Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp.

Sáng 14-3, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ 31 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Chủ tịch Quốc hội cùng các Phó chủ tịch Quốc hội sẽ luân phiên điều hành nội dung phiên họp.

Dự phiên họp có: Ủy viên   Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Phó thủ tướng Chính phủ   Trần Lưu Quang; cùng đại diện các ban, bộ ngành Trung ương và TP Hà   Nội.        

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 31 trong thời gian 3,5 ngày, dự kiến cho ý kiến, xem xét, quyết định các nội dung quan trọng.

Trong đó, về công tác lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về giải trình, tiếp thu đối với 7 dự án luật trước khi xin ý kiến đại biểu Quốc hội tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, sau đó trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ bảy, gồm: Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi); dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); dự thảo Luật Đường bộ; dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, tiến độ chuẩn bị các dự án luật của Chính phủ, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan tích cực và sớm hơn so với kỳ họp trước đây. Trong các dự án luật trình lần này đều được các đồng chí Phó chủ tịch Quốc hội phụ trách ngành và lĩnh vực cùng với cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra làm việc rất kỹ lưỡng, nhiều vòng, nhiều lần tiếp thu ý kiến một cách tối đa những ý kiến xác đáng của đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học và tiếp tục chỉnh lý, sửa đổi, bổ sung và cơ bản so với dự thảo đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 được hoàn thiện thêm một bước rất cơ bản.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, tại Phiên họp tháng 3 này, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ dành thời gian nghiên cứu, cho ý kiến đóng góp chất lượng vào các dự án luật một cách tốt nhất, nhất là một số dự án luật có những nội dung khó và có ý kiến khác nhau.

Nhóm vấn đề thứ hai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét quyết định việc thành lập sắp xếp một số đơn vị hành chính thuộc tỉnh Bình Dương, tỉnh Tiền Giang. Đây cũng là một trong những nội dung trọng tâm để thực hiện nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị và chủ trương sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp xã và cấp huyện; đồng thời triển khai thực hiện Nghị quyết số 06 của Bộ Chính trị về phát triển đô thị trong thời kỳ mới.

Cũng trong phiên họp tháng 3 này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ xem xét, cho ý kiến đối với Báo cáo công tác dân nguyện tháng 2-2024.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng thông tin về nhóm vấn đề thứ ba: Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến dành một ngày (dự kiến ngày 18-3) để thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với hai nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính và lĩnh vực ngoại giao.

Các nội dung chất vấn này dự kiến sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp và có kết nối với Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố; có sự tham gia của một số Phó thủ tướng và một số đồng chí bộ trưởng, trưởng ngành có liên quan.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho biết, trong tháng 3 sẽ còn phiên chuyên đề về xây dựng pháp luật và đến phiên họp thường kỳ của tháng 5 sẽ cơ bản hoàn tất các nội dung có liên quan đến việc chuẩn bị cho Kỳ họp thứ bảy. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Tổng thư ký Quốc hội rà soát với tinh thần giải quyết những vấn đề cấp thiết, nhưng trên tinh thần chuẩn bị rất kỹ lưỡng, chu đáo và đủ trình tự, thủ tục các nội dung phiên họp.

QĐND