Trong các ngày từ 17-23/7, tại Bali đã diễn ra một loạt hội nghị quốc tế quan trọng, bao gồm Hội nghị các quan chức cấp cao ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng ASEAN lần thứ 44, Hội nghị sau hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN và Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 18.

10 quốc gia ASEAN, gồm Brunei, Campuchea, Indonesia, Lào, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, cũng đã mở các cuộc họp song phương và các phiên họp của từng nhóm với các nhà ngoại giao hàng đầu của các nước láng giềng quan trọng và các đối tác then chốt của khối gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ.

Tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN-Trung Quốc diễn ra chiều 21/7, các Ngoại trưởng ASEAN và Trung Quốc đã đạt được sự nhất trí và chính thức thông qua Quy tắc hướng dẫn thực thi Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

ARF 18 đánh dấu thành công quan trọng của các hội nghị song phương và đa phương các quan chức cấp cao và Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN với các đối tác do ASEAN tổ chức thường niên nhằm chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) và các Hội nghị cấp cao liên quan, sẽ diễn ra cũng tại Bali vào tháng 11 năm nay.

Hội nghị khẳng định tầm quan trọng và vai trò của ASEAN trong việc xây dựng và chia sẻ các chuẩn mực trong quan hệ giữa các quốc gia trong khu vực; nhất trí ARF tiếp tục là diễn đàn quan trọng trong khu vực, trao đổi về các vấn đề an ninh cùng quan tâm.

Về vấn đề Biển Đông, hội nghị nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết tranh chấp giữa các bên liên quan bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật biển năm 1982 của Liên hợp quốc (UNCLOS), bảo đảm thực hiện hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Tìm ra một giải pháp cho vấn đề tranh chấp lãnh thổ trong vùng Biển Đông giữa một số nước thành viên ASEAN và Trung Quốc là đề tài được đặt lên hàng đầu trong lúc các Ngoại trưởng ASEAN và các nước đối tác tụ hội tại Bali.

Một số chính phủ trong vùng tuyên bố rõ họ coi ASEAN là cơ sở chính để giải quyết tranh chấp. Năm 2002, ASEAN làm việc với Trung Quốc và đi đến DOC - được coi là nền tảng để tránh các cuộc xung đột trong khu vực.

Có ý kiến cho rằng riêng liên quan vấn đề Biển Đông, các hội nghị ở Bali đã mang đến kết quả khác hẳn, mở ra một hành lang giải quyết những bất đồng vốn bế tắc lâu nay, đặc biệt là khi Trung Quốc và các nước ASEAN đã nhất trí về một bộ quy tắc hướng dẫn thực thi DOC để giải quyết tranh chấp lãnh thổ, sau gần một thập kỷ đàm phán.

Các nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ và khu vực đã ca ngợi việc các bên đạt được thỏa thuận sơ bộ để giải quyết tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.

Tại Bali, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton kêu gọi tìm cách tiếp cận đa phương giải quyết vấn đề này. Bà cho rằng, từng nước cần giải thích vì sao tuyên bố chủ quyền của nước đó phù hợp với luật pháp quốc tế, và kêu gọi các bên trong vụ tranh chấp ở Biển Đông đưa ra chứng cớ pháp lý cho tuyên bố chủ quyền của mình.

Nhưng sau đó, vẫn duy trì tư tưởng tiếp cận song phương, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì nói với các phóng viên rằng vấn đề này cần phải được giải quyết thông qua đối thoại hữu nghị.

Trung Quốc vẫn phản đối đưa ra bộ quy tắc ứng xử có tính ràng buộc theo như đề nghị của ASEAN và Mỹ.

Theo giới phân tích, nội dung văn bản Quy tắc hướng dẫn thực thi DOC mà Trung Quốc và ASEAN đạt được chỉ là các bước hướng dẫn cách thức thực hiện cụ thể các điều khoản của DOC. Lâu nay, hai bên không nhất trí thông qua văn bản này là do bất đồng về cách thức tiến hành: ASEAN muốn bàn bạc, thống nhất với nhau trước, sau đó mới bàn với Trung Quốc; trong khi Trung Quốc không đồng ý bàn với ASEAN như là một khối.

Bất đồng nữa liên quan đến việc ASEAN muốn thực thi đầy đủ các điều khoản của DOC, trong khi Trung Quốc chỉ chú trọng vào các dự án hợp tác.

Hiện trong khu vực có hai cơ chế trực tiếp liên quan đến quản lý tình hình Biển**Đônglà Công ước luật biển 1982 và Tuyên bố DOC 2002.

Công ước luật biển 1982 là văn bản quan trọng nhất, phổ quát nhất quy định quyền và nghĩa vụ của các quốc gia liên quan đến biển, trong đó bao gồm các quy định về giải quyết tranh chấp liên quan đến biển.

DOC được ký kết nhằm mục đích quản lý tranh chấp thông qua khuyến khích các bên kiềm chế không làm phức tạp tình hình, tăng cường xây dựng lòng tin và thúc đẩy hợp tác. Tuy nhiên, DOC là văn bản chính trị không có giá trị pháp lý nên không có giá trị ràng buộc và không có chế tài để xử lý vi phạm.

Hoàng Linh (TH)