Ngày 13-8-2009, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị trực tuyến công bố kết quả sơ bộ Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009. Theo đó, tính đến thời điểm 0 giờ ngày 1-4-2009, dân số của Việt Nam là 85.789.573 người; tăng 9,47 triệu người so với năm 1999, bình quân tăng 947 ngàn người/năm. Với số dân như vậy, Việt Nam hiện xếp thứ 3 về quy mô dân số trong khu vực Đông Nam á và xếp thứ 13 trên thế giới.
Tỷ lệ tăng dân số bình quân năm trong giai đoạn 1999-2009 của nước ta là 1,2%/năm, giảm 0,5%/năm so với 10 năm trước. Hai vùng là Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long chiếm diện tích không lớn nhưng có tới 43% dân số cả nước sinh sống. Hai vùng trung du, miền núi phía Bắc và vùng Tây Nguyên rộng lớn nhưng chỉ có 19% dân số sinh sống. 5 tỉnh, thành phố có dân số đông nhất cả nước là TP Hồ Chí Minh với 7.123.340 người, Hà Nội 6.448.837 người, Thanh Hóa 3.400.239 nười, Nghệ An 2.913.055 người, Đồng Nai 2.483.211 người. Tỉnh Bắc Kạn là địa phương có dân số thấp nhất cả nước với 294.660 người. Một số tỉnh, thành phố có tỷ lệ tăng dân số bình quân hằng năm gấp hơn 2 lần mức chung cả nước như Bình Dương (7,3%), TP Hồ Chí Minh (3,5%)... Bình Dương là tỉnh có quy mô dân số tăng hơn 2 lần trong 10 năm qua. Vùng Đông Nam Bộ có tỷ lệ tăng dân số cao nhất với 3,2%/năm. Tây Nguyên là vùng có tổng dân số và mật độ dân số thấp nhất là 5,1 triệu dân và mật độ 93 người/km2 nhưng do có tỷ lệ nhập cư rất cao nên dân số tăng nhanh với tỷ lệ 2,3%/năm.
Những kết quả được công bố trên, cho ta thấy hai ý nghĩa rất quan trọng. Thứ nhất, tốc độ tăng dân số trong 10 năm qua ở nước ta chỉ ở mức 1,2%/năm so với tốc độ tăng 1,7%/năm của giai đoạn 1989-1999. Điều này chứng tỏ sự thành công của quá trình thực hiện chính sách KT-XH và Chương trình dân số - kế hoạch hóa gia đình cả nước. Thứ hai là, tính đến nay, tỷ lệ giới tính giữa nam và nữ vẫn ở mức khá cân bằng (nam chiếm 49,5% tổng số dân số, với tỷ lệ 98,1 nam/100 nữ), chưa có dấu hiệu của sự mất cân bằng giới tính như một số cảnh báo đưa ra trước đây.
Vân Trang