Đồng chí Phạm Thanh Hà - Phó chủ nhiệm Văn phòng chủ tịch nước công bố Lệnh của Chủ tịch Nước công bố các Luật.

Sáng 11.12, tại Hà Nội, Văn phòng Chủ tịch Nước tổ chức Họp báo Công bố Lệnh của Chủ tịch Nước công bố các Luật được thông qua tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIV.

Tại buổi họp báo, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch Nước - Phạm Thanh Hà đã đọc Lệnh công bố 7 luật gồm: Luật Bảo vệ môi trường; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Luật Thỏa thuận quốc tế; Luật cư trú; Luật Biên phòng Việt Nam.

Quang cảnh buổi họp báo.

Cụ thể: Tại kỳ họp 10, vào ngày 17-11, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) chính thức được thông qua. Với 16 chương, 171 điều, Luật Bảo vệ môi trường 2020 có nhiều quy định nhằm cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, cắt giảm trên 40% thủ tục hành chính, giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính từ 20-85 ngày.

Ngày 11-11-2020, Quốc hội khóa XIV thông qua Luật Biên phòng Việt Nam. Việc ban hành Luật Biên phòng nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn, đồng thời cụ thể hóa Nghị quyết số 33/NQ-TW của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia. Luật Biên phòng Việt Nam được ban hành đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc, đầy đủ tăng cường hiệu lực trong xây dựng, quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới; đồng thời là cơ sở xây dựng lực lượng vũ trang nói chung, lực lượng bộ đội biên phòng nói riêng ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia trong tình hình mới. Luật Biên phòng Việt Nam có 6 Chương và 36 Điều. Chính phủ sẽ ban hành 2 Nghị định, Bộ Quốc phòng ban hành 2 Thông tư quy định chi tiết thực hiện Luật.

Luật Cư trú năm 2020 được Quốc hội thông qua ngày 13-11-2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2021. Luật Cư trú có 7 chương, 38 điều và có một số nội dung mới; sửa đổi, bổ sung so với Luật Cư trú năm 2006.

Luật Thỏa thuận quốc tế năm 2020 gồm 7 chương, 52 điều, bổ sung một số nội dung mới và có những sửa đổi quan trọng. Luật được Quốc hội thông qua ngày 13-11-2020, có hiệu lực từ ngày 1-7-2021 và thay thế Pháp lệnh Ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế năm 2007.

Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được Quốc hội thông qua ngày 13-11-2020. Luật ra đời nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của hoạt động người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ, thống nhất với Hiến pháp năm 2013 và các luật được Quốc hội ban hành gần đây. Cùng với đó, bảo đảm hội nhập quốc tế, hướng đến các tiêu chuẩn lao động quốc tế và nội luật hoá các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Luật gồm 8 chương, 74 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2022.

Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Phòng - chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) đã sửa đổi, bổ sung 15 Điều và bãi bỏ 2 Điều. Một số nội dung mới cơ bản như: Bổ sung các đối tượng được thông báo kết quả HIV dương tính và tiếp cận thông tin của người nhiễm HIV; mở rộng các đối tượng được ưu tiên tiếp cận thông tin giáo dục truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS; Luật hóa các biện pháp can thiệp giảm tác hại và dự phòng lây nhiễm HIV bằng thuốc kháng HIV… Luật được Quốc hội thông qua ngày 16-11-2020, có hiệu lực từ ngày 1-7-2021.

Ngày 13-11-2020, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính đã được Quốc hội thông qua. Luật đã sửa đổi, bổ sung nội dung của 66/142 điều (trong đó 16 điều, bổ sung toàn diện), sửa kỹ thuật 11/142 điều, bổ sung mới 4 điều, bãi bỏ 3 điều của Luật xử lý vi phạm hành chính hiện hành. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2022.

Tin, ảnh: Vũ Minh