CCB, thương binh Nguyễn Văn Sáu bần thần trước quyết định bị dừng trợ cấp và bị thu hồi số tiền gần 200 triệu đồng…

Đang hưởng trợ cấp chế độ người phơi nhiễm chất độc hóa học đi-ô-xin, ông Nguyễn Văn Sáu - CCB, thương binh 4/4 trú tại phố Tân Thành, phường Tân Dân, T.P Việt Trì, tỉnh Phú Thọ mới đây bị Sở LĐTBXH tỉnh Phú Thọ ra quyết định đình chỉ trợ cấp và thu hồi số tiền gần 200 triệu đồng mà ông đã được hưởng trong thời gian qua. Điều đáng nói, việc dừng cắt chế độ của ông căn cứ vào Biên bản Giám định Y khoa “tiền hậu bất nhất” của Hội đồng Giám định Y khoa tỉnh Phú Thọ làm cơ sở giải quyết...

Hưởng trợ cấp 10 năm, “bỗng dung” bị… cắt!

Năm 2010, Hội đồng Giám định Y Khoa tỉnh Phú Thọ căn cứ hồ sơ giám định sức khỏe của ông Nguyễn Văn Sáu và các quy định của Bộ Y tế, đã kết luận ông Sáu là nạn nhân của chất hóa học đi ô xin.

Cụ thể, tại Biên bản giám định bệnh tật số 1135 ngày 9-12-2010, Hội đồng Giám định Y Khoa tỉnh Phú Thọ xác định ông Sáu bị “K vòm họng” (khí quản biểu mô không biệt hóa giải phẫu Bệnh viện K), là 1 trong 17 nhóm bệnh do phơi nhiễm chất độc hóa học đi-ô-xin gây ra. Biên bản giám định y khoa có chữ ký của Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng Giám định Y Khoa tỉnh Phú Thọ - bác sĩ Trần Văn Ngợi.  Ngoài ra, còn có chữ ký của Phó chủ tịch Hội đồng Giám định Y Khoa tỉnh Phú Thọ - Trần Tiến Khang và Ủy viên thường trực - bác sĩ Nguyễn Nhật Quỳnh.

Từ căn cứ giám định sức khỏe của ông Sáu và các hồ sơ giấy tờ khác, ngày 1-4-2011, Sở LĐTBXH tỉnh Phú Thọ ban hành quyết định trợ cấp với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đối với ông Nguyễn Văn Sáu (Quyết định số 55/QĐ-LĐTBXH), mức trợ cấp hằng tháng là 1.277.000 đồng.

Tuy nhiên, sau gần 10 năm hưởng trợ cấp, ngày 24-8-2020, Sở LĐTBXH tỉnh Phú Thọ ban hành quyết định đình chỉ trợ cấp và thu hồi số tiền gần 200 triệu đồng ông Sáu đã nhận những năm qua, đồng thời các quyền lợi ưu đãi đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học cũng bị… cắt hết.

Do bị dừng cắt chế độ và bị truy thu số tiền thụ hưởng, ông Sáu đã làm đơn khởi kiện việc dừng cắt chế độ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độ hóa học đi-ô-xin ra Tòa án…

Lấy biên bản “tiền hậu bất nhất” để giải quyết?

Theo tài liệu và đơn ông Sáu phản ánh, việc ông bị Sở LĐTBXH tỉnh Phú Thọ dừng cắt chế độ và truy thu số tiền gần 200 triệu đồng là bởi, năm 2019, Thanh tra Bộ LĐTBXH tiến hành thanh tra, rà soát lại các trường hợp người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Tuy nhiên, không hiểu sao sau thanh tra có người thì bị cắt, có người thì không bị cắt tiền đã trợ cấp.

Tìm hiểu được biết, ngày 11-5-2020, Hội đồng Giám định Y Khoa tỉnh Phú Thọ ban hành Biên bản giám định Y khoa số 20 thay thế Biên bản giám định số 1135 ngày 9-12-2010 trước đó trong hồ sơ thụ hưởng chế độ của ông Sáu. Từ cơ sở này, Sở LĐTBXH tỉnh Phú Thọ lấy làm căn cứ ra quyết định dừng trợ cấp và truy thu số tiền 196.077.000 đồng ông Sáu đã hưởng.

Cụ thể, tại Biên bản giám định y khoa số 20, Hội đồng Giám định Y Khoa tỉnh Phú Thọ kết luận: “Ông Nguyễn Văn Sáu được xác định mắc “Ung thư vòm họng” không thuộc 1 trong 17 nhóm bệnh có liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học/đi-ô-xin. Tỷ lệ tổn thương cơ thể là 0%”.

Trước đó Biên bản giám định số 1135 lại xác định bệnh “K vòm họng” của ông Sáu nằm trong 17 nhóm bệnh có liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học/đi-ô-xin.

Trao đổi với PV về sự việc trên, ông Sáu cho hay: Thanh tra Bộ LĐTBXH tiến hành thanh tra thế nào ông không hề biết và ông cũng chưa từng tiếp cận với cán bộ thanh tra để trao đổi về hồ sơ của ông.

Theo tài liệu ông Sáu cung cấp, cho thấy Biên bản Giám định Y khoa số 20 của Hội đồng Giám định Y khoa tỉnh Phú Thọ đề cập ông Sáu được đi khám giám định theo Giấy giới thiệu số 186/GGT ngày 14-10-2010 của Sở LĐTBXH tỉnh Phú Thọ về việc đề nghị giám định bệnh: Ung thư vòm họng có liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học.

Sau đó Hội đồng Giám định Y khoa tỉnh Phú Thọ kết luận ông Sáu bị mắc bệnh ung thư vòm họng nhưng lại không thuộc danh mục 17 nhóm bệnh tật có liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học/đi-ô-xin (?!).

Điều lạ lùng hơn cả là 10 năm về trước chính bác sĩ Trần Văn Ngợi ký và chịu trách nhiệm về tính pháp lý, tính hợp pháp của Biên bản giám định y khoa số 1135 để làm cơ sở giải quyết trợ cấp cho ông Sáu, thì 10 năm sau, cũng vẫn chính bác sĩ Ngợi ký vào Biên bản giám định số 20 nêu trên khiến cho hồ sơ giải quyết chế độ người hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học đi-ô-xin của ông Nguyễn Văn Sáu bị… “đảo chiều”. Vì sao lại như vậy, chúng tôi tiếp tục tìm hiểu thông tin tới bạn đọc.

Bài và ảnh: Doanh Chính