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới trở về, Vy Văn Phượng được cấp 1.000m2 tại vùng rừng Long Thành. Với nghị lực “Bộ đội Cụ Hồ”, cùng với bản tính “con nhà nông” và sức trẻ, Vy Văn Phượng quyết không chịu lùi bước trước khó khăn. Từ số vốn ít ỏi vay mượn từ người thân và bè bạn, hai vợ chồng anh Phượng ngày ngày cuốc đất trồng rau khoai lang để bán dây giống, đồng thời nuôi 2 con heo gây giống. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, chỉ sau hai vụ, toàn bộ diện tích 1.000m2 đất canh tác đã được phủ kín rau và từ 2 con heo giống đã phát triển thành đàn vài chục con.

Khi “cơ ngơi” đã được hình thành và ngày càng phát triển, anh Phượng đã có điều kiện nghĩ tới “làm giầu”. Việc đầu tiên anh nghĩ đến là phải đầu tư mở rộng diện tích trông trọt, chăn nuôi. Thấy vùng đất xung quanh nhà chưa được bà con khai thác trồng trọt, CCB Vy Văn Phượng tìm đến thương lượng với bà con để mua thêm đất canh tác. Từ 1.000m2 ban đầu, “cơ ngơi” của CCB Vy Văn Phượng dần dần phát triển lên, chỉ sau 10 năm, diện tích đất canh tác của hai vợ chồâng anh đã có trên 120.000m2 (12 ha), trong đó có 5 ha trồng cau su, 7 ha trồng điều cao sản, mỗi năm cho năng suất 6 tấn hạt/ha, thu hoạch hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra, trên diện tích trồng cao su và điều cao sản, anh còn trồng đan xen mỳ cao sản, mỗi năm thu hoạch khoảng 150 triệu đồng. Đến nay, tổng thu nhập hàng năm (sau khi trừ các khoản chi phí), gia đình thu lãi khoảng 400 triệu đồng. Đi đôi với việc mở rộng diện tích trang trại, anh Phượng đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng để kéo đường điện hạ thế vào trang trại, đồng thời cho nhiều hộ dân góp vốn trả chậm đầu tư vào công trình điện này, để bà con có điện phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất, trực tiếp góp phần nâng cao mức sống của nhân dân trong vùng. Khi cơ ngơi phát triển, gia đình anh đã phải thuê người đến phụ việc. Suy nghĩ đầu tiên của anh là phải tạo công ăn việc làm cho CCB và con em của họ. Trang trại của CCB Vy Văn Phượng đến nay luôn có từ 10-15 công nhân là CCB, hoặc con em CCB và bà con lối xóm, khi vào thời vụ, có lúc cần 20-25 người làm.

Gần 10 năm qua, gia đình anh Phượng đã cho các gia đình CCB và bà con nông dân trong vùng vay vốn trên 3,5 tỷ đồng, nhiều gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn được ưu tiên vay vốn không lấy lãi. Trong nhiều năm qua, gia đình anh luôn có những đóng góp cho hoạt động xã hội, từ thiện với số tiền gần 300 triệu đồng.

Trăn trở với những khó khăn của các CCB và bà con, anh Phượng chia sẻ: “Trong cuộc sống, mỗi người có hoàn cảnh khác nhau. Nhưng tựu trung nhất là ai cũng muốn vượt qua đói nghèo, vươn lên giầu có. Song, muốn làm giầu, thì phải biết đầu tư. Đầu tư từ việc nhỏ nhất, khi có điều kiện thì nên tập trung đầu tư, đầu không tràn lan mà phải đầu tư đúng hướng”.

Bài và ảnh: Vũ Xiêm