Chả biết cái kỷ lục ấy có làm “vị vua không ngai” này tự hào về chuyện “gối chăn, giường chiếu” của mình hay không, chỉ biết rằng, khi đến thăm cái đại gia đình nằm tít tịt lòng thung Huổi Chạ ấy, khách thấy lòng nặng trĩu khi phải chứng kiến những đứa trẻ èo uột sống trong đói nghèo thăm thẳm.

Đói nghèo vì... ham đẻ
Phải mất gần một tiếng đồng hồ, tôi với anh Vừ A Sáng, cán bộ văn hóa xã Nậm Vì (Mường Nhé, Điện Biên), mới đi được từ trung tâm xã đến bản Huổi Chạ. Đường, bé như bụng ngựa, chạy lắt lẻo giữa tiêu điều xóm núi.
“Đại bản doanh” của gia đình “Vua đẻ” Giàng Chờ Tủa nằm cuối một con dốc hút hơi người. Ngay ở lối vào, tôi và anh Sáng gần như vấp phải một bà già ngồi lặng lẽ bên bậu cửa, miệng se sẽ hát. Phải nói thật là tôi đã rùng mình, khi nghe tiếng hát khè khè giọng Mông của người đàn bà già cả, rách rưới, ở một mình, trong căn nhà bốn bề gió thốc. Bà là Sùng Thị Sá, 78 tuổi, mẹ của “vua đẻ” Giàng Chờ Tủa.
Bà ngồi tẽ hạt rau dền đỏ, chầm chậm và trễ nải. Không gian quanh bà như ngưng đọng. Thấy khách lạ, bà Sá chỉ khẽ khàng ngẩng lên rồi lại cắm cúi vào cái thúng chứa đầy cánh hoa đỏ như tàn lửa.
Trong khi chờ đứa con thứ 11 của Tủa là Giàng Thị Dơ lên nương gọi bố, tôi ngồi tiếp chuyện bà Sá, thông qua “phiên dịch viên” Vừ A Sáng. Những tưởng người đàn bà đã đi đến bên kia sườn dốc của cuộc đời, đã nếm trải hết thảy mọi sướng khổ, buồn vui của kiếp người ấy thì có còn gì để mà đau buồn nữa, thế nhưng, khi nhắc nhớ đến kỷ lục đẻ nhiều của cậu con trai, bà buông tiếng thở dài, nghe buồn lặng, buồn sâu. Nhất là khi nói về cái đói, cái nghèo, từ hai khóe mắt nhăn nheo của người mẹ Mông già nua, khắc khổ ấy lại lăn ra những giọt nước đục như con suối Huổi Chạ mùa mưa.
Bà Sá có 7 người con, 3 gái, 4 trai, Tủa là con trai cả. Trong mấy đứa con, bà thương Tủa nhất. Sau khi dựng vợ gả chồng cho hết lượt cả 7 đứa con, bà mang quần áo sang ở với vợ chồng Tủa để dễ bề trông nom đàn cháu nội.
Mấy năm nay, sức khỏe suy giảm, sợ làm phiền con cháu, bà chuyển ra sống riêng ở căn nhà lúp xúp phía đầu hồi, mọi sinh hoạt đều trông chờ vào mấy đồng tiền trợ cấp từ Nhà nước. Thỉnh thoảng nhúc nhắc đi lại được, bà tranh thủ ra nhổ cỏ ở ruộng rau ở góc vườn giúp con cháu. Tuổi già mắt mũi kèm nhèm, đôi khi bà nhổ rau thay cỏ. Cuộc sống của bà lặng lẽ chảy trôi, không buồn mà cũng chẳng vui...
Chờ đợi mãi cuối cùng ông Tủa cũng thấp thểnh cùng con gái trở về, ơ hờ khách. Vừa bước qua cái ngưỡng cửa cũ mèm, bong tróc đã thấy toang hoang mùi ẩm mốc, toang hoang những đôi mắt, những khuôn mặt trẻ thơ ngơ ngác.
Lâu lắm rồi nhà ông mới có khách phương xa. Ông Tủa tỏ rõ ngượng ngùng, lúng búng mãi vì cái sự nghèo khó của mình. Ông than vãn mãi về cái chuyện không biết làm sao có tiền để lợp lại mái cho khỏi dột, để mỗi đêm mưa, mấy đứa trẻ cả con lẫn cháu thôi phải chui vào áo tơi, hoặc rúc gầm giường để ngủ.
Không phải đến khi bước qua cái ngưỡng cửa rêu mốc kia tôi mới biết ông Tủa nghèo, tôi biết từ khi nghe mấy cán bộ xã kể rằng ông lấy vợ rồi sinh liền tù tì 19 đứa con, đứa lớn nhất sinh năm 1974, nhỏ nhất mới vừa tròn 14 tuổi. Nếu tính tất tần tật già trẻ lớn bé trong cái đại gia đình này cũng khéo có đến ngót nghét 30 cái miệng ăn.
Rừng xanh núi đỏ thế này, biết kiếm gì để sống? Thế nên chuyện ông Tủa nghèo cũng không có gì là lạ. Cái nghèo hắt lên từ căn nhà trống hoác, gió đuổi nhau chạy sầm sập trên nền đất. Gian bếp nguội tanh, 3,4 cái nồi được xếp ngổn ngang trên ván gỗ, bụi phủ lớp lang. Nhìn qua cũng đủ biết lâu lắm rồi chúng không được đem ra sử dụng. Chỉ duy nhất có cái chảo gang đặt giữa nhà là còn dính vài hạt ngô vàng sậm. “Một hạt gạo gánh 7 hạt ngô”, chắc cũng lâu rồi mấy đứa con của ông Tủa không được ngửi mùi cơm trắng.

Cha không nhớ hết tên con
Ông Tủa kể, ông sinh năm 1953, lấy vợ năm 20 tuổi. Vợ ông, người cùng xã, tên Sùng Thị Pàng, bằng tuổi với chồng. Cưới nhau năm trước thì năm sau bà Pàng sinh con trai đầu lòng, tên Giàng Dụ Páo (1974). Sau đó, gần như cứ hơn một năm, bà Pàng lại sinh thêm cho ông một đứa con, bất chấp sự tuyên truyền, vận động của chính quyền và bà con làng xóm. Tính đến giờ, sau gần 40 năm chung sống, vợ chồng ông đã sinh đúng 19 đứa con, đứa nhỏ nhất là Giàng Thị Chừ, sinh năm 2003. Nhờ cái kỷ lục “vô tiền khoáng hậu” ấy, ông Tủa được người ta tấn phong là “Ông vua đẻ của núi rừng Tây Bắc”.
Trong 19 đứa con của mình, ông Tủa chỉ nhớ tên được vài ba đứa, còn hỏi ông đứa thứ 7, thứ 8, hoặc thứ 9 tên là gì, bao nhiêu tuổi thì ông lắc đầu quầy quậy. Có lẽ nỗi lo cơm áo, gạo tiền ghì sát đất đã khiến tâm trí ông Tủa không còn minh mẫn. Ông bảo, giờ lo đủ miếng cơm cho đám con đang tuổi ăn tuổi lớn cũng đã quá khó khăn rồi, thời gian đâu mà ngồi nhẩm lại xem mình có bao nhiêu con và tên tuổi chúng là gì!?
Nhưng, dù có chịu thương chịu khó cỡ nào thì gia đình vợ chồng ông Tủa chưa bao giờ thoát ra khỏi cảnh đói nghèo. Do phải sống trong tận cùng khốn khó nên trong 19 đứa con, đã có 5 đứa ốm đau, sài đẹn rồi bỏ vợ chồng ông Tủa để “về với ông bà”. Giờ vợ chồng ông chỉ còn lại đúng 14 đứa con, trong số đó đã có vài đứa lập gia đình ra ở riêng, còn lại vẫn ở cùng bố mẹ.
Khi được hỏi, tại sao đẻ nhiều con vậy, ông Tủa chỉ cười trừ. Ông bảo, tại ngày xưa chả có biện pháp gì, hơn nữa, người Mông lại có phong tục đẻ nhiều, họ nghĩ sinh đẻ là chuyện tự nhiên, khoa học hay con người không nên can thiệp. Cũng chính vì cái quan niệm cổ hủ ngâm tẩm từ ngàn đời ấy, nên vợ ông cứ sinh được ít lâu là cái bụng lại lùm lên vượt mặt.
Thật khó có thể cầm lòng khi phải chứng kiến sự thiếu thốn đến tận cùng trong ngôi nhà của “Vua đẻ” Giàng Chờ Tủa. Cuộc sống của hơn 20 con người trong ngôi nhà ấy cứ lay lắt, lần hồi, buồn thảm giữa núi cao và mây mù đặc quánh.
Nguyễn Trung Thành