Chưa khi nào những cụm từ “đoàn kết” hay “hợp tác” được lãnh đạo các nền kinh tế lớn trên thế giới lặp đi lặp lại ở cả Hội nghị cấp cao lần thứ 27 Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) lần lượt diễn ra trong tuần qua.

Chẳng phải tự nhiên các nhà lãnh đạo đều nhấn mạnh những cụm từ này bởi thế giới đang đối mặt với những vấn đề toàn cầu mà không một quốc gia đơn lẻ nào có thể tự giải quyết. Đại dịch Covid-19 là một ví dụ không thể không nhắc tới.

APEC với 21 nền kinh tế thành viên năng động, chiếm khoảng 60% GDP toàn cầu, cũng tập trung thảo luận về tình hình Covid-19 để rồi thông qua tầm nhìn mới về hợp tác khu vực giai đoạn sau dịch bệnh. Do vậy, Thủ tướng Muhyiddin Yassin của Malaysia, nền kinh tế chủ nhà APEC 2020, kêu gọi các nền kinh tế nằm trên vành đai Thái Bình Dương đoàn kết chống dịch Covid-19 và thúc đẩy phục hồi kinh tế. Ông Yassin cũng không quên hối thúc các nền kinh tế thành viên APEC đảm bảo quyền tiếp cận vaccine và công nghệ y tế công bằng. Đó chính là thông điệp đoàn kết và hợp tác. Khi thông tin được đăng tải liên tiếp về thành công trong bào chế vaccine ngừa Covid-19 được loan đi, bản thân các nền kinh tế mạnh cũng lo sở hữu các loại vaccine này trong khi các nền kinh tế yếu hơn chật vật với bài toàn kinh tế, ngoại giao để có được chúng.

Không riêng gì tại diễn đàn APEC, cách xa nửa vòng trái đất, những thông điệp tương tự cũng vang lên tại G20. Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến G20, Quốc vương nước chủ nhà Saudi Arabia - Salman bin Abdulaziz cho rằng: “Đại dịch Covid-19 là một cú sốc chưa từng có, ảnh hưởng đến toàn thế giới chỉ trong một thời gian ngắn, gây thiệt hại về kinh tế - xã hội trên phạm vi toàn cầu. Các dân tộc và nền kinh tế của chúng ta vẫn đang phải chịu đựng cú sốc này. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để vượt qua cuộc khủng hoảng này thông qua hợp tác quốc tế”. Cụ thể hơn, Quốc vương Saudi Arabia khẳng định cần phải hợp tác và đưa ra một thông điệp mạnh mẽ về hy vọng và để trấn an người dân thông qua việc áp dụng các chính sách nhằm giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng này. Theo ông, mặc dù thế giới lạc quan về những tiến bộ đạt được đối với việc phát triển vaccine, phương pháp điều trị và xét nghiệm Covid-19, song vẫn phải nỗ lực để tạo ra khả năng tiếp cận công bằng và hợp lý đối với những công cụ này cho tất cả mọi người.

Từ thông điệp của hai diễn đàn lớn của thế giới, có thể thấy yêu cầu hợp tác để cùng vượt qua khủng hoảng do dịch bệnh gây ra là hết sức cấp bách, kể cả khi đã có vaccine ngừa Covid-19. Trên thực tế, G20 đã thể hiện trong nỗ lực chung hoặc của từng nước đơn lẻ đã hỗ trợ các nền kinh tế đang phát triển ứng phó với Covid-19. Cụ thể, 20 nền kinh tế lớn nhất toàn cầu đã đóng góp 21 tỷ USD để đối phó với Covid-19 và đã thực hiện các biện pháp đặc biệt để hỗ trợ nền kinh tế bằng cách bơm hơn 11 nghìn tỷ USD để hỗ trợ các cá nhân và doanh nghiệp. G20 cũng đã hỗ trợ khẩn cấp cho các nước đang phát triển, trong đó có cơ chế chung về việc giãn nợ cho các nước có thu nhập thấp... Đó là những nỗ lực đáng ghi nhận của G20 đối với thế giới.

Hai diễn đàn cùng chung tiếng nói, kêu gọi đoàn kết và hợp tác vượt qua đại dịch, cho thấy tính nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 cũng như các vấn đề về thương mại, môi trường mà lãnh đạo các nền kinh tế nêu ra tại các sự kiện trên. Hơn lúc nào hết, việc chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau, cùng nhau vượt qua cuộc khủng hoảng y tế lần này sẽ chứng tỏ vai trò và trách nhiệm của từng quốc gia, từng nền kinh tế với thế giới mà chúng ta đang sống.

Thanh Huyền