Báo giới trong thời gian qua nói nhiều và viết nhiều về một số trường hợp cán bộ được thăng tiến một cách “thần tốc” nhưng lại chưa đảm bảo các quy định của T.Ư, quy định của địa phương. Sự việc như trường hợp của ông Nguyễn Khắc Thận - Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình là một ví dụ điển hình.

Thông tin về ông Nguyễn Khắc Thận công khai trên Cổng thông tin điện tử tỉnh Thái Bình, nêu: Tháng 6-2006, ông Thận là Phó viện trưởng VKS huyện Quỳnh Phụ. Tháng 8-2010, giữ chức vụ Phó trưởng ban Tổ chức Huyện ủy. Chưa đầy 9 tháng sau, ông Thận lần lượt kinh qua vị trí Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy, rồi được bổ nhiệm làm Phó chủ tịch UBND huyện Quỳnh Phụ vào tháng 6-2011 và đến tháng 6-2014, làm Chủ tịch UBND huyện. Một năm sau (tháng 7-2015), ông Thận làm Bí thư Huyện ủy. Làm Bí thư được 8 tháng (vào tháng 3-2016), ông tiếp tục được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Nội vụ và đến tháng 7-2019, được bầu làm Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình.

Nếu chỉ nhìn vào năm - tháng ông Thận kinh qua các chức vụ và vị trí công tác nêu trên, cho thấy sự thăng tiến của ông Thận là khá nhanh (trong 13 năm kinh qua 8 vị trí). Có ý kiến cho là, nếu ông Thận tài giỏi thực sự và mỗi lần ông kinh qua các chức vụ mà đảm bảo các quy định thì việc “thăng tiến thần tốc” đó cũng không có gì đáng bàn.

Thế nhưng, theo các tài liệu được công khai, khi bổ nhiệm ông Thận làm Phó chủ tịch UBND huyện Quỳnh Phụ vào năm 2011, thời điểm này Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình có quy định về tiêu chuẩn một số chức danh lãnh đạo (Quy định về tiêu chuẩn chức danh Phó chủ tịch UBND huyện ban hành kèm theo Quyết định 341-QĐ/TU ngày 18-4-2007 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình), theo đó, vị trí Phó chủ tịch UBND huyện phải đạt chuyên viên chính trở lên, có trình độ chuyên môn tốt nghiệp đại học trở lên; đối với cán bộ dưới 45 tuổi phải tốt nghiệp đại học hệ chính quy và cao cấp chính trị hệ tập trung. Tuy nhiên, lúc đó, ông Thận 37 tuổi, chỉ có bẳng chuyên môn Cao đẳng Kiểm sát và cử nhân Luật hệ chuyên tu, không đáp ứng tiêu chuẩn “tốt nghiệp đại học hệ chính quy” như quy định.

Tháng 6-2014, ông Thận được bầu giữ chức Phó bí thư - Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Phụ. Vị trí này theo quy định phải đạt tiêu chuẩn nghiệp vụ ngạch chuyên viên chính trở lên, có trình độ chuyên môn tốt nghiệp đại học trở lên; đối với cán bộ dưới 45 tuổi phải tốt nghiệp đại học hệ chính quy... Thời điểm đó, ông Thận mới 40 tuổi, chưa có bằng đại học chính quy và chưa là chuyên viên chính.

Một năm sau, tháng 7-2015, ông Thận tiếp tục được bầu giữ chức Bí thư Huyện ủy, tham gia Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh Thái Bình. Trong tiêu chuẩn chức danh ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh ban hành kèm Quyết định 1891-QĐ/TU, ngày 10-11-2014 quy định: “Có trình độ chuyên môn tốt nghiệp đại học trở lên (đối với cán bộ dưới 45 tuổi phải tốt nghiệp đại học chính quy, nếu tốt nghiệp đại học tại chức phải có bằng thạc sĩ và tương đương trở lên, đúng chuyên ngành đào tạo ở bậc đại học)”. Đối chiếu quy định này, ông Thận cũng không đạt. Cụ thể, ông Thận chỉ có bằng thạc sĩ Quản lý kinh tế hệ tại chức, không phải bằng thạc sĩ Luật - ngành mà ông đã từng được đào tạo ở bậc đại học theo quy định nêu trên.

Đặc biệt, trước khi bổ nhiệm ông Thận làm Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Phụ chưa đầy 1 tháng, vào tháng 5-2014, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình ra quyết định hạ tiêu chuẩn với Chủ tịch UBND huyện. Theo đó, từ tiêu chí bắt buộc “là chuyên viên chính” thành “đủ điều kiện, tiêu chuẩn nghiệp vụ dự thi ngạch chuyên viên chính và tương đương trở lên”. Theo quyết định này, ông Thận lúc đó cũng chỉ đạt về yếu tố chuyên viên và vẫn chưa có bằng đại học chính quy theo quy định.

Ngày 26-7-2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình ra thông cáo báo chí về sự việc sau khi báo chí phản ánh. Cơ quan này khẳng định đã có sửa đổi tiêu chuẩn cán bộ được quy hoạch, bổ nhiệm để phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; việc thay đổi phù hợp với quy định, thẩm quyền. Tuy nhiên, trong thông cáo báo chí của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình không nói rõ về việc bằng cấp chuyên môn của ông Thận đáp ứng theo quy định, tiêu chí nào, nhất là các quy định, tiêu chí của Trung ương.

Nghị quyết 42-NQ/TW quy định về tiêu chuẩn chuyên môn đối cán bộ lãnh đạo chủ chốt từ cấp huyện trở lên, nêu rõ: “Đối với cán bộ dưới 45 tuổi thuộc diện quy hoạch chức danh chủ chốt thì phải tốt nghiệp đại học hệ chính quy và cao cấp lý luận chính trị hệ tập trung”.

Thực tế, thời gian qua nhiều địa phương đều phải đưa các cán bộ dưới 45 tuổi không có bằng đại học chính quy ra khỏi quy hoạch cán bộ cấp huyện trở lên và chưa thấy địa phương nào công bố công khai vượt rào quy định này. Đơn cử, năm 2017, tại Hà Tĩnh và Quảng Ngãi, dù nhiều người không đồng tình nhưng Ban Tổ chức Tỉnh ủy các tỉnh này vẫn loại khỏi danh sách những người dưới 45 tuổi không có bằng đại học chính quy ra khỏi quy hoạch cán bộ cấp huyện, cấp sở, đúng theo Nghị quyết 42 -NQ/TW.

Quay trở lại trường hợp của ông Nguyễn Văn Thận, trong thông cáo báo chí của Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình có đề cập về bằng cấp chuyên môn như sau: “Việc xem xét về tiêu chuẩn trình độ chuyên môn và tiêu chuẩn ngạch công chức ở thời điểm đồng chí Nguyễn Khắc Thận được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó chủ tịch và Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Phụ đã được Thường trực Tỉnh ủy và Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010-2015 xem xét kỹ lưỡng, thấu đáo và quyết định đúng thẩm quyền, khách quan, không trái với các quy định của T.Ư; căn cứ văn bản hướng dẫn của Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao và phù hợp với thực tiễn của địa phương”.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng việc áp dụng văn bản hướng dẫn của Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao như trên cho công tác tổ chức bộ máy chính quyền nói chung liệu có phù hợp với Nghị quyết 42 -NQ/TW hay không? Theo logic thông thường thì vụ việc này phải được xem xét, xin ý kiến của Ban Tổ chức T.Ư, thậm chí là Bộ Chính trị.

Mới đây, phát biểu trên các phương tiện thông tin đại chúng, nguyên Phó chủ nhiệm UBKT T.Ư Nguyễn Quốc Hùng đề nghị các cơ quan T.Ư kiểm tra, giám sát chặt chẽ hơn nữa công tác cán bộ ở các địa phương. Vụ việc ở Bắc Ninh vừa qua còn là sự cảnh báo, rằng một lần nữa, công tác cán bộ phải thấm nhuần các quy định của T.Ư Đảng về chuẩn bị nhân sự, chuẩn bị Đại hội... Điều đó cho thấy rõ, để biến các quyết tâm của T.Ư thành thực tế không phải là điều dễ dàng. Cho nên, đây là bài học cảnh tỉnh cho tất cả các cấp ủy đang chuẩn bị Đại hội các cấp. Chúng ta thấy rằng, luật pháp, các quy định của Đảng ngày một chặt chẽ hơn, cụ thể hơn. Vấn đề cán bộ phải đọc hiểu và thực hiện tốt hơn.

Vân Long