Thượng tá Hiệp cho biết, 10 năm trở lại đây, Sơn La là địa bàn trung chuyển ma túy lớn từ khu vực Tam giác vàng qua một số tỉnh bắc Lào thẩm lậu qua biên giới vào các huyện Mộc Châu, Vân Hồ, Sông Mã, Sốp Cộp của tỉnh Sơn La-một phần để đáp ứng “nhu cầu” của hơn 10.000 người nghiện ma túy trên địa bàn, số còn lại được đưa đi tiêu thụ ở các tỉnh phía Bắc và Trung Quốc. Phương thức, thủ đoạn chủ yếu là tổ chức các toán, nhóm sử dụng vũ khí quân dụng, lợi dụng địa hình trên dãy núi Pha Luông, cấu kết chặt chẽ với một số đối tượng người dân tộc thiểu số ở khu vực biên giới và nội địa tiếp giáp để tổ chức vận chuyển ma tuý qua biên giới. Điều đặc biệt nguy hiểm là các đối tượng người dân tộc thiểu số có mối quan hệ đồng tộc, dòng họ khá chặt chẽ. Tính cộng đồng đó chi phối khá toàn diện trong hoạt động vận chuyển, buôn bán ma túy. Các đối tượng sẵn sàng huy động cả bản, cả dòng họ bao vây, cản trở, chống lại người thi hành công vụ một cách quyết liệt, sẵn sàng bắn trả lực lượng chức năng khi bị phát hiện, bắt giữ.
Đặng Văn Hiệp ngậm ngùi kể: Ngày 28-1-2015, lực lượng chức năng phát hiện một người đàn ông điều khiển xe máy có nhiều biểu hiện bất thường, nghi vận chuyển trái phép chất ma túy trên quốc lộ 43, hướng từ cửa khẩu Lóng Sập ra thị trấn Mộc Châu. Tổ công tác liền triển khai đội hình vây bắt. Đối tượng là Tráng A Trá-từng có tiền án 7 năm tù về tội ma túy, sử dụng súng quân dụng chống đối quyết liệt. Trung úy Bùi Công Nguyên đã anh dũng hy sinh, để lại người vợ trẻ và con gái mới 3 tuổi.
Theo Thượng tá Đặng Văn Hiệp thì những năm qua, số vụ, đối tượng và tang vật ma túy thu giữ, bắt giữ trên địa bàn tỉnh Sơn La luôn ở mức cao so với toàn quốc cũng như các tỉnh trên toàn biên giới Việt-Lào. Từ năm 2006 đến nay, các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ trên 8.200 vụ, trên 12.200 đối tượng; thu giữ gần 660kg heroin, gần 510.000 viên ma túy tổng hợp, hơn 102kg thuốc phiện, 17,9kg ma túy dạng đá, 8,7 tỷ đồng, 78 ô tô, gần 2.400 xe máy, 49 khẩu súng, 1.856 viên đạn các loại cùng nhiều tang vật khác. Có những thời điểm, toàn tỉnh phát hiện hơn 20.000 người nghiện ma túy, chiếm gần 2% dân số toàn tỉnh và trong gần 10 năm qua, số người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh luôn ở mức trên 8.000 người, chiếm 0,8% dân số.
Trước tình trạng đó, Công an Sơn La mà trực tiếp là lực lượng Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy tích cực tham mưu cho Ban Giám đốc Công an tỉnh để tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh triển khai thực hiện nhiều chương trình, kế hoạch đấu tranh, từng bước kiềm chế tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy. “Trong đó, chúng tôi luôn nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của quần chúng nhân dân và các đoàn thể, tổ chức mà hội CCB các cấp là một lực lượng vô cùng quan trọng” - Thượng tá Hiệp chia sẻ.

“Không có gì bí mật”
Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh hội CCB Sơn La - Phan Đức Thanh luôn tất bật trong suốt thời gian diễn ra Hội nghị. “Tính tôi nó vậy, việc chưa xong mình chưa yên tâm”, anh cười xòa. Tuy vậy, do “ưu tiên” Báo CCB Việt Nam nên anh cũng tranh thủ dành những khoảnh khắc “tạm ổn” để trao đổi, làm rõ cái ý “vô cùng quan trọng” mà Thượng tá Hiệp dùng để đánh giá hoạt động của các cấp Hội CCB tỉnh trong cuộc chiến với “cái chết trắng” ở Sơn La.
Thực ra thì cũng không có gì bí mật - anh Thanh tâm sự. Cũng như nhiều tổ chức, đoàn thể khác, Tỉnh hội quan tâm chỉ đạo các cấp phối hợp tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia hoạt động phòng, chống tội phạm ma túy. Tuy nhiên, bản thân mình phải “sạch” thì mới giúp người khác hết “bẩn”. Do vậy, các cấp hội trước hết tổ chức cho cán bộ, hội viên cam kết nói không với ma tuý.

  • Thế ra trong số CCB cũng có người “gắn bó” với cái thứ chất độc này à? - Tôi hỏi.
  • Cũng là con người mà - anh Thanh trầm ngâm. Trước đây, do bị các đối tượng tội phạm ma tuý lợi dụng đời sống sinh hoạt còn khó khăn để dụ dỗ, lôi kéo nên có lúc (cuối năm 2012) có đến 100 hội viên sử dụng ma túy và 13 hội viên có liên quan đến ma túy. Nghĩ mà đau!
    Giờ thì hết “đau” rồi. Những hội viên từng bị “nàng tiên nâu” cướp hồn nay đều cai nghiện thành công, không có trường hợp tái nghiện. 100% cán bộ và trên 86,5% hội viên; 100% các chi hội, hội CCB xã, phường, thị trấn, huyện, thành phố ký kết nói không với ma tuý.
    “Công đoạn” tiếp theo là phối hợp với Đoàn Thành niên, Hội Phụ nữ… tổ chức các CLB “Nói không với ma túy”, “Tuổi trẻ sống, làm việc theo pháp luật”; duy trì hoạt động có hiệu quả hòm thư tố giác, phát giác tội phạm và các tệ nạn xã hội ở bản, tổ dân phố...; duy trì tổ chức hoạt động của tổ liên gia tự quản với nòng cốt là hội viên CCB. “Trong đó, chúng tôi đặc biệt chú trọng thực hiện những hình thức và biện pháp công tác phù hợp với bà con các dân tộc thiểu số, các dòng tộc” - anh Thanh yêu cầu tôi chép cẩn thận chi tiết này. “Sống còn đấy, ông ạ”.
    Giai đoạn 2012-2016, Hội CCB tỉnh tổ chức 4 lớp tập huấn cho 265 cán bộ chủ chốt các cấp Hội về công tác phòng, chống ma túy; phối hợp tổ chức tuyên truyền được 1.868 buổi cho hội viên và nhân dân về ý thức chấp hành pháp luật và tác hại của ma túy; vận động người dân phát hiện, tố giác người nghiện, các tụ điểm buôn bán ma túy ở địa phương...
    Đến nay, được sự hướng dẫn, giúp đỡ của lực lượng công an và do làm tốt các mặt công tác phòng, chống ma tuý, các cấp hội trong toàn tỉnh tuyên truyền, vận động 37 người nghiện điều trị bằng methadone tại các cơ sở điều trị. Phối hợp quản lý, theo dõi và tạo điều kiện giúp đỡ cho 95 đối tượng sau cai nghiện về làm ăn phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng và không tái phạm. Phối hợp và tạo điều kiện cho lực lượng chức năng phát giác 128 đối tượng, triệt phá 20 tụ điểm ma túy và 550m2 cây có chứa chất gây nghiện...
    Anh Thanh giở sổ tay liệt kê các điển hình tiêu biểu trong công tác phòng, chống tội phạm ma túy: Chi hội CCB bản Nà Lương, huyện Phù Yên; Hội CCB các xã Chiềng Dong, Mường Bằng, Chiềng Ve, thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn; Chi hội bản Thông, xã Mường Khiêng, huyện Thuận Châu… Các ông Hoàng Văn Ốn-Chi hội trưởng Hội CCB bản Dèm Hạ 2; Quàng Văn Tỉnh-Chủ tịch Hội CCB xã Mường Khiêng; Nguyễn Trí Hùng-Chi hội trưởng tiểu khu 3 huyện Mường La. Còn nhiều người nữa anh ạ!
    Đúng là không có gì bí mật trong thành quả mà những CCB tỉnh Sơn La gặt hái được trong cuộc chiến cam go, phức tạp này. Vì một lẽ thường tình: Họ đã gìn giữ, phát huy bản chất Bộ đội Cụ Hồ trên mặt trận mới-bất chấp khó khăn, hiểm nguy, cám dỗ… để góp phần mang lại sự an lành cho quê hương.
    Bài và ảnh: Đăng Song-Đức Thanh