Các chiến sĩ vận chuyển vũ khí đạn dược lên biên giới Vị Xuyên.

Pháp lệnh Ưu đãi Người có công với cách mạng (dưới đây gọi tắt là Pháp lệnh) là cơ sở pháp lý nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối nhất quán của Đảng và Nhà nước trong việc quan tâm chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần của người có công (NCC) và gia đình họ.

Pháp lệnh được ban hành từ năm 1994, được sửa đổi, bổ sung vào các năm 1998, 2000, 2002, 2005, 2007, 2012. Nay Pháp lệnh tiếp tục sửa đổi và vừa được trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Dự thảo Pháp lệnh lần này kế thừa Pháp lệnh hiện hành và sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến điều kiện, tiêu chuẩn, chế độ ưu đãi đối với đối tượng và chế độ ưu đãi đối với thân nhân và người có liên quan của một số nhóm đối tượng.

Trong đó, Điều 35 Dự thảo mở rộng đối tượng người tham gia kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế được công nhận là NCC với cách mạng với điều kiện “được Nhà nước khen tặng Huân chương, Huy chương”. Điều này khiến đông đảo CCB từng tham gia chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30-4-1975 vui mừng vì sẽ chính thức được công nhận là NCC với đất nước.

Việc mở rộng đối tượng của Dự thảo Pháp lệnh là phù hợp với quan điểm của Đảng, Nhà nước ta trong thời gian gần đây về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, bắt đầu từ ngày 17-2-1979 và kéo dài đến tháng 9-1989. Chỉ riêng tại mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang) hiện còn gần 5.000 cán bộ, chiến sĩ hy sinh, cho thấy tính khốc liệt của cuộc chiến và những đau thương, mất mát của biết bao gia đình... Họ xứng đáng được công nhận và tri ân. Đúng như đồng chí Ngô Công Đoàn - chuyên viên Ban Tổ chức - Chính sách, Hội CCB Việt Nam, người từng tham gia nhiều lần sửa đổi Pháp lệnh cho rằng: “Dự thảo mở rộng đối tượng sẽ động viên những người đã, đang và sẽ làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế trong giai đoạn mới”.  

Tuy nhiên, trong Báo cáo thẩm tra Dự án Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng (sửa đổi) của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đề nghị giữ quy định về điều kiện, tiêu chuẩn, người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế được công nhận là NCC với cách mạng như quy định hiện hành là “được Nhà nước khen tặng Huân chương kháng chiến, Huy chương kháng chiến”.

Huân chương kháng chiến và Huy chương kháng chiến là các hình thức khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Với quy định này, tuy người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, nhưng chỉ những người từng tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mới được công nhận là NCC.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội nêu: “Hiện nay Chính phủ chưa tổng kết việc khen thưởng thành tích tham gia kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, chưa có đánh giá tác động về chính sách.  Do đó Ủy ban đề nghị giữ như quy định hiện hành và đề nghị Chính phủ sớm nghiên cứu, trình cơ quan có thẩm quyền chủ trương tổng kết, làm cơ sở để sau này sửa đổi, bổ sung Luật Thi đua, khen thưởng và Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng”.

Sửa đổi Pháp lệnh, thời gian ngắn nhất cũng phải mất 2 năm.  Nghĩa là những CCB tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau 30-4-1975 vẫn phải tiếp tục chờ đợi.

Đặc biệt, lý do “Đánh giá tác động về chính sách” trong Dự thảo chưa đủ để thuyết phục bởi CCB từng tham gia chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30-4-1975 đã và đang được hưởng 4/5 chế độ chính sách quy định tại Điều 36 và Điều 37 của Dự thảo Pháp lệnh.

Thứ nhất, chế độ trợ cấp một lần và Bảo hiểm y tế của họ được hưởng theo Quyết định 62/2011/QĐ-TTg về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30-4-1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc và Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế... Thậm chí, trong số những người hưởng các chính sách này có người còn được hưởng trợ cấp hằng tháng.

Nhiều CCB thắc mắc, sự khác nhau trong quy định chế độ của Dự thảo Pháp lệnh và các quy định cùng do Chính phủ ban hành đối với cùng một đối tượng có làm ảnh hưởng tới quyền lợi của họ trong thời gian tới hay không?

Thứ hai, về chế độ trợ cấp mai táng phí, nếu không thuộc đối tượng quy định trong Dự thảo Pháp lệnh, những CCB không thuộc thế hệ chống Pháp, chống Mỹ vẫn được hưởng chế độ theo Thông tư 03/2020/TT-BLĐTBXH vừa ban hành 25-2-2020. Điều 3 của Thông tư ghi rõ: “CCB khi từ trần nếu không thuộc đối tượng hưởng chế độ mai táng phí theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng và Luật BHXH thì người tổ chức mai táng được hưởng mai táng phí bằng mức trợ cấp mai táng theo quy định của pháp luật về BHXH hiện hành”.

Thứ ba, được hỗ trợ cải thiện nhà ở khi có khó khăn về nhà ở là một chế độ mới được đưa vào Dự thảo Pháp lệnh. Tuy nhiên, 7 năm qua Chính phủ đã triển khai Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg về hộ trợ NCC với cách mạng về nhà ở. Các đối tượng quy định trong Quyết định này tương ứng với 12 đối tượng quy định trong Pháp lệnh hiện hành, mà không đưa điều kiện, tiêu chuẩn cho đối tượng thứ 11, có nghĩa là họ đã và đang được hưởng các chính sách về nhà ở mà chưa cần phải đưa vào đối tượng thụ hưởng trong Pháp lệnh.

Cuối cùng là chế độ được trợ cấp một lần đối với thân nhân khi người tham gia hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế đã chết mà chưa được hưởng chế độ ưu đãi. Đây là một chính sách nhân văn. Nhưng thời gian không chờ đợi! - người trẻ nhất tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30-4-1975, hiện nay cũng đã khoảng 50 tuổi...  

“Tôi rất cảm ơn sự quan tâm động viên của Đảng và Nhà nước thời gian qua. Nhưng xin đừng để chúng tôi xanh cỏ mới được chính danh” - đó là tâm tư của CCB Phạm Bá Dũng - nguyên chiến sĩ Tiểu đoàn 1018, Sư đoàn 131, Quân khu 2 từng tham gia chiến đấu tại Mặt trận Vị Xuyên.

Hồ Thanh Hương