
Nói đơn giản, ông Mai Trọng Tuấn đề xuất mở đường bay thẳng từ sân bay Nội Bài (Hà Nội) đến sân bay Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh) chỉ dài hơn 1.000 km so với hơn 1.200 km như đường bay hiện nay. Như vậy, đường bay thẳng Hà Nội - TP Hồ Chí Minh bay dọc kinh tuyến 106o đông, trong đó có 410 km trên không phận Việt Nam, khoảng 500 km trên không phận Lào và Cam-pu-chia. Rõ ràng nếu mở đường bay thẳng này sẽ rút ngắn được khoảng 200 km có hiệu quả kinh tế rất lớn, tiết kiệm d dược thời gian và đem lại rất nhiều lợi ích khác. Vậy tại sao việc mở đường bay này chưa thể thực hiện được.
Theo ông Lại Xuân Thanh, Phó cục trưởng Cục hàng không dân dụng Việt Nam , ông Bùi Văn Võ, Trưởng ban quản lý bay và các chuyên gia có uy tín của Cục hàng không và Vietnam Airline thì ý tưởng của cựu phi công Mai Trọng Tuấn không có gì mới vì từ những năm 1980 của thế kỷ trước, Cục hàng không Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia đã nghiên cứu về việc mở đường bay thẳng nhưng vì nhiều lý do khác nhau (chủ yếu là kỹ thuật) nên không thể thực hiện được. Trước hết đường bay thẳng sẽ là đường bay quốc tế vì phải qua không phận Lào và Cam-pu-chia chứ không thể là đường bay nội địa như đường bay hiện nay nên có nhiều vấn đề về pháp lý và chi phí cần giải quyết. Hai là các yếu tố kỹ thuật như hệ thống dẫn đường, vùng quản lý bay, yếu tố không lưu - thời tiết, đường bay cất - hạ cánh. Ba là liên quan đến vấn đề an ninh quốc phòng, vùng cấm bay...Nếu coi ý tưởng của cựu phi công Mai Trọng Tuấn là một đề án thì đề án này quá sơ sài, thiếu tính khả thi vì dựa vào nhiều thông tin lạc hậu.
Những người ủng hộ đề án này trong đó có Hội Khoa học kinh tế Việt Nam là đã phản bac lại các lập luận của Cục hàng không dân dụng việt Nam cho là các yếu tố trên không có vấn đề gì khó khăn không giải quyết được, quy kết cục lập luận ngụy biện, lừa dối Thủ tướng và trì trệ, bảo thủ, không dám đột phá. Qua theo dõi một ngày hội thảo khoa học “Hiệu quả kinh tế từ việc mở đường bay thẳng Hà Nội - TP Hồ Chí Minh” diễn ra ngày chủ nhật 6-12-2008 tại trung tâm Hội nghị quốc tế Lê Hồng Phong (Hà Nội) người ta không khỏi băn khoăn. Trước hết là vị chủ tọa một hội thảo khoa học nhưng dường như chưa khoa học khách quan, dùng nhiều từ ngữ nặng nề về một cơ quan quản lý nhà nước là Cục Hàng không và Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam. Mặt khác các ý kiến bênh vực quá nhấn mạnh về những điều đơn giản ai cũng biết như đường bay thẳng dĩ nhiên là phải ngắn hơn đường bay cong, tiết kiệm thời gian bay đương nhiên là có lợi về tiền bạc và nhiều thứ khác. Được hỏi là làm thế nào để thực hiện được đường bay thẳng thì được trả lời, đấy là trách nhiệm của Cục Hàng không?
Rõ ràng ý tưởng mở đường bay thẳng là ý tưởng tốt, táo bạo rất cần ủng hộ, hoan nghênh. Tuy nhiên từ ý tưởng đến hiện thực là cả quá trình và thực tiễn cho thấy rất nhiều ý tưởng tốt đã không thể thực hiện được.Cần ghi nhận thiện chí và sự cầu thị của Cục hàng không là mời ông Tuấn tham gia nhóm nghiên cứu mở đường bay thẳng.
Vậy nên rất hoan nghênh và đánh giá cao việc Hội Khoa học kinh tế Việt Nam mở hội thảo và khuyến khích tranh luận. Điều cần tránh là không nên biến cuộc tranh luận thành một cuộc cãi vã vượt ra ngoài đề án mở đường bay thẳng. Nếu hội thảo và tranh luận nhưng nếu các bên liên quan không đồng quan điểm và vênh nhau về cách đặt vấn đề, ý định và mục tiêu thì kết quả cũng không đi đến đâu.
Trần Nhung