Hội viên Thành cổ  Quảng trị tai Đà Nẵng thắp hương tưởng niệm Anh hùng Liệt sĩ tại đài tưởng niệm Thành cổ Quảng Trị

    Từ ngày 11 đến 13/ 7, Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 tại Đà Nẵng tổ chức chuyến Hành trình thăm lại chiến trường xưa Quảng Trị. Các hội viên đến viếng các NTLS Trường Sơn, Đường Chín; thắp hương, tưởng niệm các liệt sĩ tại ngã ba Long Quang; tham dự cùng Hội CSTCQT toàn quốc tổ chức Lễ Mít tinh, thả hoa đăng trên sông Thạch Hãn, dâng hương hoa tại Đài Tưởng niệm Thành cổ và chương trình Văn nghệ “Hát về đồng đội”. Các hoạt động “tri ân – tưởng niệm” để lại ấn tượng sâu sắc trong nghĩa tình đồng chí, đồng đội cùng chung chiến hào chiến đấu tại Thành cổ - thị xã Quảng trị cách đây 50 năm đã góp phần đánh bại ý đồ tái chiếm Quảng Trị của ngụy quyền Sài Gòn. 81 ngày đêm Thành Cổ viết lên khúc tráng ca sáng mãi với thời gian đã ghi vào lịch sử của dân tộc một mốc son sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng với tinh thần chiến đấu dũng cảm, kiên cường “còn người còn Thành cổ” của bộ đội ta.

   Trong thời gian tham quan, tôi gặp, trao đổi với đồng chí Phạm Văn Hải, Chủ tịch Hội CSTCQT tại Đà Nẵng cho biết: qua 2 nhiệm kỳ Đại hội từ năm 2013 đến nay, Hội thực hiện mục tiêu “Tri ân quá khứ - Thắp sáng tương lai”. Từ nguồn kinh phí của Hội CSTCQT toàn quốc và hội viên trong Hội đóng góp đã trao tặng 5 căn nhà “Ấm tình đồng đội” trị giá mỗi căn nhà 50 triệu đồng, trong đó có 2 nhà cho Mẹ VNAH tại Đà Nắng và tỉnh Quảng Nam. Trao tặng Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị một bộ Lư hương bằng đá Non Nước trị giá 80 triệu đồng. Thăm tặng quà, xe đạp, tiền cho các con thương binh, liệt sĩ và  hội viên CCB có hoàn cảnh khó khăn tại các tỉnh Quảng Trị và Thái bình trị giá 100 triệu đồng. Tổ chức cho các hội viên đi quan các địa danh, di tich lịch sử tại các tỉnh Quảng Trị, Điện Biên, Phú Quốc, Quảng Bình...

Tưởng niêm các anh hùng liệt sĩ tại Đài Chứng tích sinh viên Thành cổ - nơi ghi dấu máu xương của tuổi trẻ

    Các hội viên giành nhiều thời gian thăm lại nơi những trận đánh mình và đồng đội cùng chiến đấu, như trận đánh của c5, d2, e48 (f320) tai ngã 3 Long Quang. Nơi đây được mệnh danh “ngã ba Lửa”, “ngã ba Bom” tạo thành lá chắn Thép đánh bại nhiều đợt tấn công của quân ngụy trên hướng chủ yếu phía Tây Nam thị xã Quảng Trị. Tại đây, đồng chí Võ Như Thắng, bị thương nặng phải chuyển về tuyến sau và ra miền Bắc điều trị. (nghỉ hưu, đồng chí Thắng cấp hàm Trung tá, nguyên cán bộ Quân báo Vùng 3 Hải quân). Thượng tá, Lương Sỹ Khanh, nguyên Bác sỹ chuyên khoa cấp 1, Vùng 3 Hải Quân, trong thời gian phục vụ chiến đấu tại Thành Cổ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đồng chí Khanh vinh dự được Kết nạp vào Đảng tại Thành cổ ngày 12/8/1972. Sau ngày 16/9/1972 rút quân về chốt phòng ngự tại Bắc sông Thạch Hãn, đồng chí Trần Quốc Tam, cùng đồng đội e18 (f325) kiên cường bám trụ chiến đấu tiêu diệt gọn 1 tiểu đoàn Thủy quân Lục chiến sáng 03/11/1972, khi trong đêm quân ngụy bí mật vượt qua Bắc sông với ý định đánh vào thôn Nhan Biều, chiếm QL1A tiến quân ra Đông Hà. (sau nảy đồng chí Tam mang cấp hàm Đại tá, nguyên Phó Tham mưu trưởng f2, Quân khu 5). Cho dù bị thương nặng, đồng chí Vũ Ngọc Thanh, Đại đội trưởng đại đội 5, d6, e209, (f312) vẫn tiếp tục Chỉ huy đơn vị chiến đấu tiêu diệt nhiều sinh lực địch tại khu vực Nhà thờ Phước Môn cho đến khi được Quân y cấp cứu đưa về tuyến sau. (đồng chí Thanh giữ hàm Thạc Sỹ, nguyên Trưởng khoa Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, khu vực 3 Đà Nẵng). Đại tá Nguyễn Đức Phú, phòng Thông tin QK5 (chiến sĩ Thông tin Thành cổ) đứng trước Đài Chứng tích sinh viên Thành cổ, (Quảng trị) đọc cho tôi nghe bài thơ: Vẫn Mãi Xanh của Minh Phồn, nữ sinh viên K14 khoa Vô tuyến điện gửi tặng anh và đồng đội Thành cổ. Đồng chí Phú xúc động nước mắt muốn trào khi gặp và nhận bó hoa đẹp của Minh Phồn trao tặng ở nơi mảnh đất linh thiêng và nhiều kỷ niệm đau thương khi nhiều bạn là sinh viên trường Đại học tình nguyện gác bút nghiên lên đường chiến đấu giải phóng miền Nam đã anh dũng hy sinh tại Thành Cổ này. Cùng đứng quán sát vết tích chi chít mảnh bom, đạn trên tường - Trường Bồ Đề (phía Tây Thành cổ), Đại tá, Anh hùng LLVT Nhân dân Nguyễn Đức Hiền, nguyên Uỷ ban Kiểm tra Đảng ủy Quân khu 5 cho biết: cách đây 50 năm, tôi Chính trị viên tiểu đoàn 8 (e95) làm nhiệm vụ chốt, phòng ngự chiến đấu tại nơi này, khoảng 4 giờ ngày 16/9/1972 nhận lênh của cấp trên rút quận về Bắc sông Thạch Hãn. Quân số của đơn vị còn 45 đồng chí, trong đó có 19 thương binh cùng đồng đội lội bì bỏm dưới giao thông hào ngập nước. Ra bến bờ Nam sông, Quảng trị trời mưa nước trên thượng nguồn đổ về hung dữ cuộn chảy. Đồng chí Hiền truyền đạt tinh thần: 2 người khỏe dìu giúp một thương binh cùng vượt sông. Khi đồng đội bơi qua bờ Bắc, vì nước chảy mạnh đẩy trôi nhiều đồng chí mặc kẹt trên bui cây, cành tre, bờ đất. Không ai bảo ai đều ngoảnh lại nhìn về Thành Cổ mắt nhòa lệ, trong đó có các đồng chí nói: “mới đêm qua chúng mình cùng chung chiến hào chiến đấu mà giờ đây đã có nhiều đồng đội nằm lại yên nghĩ vĩnh hằng nơi Thành Cổ”. Thị xã Quảng Trị trời mưa, có những giây phút im lặng lạ thường. Tôi (tác giả), cùng lực lượng vận tải, quân y ở bờ Bắc sẵn sàng ứng cứu đồng đội từ Thành Cổ bơi về, nhớ và viết lại:

Ngoảnh lại nhìn Nam sông - Thành Cổ

Không tiếng súng, không bom rơi, đạn rít

Không nghe tiếng bộ đội xung phong

Chỉ còn lại những thân xác đồng đội

Hóa thân mình trong bùn đất, gạch vụn Cổ Thành.

                                                                                        Bài và ảnh: Nhân Mùi