Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 trị giá 11 tỷ USD chạy dưới Biển Baltic sắp hoàn thiện sẽ tăng gấp đôi nguồn cung khí đốt từ Nga sang châu Âu.

Can thiệp vào nội bộ nước khác từ lâu đã là chuyện bị lên án trong quan hệ quốc tế. Vậy mà chuyện hợp tác với Nga và Đức để đưa khi đốt từ Nga sang Đức với giá rẻ hơn và bảo đảm an ninh năng lượng cho phần còn lại của châu Âu thông qua dự án Dòng chảy phương Bắc 2 lại bị Mỹ can thiệp, phản đối ngay từ đầu. Thế nhưng, ngăn dòng hợp tác khí đốt này đâu dễ.

Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 đã bị đình lại khoảng 1 năm trước, nhưng việc xây dựng được tiếp tục vào cuối tuần qua để hoàn thành nốt khoảng 6% trong tổng chiều dài 1.200km của đường ống chạy dưới biển Baltic. Ngoài Tập đoàn khổng lồ Gazprom của Nga, các công ty quốc tế tham gia dự án bao gồm nhiều "ông lớn" của châu Âu như Wintershall và Uniper của Đức, Shell của Anh và Hà Lan, Engie của Pháp và OMV của Áo. Với trị giá khoảng 11 tỷ USD, dự án Dòng chảy phương Bắc 2 được xây dựng nhằm tăng gấp đôi lượng khí đốt tự nhiên vận chuyển từ Nga tới Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Tất nhiên, với nguồn cung dồi dào như vậy, an ninh năng lượng của châu Âu sẽ được bảo đảm với giá thành rẻ hơn. Bên cạnh đó, với sự gắn kết lợi ích kinh tế bền chặt do dự án này mang lại, các mối quan hệ giữa Nga với các quốc gia châu Âu sẽ được cải thiện hơn về mọi mặt. Đó là tin vui cho Nga và châu Âu, nhưng không phải là tin vui với Mỹ, nhất là khi quan hệ giữa Washington và Moscow đã rơi vào tình trạng “cơm không lành, canh chẳng ngọt” suốt mấy năm qua.

Bởi “kiềng” về chiến lược với Nga, ngay từ khi dự án bắt đầu, Mỹ đã chỉ trích các quốc gia châu Âu phụ thuộc vào năng lượng từ Nga. Với việc dự án được tiếp tục để hoàn thành nốt 6% đường ống còn lại, Mỹ lại lớn tiếng kêu gọi Đức và Liên minh châu Âu (EU) ngừng dự án mà Washington coi là "công cụ chính trị" và tiềm ẩn nguy cơ gây chia rẽ châu Âu của Moscow. Phát biểu trên báo Handelsblatt của Đức ngày 5-12, quyền Đại sứ Mỹ tại Đức - Robin Quinville nhấn mạnh: "Đã đến lúc Đức và EU cần áp đặt lệnh cấm xây dựng đường ống...".

Washington không nói suông. Các biện pháp trừng phạt các công ty liên quan tới dự án Dòng chảy phương Bắc đã được Mỹ ban bố và áp dụng từ vài năm qua. Không dừng lại ở đó, Quốc hội lưỡng viện Mỹ đã thông qua dự thảo ngân sách quốc phòng năm 2021, trong đó có các biện pháp trừng phạt mới đối với việc lắp đặt tuyến đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2. Các biện pháp mở rộng này được đưa vào dự luật về ngân sách quốc phòng của Mỹ nhằm áp đặt hạn chế đối với các công ty bảo hiểm và tổ chức chứng nhận. Ngoài ra, các công ty cung cấp dịch vụ hiện đại hóa hoặc lắp đặt thiết bị hàn trên các tàu tham gia lắp đặt dự án cũng bị trừng phạt.

Như vậy, việc Mỹ muốn ngăn dự án Dòng chảy phương Bắc 2 có thể hiểu là nhằm tránh cho châu Âu bị chia rẽ bởi “công cụ chính trị”. Đó có thực là một ý tốt hay không thì chỉ có châu Âu mới hiểu rõ nhất bởi họ ở gần với Nga hơn Mỹ. Các cuộc chiến ở vùng Vịnh lâu nay do Mỹ phát động vốn đã ảnh hưởng tới nguồn cung năng lượng cho châu Âu, tác động lớn đến phát triển kinh tế của các cường quốc trong khu vực. Bên cạnh đó, việc Mỹ kiểm soát giá dầu bằng dầu đá phiến của mình cũng khiến châu Âu lo lắng. Châu Âu luôn bất an về năng lượng, nhất là khí đốt, mỗi khi mùa Đông đến. Dòng chảy phương Bắc 2 như một liều thuốc giải cho cơn khát năng lượng này.

Tuy nhiên, hiểu theo cách khác thì Mỹ vẫn muốn “bao vây” Nga bằng mọi cách. Không xuất khẩu được khí đốt còn đồng nghĩa với việc Nga không thu được ngoại tệ. Bên cạnh đó, không có đường ống mới này, khí đốt từ Nga sang châu Âu sẽ phải đi đường Ukraine với chi phí cao hơn, công suất thấp hơn một nửa và còn chịu áp lực chính trị. Chuyên gia phân tích Yuriy Korolchuk thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược của Ukraine cho rằng: Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 hoàn thành có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến Kiev, vì vận chuyển khí đốt của Nga qua đường ống ở Ukraine có thể giảm đáng kể. Theo chuyên gia này, việc hoàn tất dự án sẽ đóng vòng vây khí đốt ở châu Âu và đảm bảo khí đốt cho các nước trước đây không được Dòng chảy phương Bắc hay Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ bao phủ.

Mỹ có thể dùng sức mạnh của mình để can thiệp vào dự án nhưng ngăn dòng chảy này không phải điều dễ dàng. Trong khi châu Âu có lập trường riêng của mình thì Nga cũng rất cứng rắn trong việc bảo vệ dự án này. Thư ký báo chí của Tổng thống Nga khẳng định: "Chúng tôi sẽ làm tất cả để bảo vệ lợi ích của mình và bảo vệ lợi ích của các dự án thương mại quốc tế".

Thanh Huyền