Tôi biết, ông là một trong những cán bộ hội nhiệt tình, tâm huyết, có trái tim đồng cảm, sẻ chia cùng các nạn nhân và gia đình nạn nhân chất độc da cam. Năm nay ông đã 75 tuổi, có hơn 30 năm tham gia quân đội. Cái tuổi được Nhà nước, quân đội cho nghỉ ngơi sau mấy chục năm trận mạc, vậy mà ông vẫn chưa có lấy một ngày nghỉ trọn vẹn. Năm 1990, được cấp trên cho về nghỉ hưu với quân hàm đại tá, lại đúng vào dịp ra đời Hội CCB Việt Nam, theo yêu cầu của Đảng, ông đảm nhận chức vụ Chủ tịch Hội CCB huyện Cẩm Xuyên và làm việc hơn 10 năm liền. Khi có chủ trương thành lập Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin, theo yêu cầu của Huyện ủy và UBND, ông lại tiếp tục nhận nhiệm vụ làm Chủ tịch. Vừa lo tổ chức cho Hội hoạt động có hiệu quả, đem lại niềm tin cho gia đình các nạn nhân, ông vừa lo tìm kiếm, kêu gọi các đơn vị, các tổ chức, doanh nghiệp giúp đỡ ủng hộ. Với chiếc xe đạp cà tàng, ông đã đi đến rất nhiều nơi trong địa bàn của huyện. Càng đi ông càng nhận ra một điều, “còn nhiều lắm các gia đình nạn nhân chất độc da cam chưa được hưởng chế độ gì cả”. Từ đó đi đến đâu ông lập danh sách tới đó, cùng với các đồng chí chuyên trách ở các xã, ông đã đến được 1.817 trong tổng số 2.273 hộ có người bị nhiễm chất độc da cam.

Để công việc được nhanh hơn, tốt hơn, giờ đây ông đã đi được xe máy, dùng được điện thoại di động, lại có thêm cả máy ảnh kỹ thuật số. Ông cho biết: xe máy để đi được nhanh, điện thoại để liên lạc thuận lợi, máy ảnh để ghi lại hình ảnh các gia đình có người bị nhiễm chất độc da cam. Gần một năm nay, người dân ở huyện Cẩm Xuyên đã quen với hình ảnh một ông già tóc bạc phơ, dáng người cao kều ngồi trên xe máy, vai đeo máy ảnh kỹ thuật số, len lỏi khắp đường thôn ngõ xóm, tìm về các gia đình bị nhiễm chất độc da cam. Trong số 1.817 hộ gia đình đã được thống kê, hưởng chế độ có rất nhiều người là cán bộ chiến sĩ cùng đơn vị chiến đấu trên các chiến trường những năm đánh Mỹ; trong đó có nhiều CCB hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như gia đình CCB Nguyễn Văn Hóa (xã Cẩm Vịnh), gia đình cựu TNXP Trần Thị Xuân, gia đình CCB Mai Văn Thìn...

Riêng gia đình CCB, thương binh Nguyễn Văn Hóa (xã Cẩm Vịnh), sinh ra 5 đứa con, 2 cháu đầu đã mất, 3 cháu còn lại mỗi cháu một căn bệnh hiểm nghèo; trong đó có cháu Nguyễn Thị Oanh năm nay 20 tuổi, từ bé đã bị một khối u trùm kín mặt khiến cho mắt và miệng lệch sang một bên. Nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình của bác Lộc, Quỹ “Tấm lòng vàng” của Báo Lao động phối hợp với Viện Răng hàm mặt ở Hà Nội thuê bác sĩ người Hàn Quốc phẫu thuật, đến nay gương mặt cháu Oanh đã dần được trả lại bình thường.

Theo lời ông Lộc kể lại thì hầu như tất cả các nạn nhân và gia đình nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin đều là những gia đình nghèo nhất trong diện nghèo. Ông đã cùng địa phương tổ chức nhiều phong trào, phát động nhiều đợt quyên góp ủng hộ giúp đỡ các gia đình nạn nhân với số tiền thu được hàng trăm triệu đồng. Năm 2010, Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện Cẩm Xuyên đã xin hỗ trợ xây được 14 nhà tình nghĩa trị giá gần 500 triệu đồng, huy động được 40 suất học bổng cho các con em gia đình CCB nhiễm trị giá hơn 70 triệu đồng, phối hợp với các cơ quan đơn vị tặng 571 suất quà trị giá mỗi suất 500 ngàn đồng; hiện đang phối hợp với Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh Hà Tĩnh xây dựng Trung tâm nuôi dưỡng bán trú phục hồi chức năng, dạy nghề nạn nhân chất độc da cam và người khuyết tật trị giá gần 10 tỷ đồng.

Với những cống hiến vì cuộc sống gia đình các đồng đội, năm 2010 ông Lộc đã vinh dự được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ nhân dịp sơ kết 4 năm cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh “ của Đảng bộ tỉnh Hà Tỉnh.

Bài và ảnh: Lê Anh Thi