Đồng bào Mông cùng đồng bào các dân tộc ở Điện Biên vui Tết Độc lập dịp 2-9-2019.

Với đồng bào dân tộc Mông ở tỉnh Điện Biên, Ngày Quốc khánh 2-9 hay còn gọi là Tết Độc lập trở thành ngày hội truyền thống ở nhiều địa phương. Với họ, việc tổ chức ăn mừng Tết Độc lập không chỉ là dịp đoàn tụ con cháu, giáo dục truyền thống tốt đẹp của dòng họ, quê hương mà còn để bày tỏ lòng biết ơn Đảng, Bác Hồ kính yêu.

Tết Độc lập-tết đoàn viên

Cũng như nhiều gia đình người Mông ở bản Đề Chia A, xã Pú Nhung, huyện Tuần Giáo, mấy hôm nay, gia đình ông Vừ Chồng Xía, Bí thư Chi bộ bản Đề Chia A tất bật trang hoàng nhà cửa, chuẩn bị gà đồi, lợn bản, rau rừng... để đón con cháu nơi xa về ăn Tết Độc lập. Gia đình ông Xía nhiều năm liền được công nhận gia đình hiếu học, có nhiều người đỗ đạt thành tài, đang học tập, công tác trong và ngoài tỉnh. Tết Độc lập là dịp để con cháu ông Xía trở về đoàn tụ nên ai nấy đều hân hoan, phấn khởi.

Được biết, vào ngày này mọi năm, các thành viên trong dòng họ Vừ đều sum vầy tại nhà trưởng họ, cùng nhau sửa soạn bàn thờ Bác Hồ, treo cờ Tổ quốc và quây quần bên bữa cơm đoàn viên vui vẻ. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc tổ chức ăn cơm mừng Tết Độc lập được làm gọn nhẹ hơn. Theo tục lệ, ông Xía sẽ đến từng nhà chúc tết và ôn lại những truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ. Ông Xía bảo, ngày còn sống, cụ thân sinh ra ông vẫn kể lại chuyện được nghe giọng Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Ðộc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa qua làn sóng phát thanh vào ngày 2-9-1945. Sau này, mỗi khi được nghe kể lại câu chuyện đó, ông Xía và lớp lớp con cháu người Mông vẫn luôn dấy lên niềm tự hào về khí thế hào hùng trong ngày Quốc khánh 2-9 trọng đại của dân tộc.

Lớn lên, ông Xía tiếp tục được cha răn dạy thêm nhiều điều, đặc biệt về truyền thống anh hùng cách mạng trên quê hương Pú Nhung. Vùng đất này từng là căn cứ địa cách mạng và là nơi sinh ra hai Anh hùng LLVT nhân dân: Vừ A Dính và Sùng Phái Sinh. Từng sống, chiến đấu và chứng kiến những đau thương, mất mát bởi chiến tranh gây ra, đồng bào Mông ở Pú Nhung lại càng khát khao và trân quý giá trị thiêng liêng của hai tiếng “độc lập”. Từ đó, ngoài đón tết cổ truyền theo phong tục tổ tiên, đồng bào Mông còn rất coi trọng tổ chức đón tết mừng ngày độc lập của dân tộc như là cách để bày tỏ lòng biết ơn đến Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đem lại độc lập, tự do cho đồng bào cả nước nói chung và người Mông nói riêng.

Hòa chung ngày hội non sông

Với người Mông, trước đây, khi cuộc sống còn thiếu thốn, việc tổ chức ăn Tết Độc lập còn đơn giản, nhưng nay, khi cuộc sống no ấm đang hiện hữu trong mỗi mái nhà, việc ăn tết trong dịp 2-9 ngày càng chu đáo và đủ đầy hơn.

Ông Vừ A Kỷ, Phó chủ tịch UBND xã Pú Nhung cho biết: "Ngày Quốc khánh 2-9 là dịp lễ lớn của dân tộc Việt Nam, nhưng đối với riêng đồng bào Mông, đó là ngày tết quan trọng, được nhắc đến nhiều hơn với tên gọi thân thuộc-Tết Độc lập. Đây là dịp dân bản ai cũng háo hức mong chờ. Nhà nào cũng chuẩn bị mọi thứ chu đáo từ trước đó hàng tuần, đến ngày cùng nhau tổ chức ăn uống vui vẻ. Sau đó, mọi người đến nhà nhau chúc tết, thăm hỏi, động viên và cùng tham gia vào các hoạt động giao lưu văn hóa-văn nghệ, thể thao do chính quyền, các đoàn thể địa phương tổ chức như đá bóng, thổi khèn, hát múa...".

Tết Độc lập của người Mông thường kéo dài từ ngày 29-8 đến 2-9, nhưng đông vui nhất là ngày 1 và 2-9. Những năm gần đây, nhiều người còn chọn đến những nơi trung tâm có nhiều hoạt động nhộn nhịp để vui chơi như thị trấn, trung tâm huyện, Quảng trường TP Điện Biên Phủ hoặc sang Mộc Châu (Sơn La)... Khi đi, ai ai cũng chọn cho mình bộ trang phục thật đẹp và rực rỡ. Với nam thì đầu quấn khăn, cổ đeo vòng, vai mang cây khèn. Nữ thì áo váy xúng xính, thêm chút trang điểm và tay cầm chiếc đàn môi làm duyên... Trên những con đường nhuộm thắm màu cờ, dãy dài những băng rôn, khẩu hiệu chào mừng ngày Quốc khánh hòa cùng sắc màu rực rỡ từ trang phục của bà con đã dệt nên bức tranh sinh động nhiều màu.

Ông Mùa Súa Vừ ở xã Pú Nhung cho biết: "Tết cổ truyền và Tết Độc lập là dịp người Mông tạm gác lại những vất vả, lo toan và nhọc nhằn trên nương để nghỉ ngơi, vui chơi. Ngày trước, kinh tế còn nghèo, người Mông phải đi bộ nhiều ngày nhưng nay hầu như nhà nào cũng có xe máy nên người Mông đi chơi Tết Độc lập được đông hơn, xa hơn, xuống phố để tham quan, ngắm phố phường".

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Thăng, Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên) cho biết: "Những năm qua, để có thêm sân chơi, tạo bầu không khí vui vẻ, gắn chặt thêm tình đoàn kết giữa đồng bào Mông nói riêng và cộng đồng các dân tộc trong ngày kỷ niệm Quốc khánh 2-9, ngành văn hóa tỉnh Điện Biên đã tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn nghệ, thi đấu các môn thể thao dân tộc tại sân hành lễ Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ. Đây là dịp để người dân tận hưởng bầu không khí thiêng liêng độc lập, đồng thời thêm tự hào và thấy được trách nhiệm của mình trong xây dựng quê hương, đất nước".

QĐND