Cuối năm 2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có ý kiến chỉ đạo cần phải có một gói tín dụng dành 100.000 tỷ đồng với cơ chế vay ưu đãi, thuận lợi, thông thoáng nhất để khuyến khích, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao (CNC).
Việc 8 ngân hàng thương mại đồng tình ủng hộ chủ trương của Chính phủ, dành tiền để cho vay với lãi suất ưu đãi thấp hơn từ 0.5%/năm đến 1.5%/năm so với các chương trình cho vay khác, đã mang đến những hy vọng cho doanh nghiệp và người dân làm nông nghiệp CNC.
Tuy nhiên, do đây là chương trình cho vay phải đảm bảo đúng các quy định về tín dụng thương mại, nên để tiếp cận được nguồn vốn lại hoàn toàn không đơn giảm.
Tại hội nghị về "Giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư tín dụng nông nghiệp công nghệ cao”, do Hội Nông dân Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức vào tháng 7 vừa qua, TS. Nguyễn Thị Thanh Thủy - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ NN&PTNT) cho biết, tiền dành cho lĩnh vực nông nghiệp CNC có, song điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn lại gặp khó khăn vì thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp.
Điển hình như tài sản hình thành trên đất nông nghiệp của các dự án nông nghiệp CNC như nhà kính, nhà lưới, nhà xưởng, trang thiết bị... đầu tư rất lớn, nhưng lại không được chứng nhận là tài sản bảo đảm để vay vốn.
Còn ông Trần Văn Tần - Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thì cho rằng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, nông nghiệp sạch là một hướng phát triển nông nghiệp mới, chưa có tiền lệ ở nước ta, vì vậy tiềm ẩn nhiều rủi ro khi triển khai dự án. Chính vì thế lại càng phải rất chặt chẽ trong cho vay, thế chấp vốn. Chặt chẽ trong vay vốn cũng là cảnh báo để người vay thận trọng trong tính toán làm ăn.
Đó là chưa nói một khó khăn khách quan không nhỏ nữa là, hầu hết các sản phẩm của nông nghiệp CNC, nông nghiệp sạch ở nước ta lại đang thiếu thị trường tiêu thụ ổn định, chưa có đủ công cụ cần thiết để phân biệt và bảo vệ sản phẩm trên thị trường nên rủi ro cũng không nhỏ; đầu ra của sản phẩm thì bấp bênh, càng khiến cho các ngân hàng phải thận trọng khi “tung” vốn ra.
Bà Thái Hương - Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Bắc Á cũng cho rằng việc đánh giá, xếp loại các dự án nông nghiệp CNC, nông nghiệp sạch ở nước ta vừa qua còn dừng lại chủ yếu ở các tiêu chí mang tính định tính, nên khó khăn cho các ngân hàng trong thẩm định cho vay.
Các dự án nông nghiệp ứng dụng CNC chi phí về nghiên cứu, tư vấn công nghệ kết tinh trong các khâu của toàn bộ dự án là rất lớn, nhất là tư vấn của các chuyên gia nước ngoài, nhưng những chi phí này hiện nay vẫn chưa được tính vào giá trị đảm bảo của khoản vay và danh mục tài sản thế chấp, nên không khuyến khích được nguồn vốn đầu tư vào nghiên cứu, ứng dụng.
Về phía Ngân hàng Nhà nước cũng phải có quy định cho các ngân hàng được quyền chủ động quyết định mức đầu tư cho vay tùy thuộc vào quy mô của từng dự án chứ không nên khống chế cứng mức tối đa mỗi khách hàng chỉ được vay tỷ lệ không quá 15% so với vốn tự có như hiện nay; đồng thời cho các ngân hang đã giải ngân được vay tái cấp vốn tối thiểu 70% dư nợ vào mục đích đầu tư cho nông nghiệp ứng dụng CNC.
Để “gỡ” những khó khăn giữa bên vay và bên cho vay phải có sự phối kết hợp giữa các Bộ, ngành có liên quan dưới sự chủ trì của Chính phủ.
Ví dụ như quy mô của dự án đến mức nào thì phù hợp với điều kiện, thổ nhưỡng của từng vùng. Nhất là trong dồn điền, đổi thửa hiện nay mỗi nơi làm một khác, thậm chí cá biệt có doanh nghiệp lập xong dự dự án, nhưng không tích tụ đủ diện tích để đưa khoa học công nghệ vào ứng dụng trong sản xuất kinh doanh được…
Những vướng mắc đó có cả nguyên nhân về khách quan, nguyên nhân về chủ quan, nếu để mỗi ngành, mỗi địa phương tự tháo gỡ thì khó tạo nên sự thống nhất, dẫn đến vừa khó vay vốn, vừa dễ dẫn đến rủi ro cho cả bên vay và bên cho vay.
Hoài Phi