“F0 được ra khỏi nơi cách ly”. Đó là một trong những nội dung chính trong hướng dẫn của Bộ Y tế vừa ban hành ngày 14-3. Nhưng nghe ra dư luận không quan tâm lắm. Vì không ít F0 ra nơi cách ly cũng đã lâu rồi, thậm chí còn đi làm! Vả lại, khái niệm “ra khỏi nơi cách ly” với “ra khỏi nhà” còn có cái gì đó mập mờ, không rõ ràng.

Điều mà nhà nhà, người người đang rất quan tâm hiện nay là Bộ Y tế có một phác đồ điều trị chuẩn nhất cho F0 ở từng độ tuổi, phát đến từng hộ dân cư. Đây là điều tưởng dễ nhưng hoá ra lại khó, vì cơ quan quản lý thì thông tin chung chung, trong khi “cò thuốc” ngoài thị trường thì tận dụng tối đa mạng xã hội quảng cáo rùm beng, kiểu “không khỏi không lấy tiền”... để nâng loại thuốc này, hạ loại thuốc kia.

Đó là chưa kể đã có thông tin bán tín, bán nghi, rằng dùng thuốc Molnupiravir  (loại thuốc được Bộ Y tế chính thức cấp phép sử dụng) có thể để lại di chứng không tốt cho người bệnh? Tuy nhiên, trước những thông tin trái chiều này, đến nay vẫn chưa thấy Bộ Y tế có thông báo chính thức là đúng hay sai, mà chỉ thấy một số người danh xưng cá nhân, lên nói ở truyền hình cũng rất chung chung, làm cho F0 đã rối lại càng rối hơn.

Chưa hết. Giấy tờ chứng nhận cho F0 đã cách ly, đã khỏi bệnh, đã dùng thuốc, được ra ngoài… thì thôi rồi! Có thể nói là hàng chục loại giấy, mỗi phường, mỗi xã một khác, không chỉ khổ cho F0 mà gia đình F0 cũng bị phiền luỵ.

Từ kết quả của nỗ lực tiêm vắc-xin, hiện nay nhiều nước trên thế giới đã coi Covid-19 như bệnh đặc hữu. Nước ta là một trong ít những nước có tỷ lệ bao phủ vắc-xin cao nhất thế giới.  

Đầu tháng 3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng yêu cầu Bộ Y tế đánh giá chính xác tình hình dịch bệnh, có các biện pháp phù hợp, hiệu quả để tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem Covid-19 là bệnh đặc hữu.

Cả nước đang chờ tin vui đó, nhưng trước mắt cần Bộ Y tế có những quy định, hướng dẫn cụ thể, rõ ràng hơn để F0 “dễ thở” hơn.

Huy Thiêm