Ông “ Tuấn lúa “ vui mừng giới thiệu sản phẩm lúa vừa thu hoạch của gia đình cho cán bộ Hội CCB xã và huyện

Đến xã Ích Hậu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh hỏi ông “ Tuấn lúa “ là từ người già đến trẻ nhỏ ai cũng biết, đó là hội viên CCB Nguyễn Đức Tuấn, sinh năm 1956, thuộc Chi hội thôn Lương Trung, Hội Cựu Chiến Binh huyện Lộc Hà.

Xuất thân trong một gia đình nông dân thuần tuý trên quê hương giàu truyền thống cách mạng, năm 1975 theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc ông Tuấn lên đường cầm súng chiến đấu giải phóng miền Nam. Sau 7 năm quân ngũ, năm 1982 ông trở về quê hương và cũng từ đó quanh năm lăn lộn với ruộng đồng, ngược xuôi buôn bán để xây dựng cuộc sống gia đình. Nhưng vì quê hương còn nghèo, gia đình khó khăn, con đông, ruộng ít nên cuộc sống gia đình ông lâm vào khó khăn, thiếu thốn. Ông đã làm đủ nghề, bươn chải khắp nơi để nuôi 7 người con đến tuổi ăn học nhưng cái nghèo khó vẫn cứ đeo bám.

Đến cuối năm 2016, khi đi lao động ở nước ngoài trở về, ông nảy ra ý nghĩ “ đồng ruộng ở quê bỏ hoang quá nhiều, sao lại phải chạy đi đâu cho mệt…”. Những khu ruộng bỏ hoang là của bà con trong khu dân cư nhưng họ bỏ đi làm thuê, xuất khẩu lao động, đi sinh sống ở nơi khác; là người nông dân chân đất, gắn bó với đồng ruộng bao nhiêu năm nên thấy ruộng bỏ hoang nhiều ông càng xa xót. Ông đi đến quyết định phải quyết tâm làm giàu ngay trên chính đồng ruộng quê hương mình. Ông họp gia đình, bàn với vợ con, anh em để xin nhận thêm ruộng, cải tạo trồng lúa. Ban đầu vợ con không thuận, nhưng được cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể, các Cựu Chiến binh trong Chi hội ủng hộ nên ông càng vững niềm tin.

Với bản chất người lính Bộ đội Cụ Hồ, khó khăn nào cũng vượt qua, không cam chịu đói nghèo, ông phân tích cho cả gia đình nắm được lợi thế khi có nhiều diện tích trồng lúa, từ đó cả nhà tập trung vào ủng hộ ông dồn điền, đổi thửa, cải tạo những cánh đồng đầy cỏ dại, năn lác trở thành những vùng đất trồng lúa thích hợp. Mặt khác, ông vay vốn ngân hàng sắm sửa máy cày bừa, gieo vãi, máy bơm nước và các vật tư nông nghiệp phục vụ cho việc trồng lúa. Diện tích ước tính khoảng 10 ha với số tiền đầu tư lên đến trên 500 triệu đồng.

Cha ông ta từng nói “ Người có công, trời không phụ “, với sự cần cù, chịu khó, vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm, sau chưa đầy 3 năm mô hình kinh tế trồng lúa của ông Tuấn đã phát triển ổn định, mỗi năm hai mùa thu hoạch trên 100 tấn thóc, trừ mọi chi phí ông, bà thu về từ 250-300 triệu đồng, cũng từ đó cái tên ông “ Tuấn lúa “ nổi tiếng khắp xã Ích Hậu.

Đợi ông từ ngoài đồng về trên một chuyến xe chở đầy lúa, gạt mồ hôi đầm đìa trên khuôn mặt xạm nắng, ông “ Tuấn lúa “ chia sẽ: Cái dại nhất của chúng tôi là không biết tận dụng và phát huy những thứ mà cha ông để lại tự bao đời, đó là đồng ruộng. Mình chung thuỷ cày cấy, chăm bón, áp dụng khoa học kỷ thuật vào thâm canh thì chắc chắn cho thu nhập cao. Ngoài phần đất cải tạo từ đồng hoang, cỏ dại, gia đình tôi còn thuê lại của những hộ đi làm ăn xa, tất cả đều rất triển vọng cho những mùa tới.

Gia đình tôi sẽ xây thêm trang trại chăn nuôi trâu, bò;  làm hồ nuôi cá để tăng thêm thu nhập, giờ thì vợ con rất đồng tình và ủng hộ…”

Ông Lê Văn Sao, Phó Chủ tịch Hội CCB huyện Lộc Hà nhấn mạnh với tôi khi nói về ông Nguyễn Đức Tuấn: Ví là anh “ hai lúa “ thì chửa phải lắm, nhưng gọi là anh “ Tuấn lúa  “ là có thực rồi, bài học mà ông “ Tuấn lúa “ đúc kết cho các hội viên học tập, đó là người Cựu Chiến Binh không cam chịu đói nghèo, toả sáng phẩm chất anh Bộ đội Cụ Hồ trên mặt trận xoá đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng …”

                                                               Bài, ảnh Lê Anh Thi